Biểu tượng thành phố Hải Phòng- Hội tụ đặc trưng quê hương

Sau 32 năm với 6 lần tổ chức cuộc thi sáng tác biểu tượng quê hương, thành phố có được biểu tượng với đầy đủ những nét đặc trưng của đất Cảng giàu truyền thống lịch sử, bề dày văn hóa, đang vươn mình mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập...

Tự hào khi thành phố có biểu tượng

Mỗi lần cất lời ca về thành phố quê hương, NSND Khánh Hòa, Trưởng đoàn Ca múa Hải Phòng không giấu nổi tự hào. Hè về, cũng là dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Hải Phòng, hoa phượng bừng lên rực rỡ đưa thành phố đi vào thơ ca với ấn tượng đẹp đẽ. Hình ảnh hoa phượng đỏ nay trở thành một phần trong biểu tượng thành phố. Mỗi khi nhìn thấy sắc hoa đỏ tươi ấy, mỗi người con Hải Phòng lại như được trở về thành phố quê hương - NSND Khánh Hòa bày tỏ.

Nhiều năm sinh sống và công tác tại Hà Nội, nhưng luôn nhớ về quê hương, chị Phạm Thanh Hương, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia vui mừng khi thành phố có biểu tượng riêng. Theo chị, nhắc đến hoa phượng, nhiều người nghĩ ngay tới Hải Phòng dù loài hoa này có mặt ở nhiều nơi. Chữ HP cách điệu tượng trưng các công trình cao tầng, nhà máy, khu công nghiệp hiện đại. 3 con sóng như bến cảng, như những cây cầu, đại dương, những con tàu vượt biển, nhất là tượng trưng 3 trận đại thắng quân xâm lược trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử của 3 vị anh hùng dân tộc: Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo. Ngôi sao năm cánh ở giữa tượng trưng cho sức mạnh, tỏa sáng, minh bạch, trí tuệ, tài năng và đoàn kết của người dân thành phố Cảng. Biểu tượng dễ chế tác, có nhiều màu hoặc đen trắng đều đẹp, nhìn là thấy hồn cốt quê hương. “Hải Phòng không lòng vòng. Chúc mừng tác giả, chúc mừng quê hương tôi - 32 năm một chặng đường để có biểu tượng”- chị Hương chia sẻ niềm vui với bạn bè, người thân trên mạng xã hội ngay khi thành phố chọn được biểu tượng.

Cách Hải Phòng hơn 6,8 nghìn km, khi nhận được thông tin về biểu tượng thành phố, bạn Dương Diệu Hương, nghiên cứu sinh cao học Trường đại học Bách khoa Moskva (Liên bang Nga) lập tức chia sẻ hình ảnh biểu tượng với bạn bè. “Rất nhiều du học sinh Việt Nam ở đây đều mong muốn có huy hiệu biểu tượng thành phố để bày tỏ tình yêu Hải Phòng khi xa quê hương”, Diệu Hương cho hay...

Sau khi Thành ủy thống nhất chọn biểu tượng thành phố Hải Phòng (mẫu NTM 787 bản gốc), đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng giao Ban cán sự đảng UBND thành phố thực hiện các thủ tục đăng ký bản quyền và xây dựng quy chế sử dụng biểu tượng trang trọng, đúng mục đích, phù hợp. Dự kiến, tháng 8 tới đây, thành phố sẽ tổ chức trao giải Cuộc thi sáng tác biểu tượng Hải Phòng lần thứ 6...

Thể hiện Hải Phòng vừa truyền thống, vừa hiện đại

Tác giả biểu tượng Hải Phòng là anh Nguyễn Văn Ngát, 48 tuổi, Giám đốc Công ty Thiết kế mới ở thành phố Hồ Chí Minh. Theo anh Ngát- người giành 25 giải nhất ở các cuộc thi thiết kế logo tại nhiều tỉnh, thành phố, biểu tượng đoạt giải nhất không hẳn đẹp nhất, nhưng đáp ứng đầy đủ tiêu chí của cuộc thi. Đối với một cuộc thi tìm kiếm biểu tượng hành chính, yêu cầu cao nhất phải hội tụ được các yếu tố đặc trưng của địa phương như: Lịch sử, kinh tế, văn hóa và địa lý. Biểu tượng hành chính có phong cách riêng, không như của doanh nghiệp hay sự kiện, ít đường nét thể hiện hơn so với các lĩnh vực khác nhưng phải trang trọng, cô đọng, súc tích, không được phép “phiêu” hay phá cách quá. Tác giả cho rằng dù trải qua bao nhiêu thập niên thì biểu tượng hành chính vẫn mang phong cách riêng biệt.

Dù từng tham gia và đoạt nhiều giải cao tại các cuộc thi thiết kế biểu tượng lớn, nhỏ trên toàn quốc, anh Nguyễn Văn Ngát cũng đánh giá, việc tham gia cuộc thi sáng tác mẫu biểu tượng thành phố Hải Phòng “căng thẳng và áp lực nhất”. Theo anh, yêu cầu về biểu tượng thành phố của người dân và lãnh đạo Hải Phòng rất cao; số tác giả dự thi nhiều chưa từng thấy... “Khi tham gia cuộc thi sáng tác biểu tượng thành phố Hải Phòng, tôi hệ thống những đặc trưng lịch sử, kinh tế, văn hóa, địa lý của Hải Phòng. Vì Hải Phòng có nhiều đặc trưng nổi tiếng, vì vậy không thể dùng mỗi hình ảnh hoa phượng hay bến cảng để đại diện cho một Hải Phòng vừa truyền thống, vừa hiện đại và có nhiều đặc trưng được. Vì vậy, tôi đã sử dụng mỗi đặc trưng một hình ảnh...”.

Với cách lý giải đó, tác giả Nguyễn Văn Ngát xác định ngay hoa phượng đại diện cho văn hóa, cảng biển đại diện cho kinh tế và yếu tố lịch sử là 3 sóng nước tượng trưng 3 trận đánh quân xâm lược trên dòng sông Bạch Đằng. Phần giữa logo là hai chữ tượng hình HP (Hải Phòng) được cách điệu từ những tòa nhà cao tầng, cầu vượt biển Tân Vũ và cần cẩu ở cảng biển. Các yếu tố đặc trưng được cách điệu nằm trong hình tròn vận động, tạo thành hình ảnh con tàu vượt biển vươn khơi trong ánh bình mình như hướng đến tương lai. Theo tác giả, việc ghi rõ chữ Hải Phòng cũng quan trọng vì biểu tượng là khối tổng thể kết hợp hài hòa giữa hình và chữ, để các tầng lớp nhân dân trong cả nước và bạn bè quốc tế đều hiểu, dễ nhớ, dễ nhận diện. Hầu hết biểu tượng tỉnh, thành phố có đặc điểm này. Sau 1 tháng hình thành ý tưởng, triển khai thực hiện và trải qua quá trình chỉnh sửa, mẫu biểu tượng Hải Phòng ra đời, đến nay chính thức được lựa chọn.

TK

(Theo baohaiphong.vn)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/bieu-tuong-thanh-pho-hai-phong-hoi-tu-dac-trung-que-huong-214121.htm