Trong một bài báo mới được công bố trên tạp chí Scientific Reports, nhóm nghiên cứu cho biết đã tìm thấy dấu vết của một hỗn hợp có thể gây ra ảo giác cho những người uống nó. Hỗn hợp này nằm bên trong một chiếc bình cổ Ai Cập khoảng 2.200 tuổi.
Theo các chuyên gia, chiếc bình cổ có hình Bes - vị thần lùn trong tôn giáo của người Ai Cập cổ đại. Thần Bes bảo trợ việc sinh nở của phụ nữ, niềm vui và âm nhạc.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích các thành phần trong hỗn hợp tìm thấy trong chiếc bình khoảng 2.200 tuổi. Qua đó, họ phát hiện dấu vết của Peganum harmala - loài thực vật có hoa trong họ Nitrariaceae, hoa sen Ai Cập (Nymphaea nouchali var. caerulea) và một loại cây thuộc chi Cleome. Những thành phần trên có "đặc tính hướng thần và dược liệu.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện dấu vết của hạt vừng, hạt thông, cam thảo và nho. Sự kết hợp này thường được sử dụng để làm cho đồ uống có màu đỏ giống như máu.
Thông qua các phương pháp hiện đại, bao gồm chiết xuất ADN cổ đại, các chuyên gia cũng phát hiện dấu vết cho thấy nhiều người đã uống hỗn hợp đựng trong bình cổ.
Từ những khám phá này, nhóm nghiên cứu cho rằng, người Ai Cập thời cổ đại đã cố gắng tái hiện một thần thoại. Trong đó, thần Bes đã cố gắng xoa dịu nữ thần Hathor khi bà đang thèm khát máu. Thần Bes đã mang cho nữ thần Hathor một loại đồ uống có cồn pha với một loại thuốc có nguồn gốc từ thực vật. Theo đó, loại đồ uống có màu đỏ giống máu đã giúp nữ thần Hathor đi vào giấc ngủ sâu.
Từ đây, các nhà nghiên cứu suy đoán chiếc bình khoảng 2.200 tuổi có thể được sử dụng trong một nghi lễ nhằm tái hiện những gì xảy ra trong thần thoại Ai Cập.
Đồng thời, giới chuyên gia cho rằng, các nhà tiên tri người Ai Cập cổ đại đã sử dụng loại đồ uống trong chiếc bình cổ trên nhằm dự đoán tương lai cho người uống nó.
Thần Bes gắn liền với việc sinh nở nên phụ nữ có thể đã đến gặp nhà tiên tri và được cho uống nước trong bình có thể gây ra ảo giác để dự đoán về thai kỳ của họ có thuận lợi hay không.
Mời độc giả xem video: Bí ẩn lăng mộ nữ hoàng quyền lực nhất lịch sử Ai Cập cổ đại.
Tâm Anh (theo Livescience)