'Bình dân học vụ số' để mở rộng không gian đọc trong trường học
'Ngày hội vui học cùng sách' được kỳ vọng lan tỏa thói quen đọc sách đến học sinh các cấp, gắn kết chặt chẽ với chương trình học và thực tiễn giáo dục.
Tại buổi họp giới thiệu và kết nối tổ chức chương trình “Ngày hội vui học cùng sách” diễn ra ngày 21/5, đại diện các trường học, cán bộ thư viện, diễn giả và đơn vị xuất bản đã cùng trao đổi các giải pháp đưa văn hóa đọc đến gần hơn với học sinh thông qua các hoạt động thực tế trong nhà trường.
Mở rộng quy mô, gắn chặt với chương trình học
Ông Lê Hoàng - Giám đốc Đường sách TP.HCM - chia sẻ: “Chương trình “Ngày hội vui học cùng sách” là phiên bản nâng cấp từ mô hình “Du hành vui cùng sách” từng tổ chức tại Đường sách TP.HCM. Từ những phản hồi tích cực của học sinh và giáo viên, chúng tôi quyết định mở rộng quy mô triển khai trực tiếp tại trường học từ năm học 2025–2026”.
Theo ông Hoàng, chương trình dự kiến triển khai các buổi giao lưu cùng diễn giả xoay quanh 10 chủ đề chính và hơn 100 đề tài. Nội dung được thiết kế dựa trên mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, đồng thời bám sát chương trình học từng môn và từng khối lớp. “Chúng tôi lựa chọn nội dung dựa trên mục tiêu giáo dục cụ thể, nhưng cũng phải phù hợp với thế mạnh của từng diễn giả để đảm bảo hiệu quả truyền đạt”, ông nói thêm.

Ông Lê Hoàng - Giám đốc Đường sách TP.HCM - chủ trì chương trình. Ảnh: Hoàng Yến.
Từ phía cơ quan quản lý, ông Đào Phi Trường - Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM - cho biết chủ trương phát triển văn hóa đọc đang rất được Chính phủ quan tâm, thể hiện rõ qua Thông tư 16. Tuy nhiên, ông lưu ý cần chọn lọc kỹ nội dung và cách thức triển khai để tránh dàn trải, đồng thời, nhấn mạnh việc khơi gợi tình yêu sách mới là yếu tố then chốt. Ông cũng đề xuất tận dụng công nghệ để xây dựng “bình dân học vụ số” và mở rộng không gian đọc qua tài nguyên điện tử.
Cần sự liên kết đồng bộ
Nhiều đại biểu tại buổi họp cùng quan điểm rằng, để chương trình thực sự lan tỏa, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa thư viện, giáo viên và diễn giả.
Cô Nguyễn Thị Kim Nhung - nguyên chuyên viên thư viện Phòng GD&ĐT quận 11 - đề xuất phân cấp đề tài theo độ tuổi để tránh tình trạng khối mầm non hoặc tiểu học phải tiếp nhận những chủ đề quá sức. Bà cũng cho rằng cần cung cấp danh mục sách tương ứng với nội dung giao lưu để thư viện chủ động trưng bày, giúp học sinh tiếp cận sách ngay sau buổi nói chuyện. Đồng thời, đề nghị các nhà xuất bản hỗ trợ giá chiết khấu tốt nhất cho học sinh.
Về phía giáo viên trực tiếp giảng dạy, thầy Trần Vũ Phi Bằng (THCS Phước Bình, TP Thủ Đức) chia sẻ: “Học sinh rất hứng thú khi được trò chuyện với nhà văn mà các em từng học trong SGK. Nhưng nếu chỉ tổ chức trong sân trường thì quá an toàn. Chúng ta nên đưa các em ra không gian mở như Đường sách để các em có thêm trải nghiệm tự do, sáng tạo”. Thầy Bằng cũng cho rằng việc truyền cảm hứng đọc không nên chỉ là trách nhiệm của giáo viên Văn: “Bất cứ thầy cô nào cũng có thể lan tỏa tình yêu sách, miễn là được đào tạo và có nội dung phù hợp”.
Ở góc độ diễn giả, cô Lê Hoàng Phi Yến - nhà văn, biên kịch và giáo viên Văn - đề nghị chương trình nên chú trọng vào nhóm học sinh chưa có thói quen đọc sách. Theo cô, việc đọc thêm hiện đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng ngôn ngữ và năng lực làm bài thi tích hợp. Bên cạnh đó, cô cũng đề xuất mời thêm diễn giả từ các lĩnh vực khác để đa dạng hóa nội dung và truyền cảm hứng từ nhiều góc nhìn.

Cô Lê Hoàng Phi Yến, nhà văn, biên kịch, diễn giả phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hoàng Yến.
Về phía đơn vị xuất bản, bà Đăng Châu - đại diện Nhà sách Phương Nam - ghi nhận các góp ý từ nhà trường và diễn giả, đồng thời, bày tỏ hy vọng chương trình sẽ mở ra cơ hội để sách đến gần học sinh hơn thông qua các hoạt động giới thiệu, truyền thông và kết nối thư viện.
Một số đại biểu cũng nêu vấn đề về tính công bằng trong tiếp cận sách. Học sinh tại các khu vực vùng ven, nơi điều kiện thư viện còn thiếu thốn, cần được quan tâm trong các đợt tổ chức chương trình.
Theo đó, cần có kế hoạch mở rộng đến các trường ngoài trung tâm, đảm bảo mọi học sinh đều có cơ hội tiếp cận hoạt động phát triển văn hóa đọc. “Ngày hội vui học cùng sách” được kỳ vọng trở thành một mô hình kiểu mẫu trong việc phát triển văn hóa đọc bền vững tại TP.HCM và nhiều địa phương khác trong tương lai.