Bình đẳng giới ở Nhật Bản thấp nhất trong số các nước phát triển
Nhật Bản có sự phân biệt giới tính rõ rệt nhất trong số 34 quốc gia có thu nhập cao thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và chỉ xếp thứ 73/190 quốc gia về bình đẳng giới, theo nghiên cứu mới do Ngân hàng Thế giới thực hiện.
Nghiên cứu được Ngân hàng Thế giới công bố hôm thứ Hai (4/3) trước thềm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 đã đưa ra kết quả không mấy tươi đẹp cho Nhật Bản - quốc gia từ lâu đã thừa nhận sự phân biệt giới tính đáng kể khi nói về các quyền và cơ hội hợp pháp cho nam giới và nữ giới.
Đáng chú ý, báo cáo thường niên về Phụ nữ, Kinh doanh và Luật pháp năm 2024 của Ngân hàng Thế giới thậm chí xếp Nhật Bản dưới Cộng hòa Dân chủ Congo, Angola, Nepal và Lesotho về bình đẳng giới.
Báo cáo đa chiều về bình đẳng giới ở các quốc gia được xếp hạng dựa trên 8 chỉ số, trong đó có lương, hôn nhân, cơ hội kinh doanh và điều kiện làm việc, cùng 2 lĩnh vực mới được bổ sung trong năm 2024 – dịch vụ chăm sóc trẻ em và an toàn khỏi bạo lực.
Trong khi Nhật Bản đạt được kết quả tốt trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trẻ em, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo nước này trong một số lĩnh vực khác, bao gồm cả việc không đạt được tiến bộ trong cải thiện các vấn đề lâu dài về cơ hội và lương không bình đẳng giữa nam và nữ.
Nghiên cứu kết luận, khi tính đến tất cả các yếu tố, phụ nữ Nhật Bản chỉ được hưởng 72,5% các quyền lợi và sự bảo vệ hợp pháp mà đàn ông Nhật Bản có được. Trong khi đó, mức trung bình trên toàn OECD là 84,9%.
Báo cáo cũng lưu ý rằng các nữ doanh nhân không được hưởng lợi từ nhiều cơ hội giống như các đồng nghiệp nam. Bên cạnh đó, báo cáo kêu gọi Nhật Bản thay đổi khung pháp lý để giải quyết các trường hợp bạo lực gia đình và quấy rối tình dục.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần cam kết nâng phụ nữ ngang hàng với nam giới trong mọi lĩnh vực xã hội. Ví dụ, vào năm 2014, Thủ tướng khi đó là ông Shinzo Abe đã tuyên bố rằng Chính phủ Nhật Bản dự định giúp phụ nữ "tỏa sáng" trong cả nơi làm việc và xã hội, và rằng lợi ích từ các chính sách phụ nữ sẽ được thể hiện rõ ràng vào năm 2020.
Tầm nhìn của ông Abe là tăng số phụ nữ ở các vị trí quản lý từ 9,2% năm 2014 lên 15% vào năm 2020, và phụ nữ giữ các vai trò cấp cao trong các cơ quan chính phủ sẽ tăng từ 3,5% năm 2015 lên 7%.
Tuy nhiên, không có mục tiêu nào đạt được. Mục tiêu để phụ nữ đảm nhận vai trò lớn hơn trong các tổ chức cộng đồng khu phố cũng không đạt được, cùng với kế hoạch thu hút nhiều phụ nữ trở lại văn phòng sau khi sinh con và nam giới giúp đỡ nhiều hơn trong công việc gia đình.
Giảng viên Sumie Kawakami tại Đại học Yamanashi Gakuin cho biết tình trạng bình đẳng giới thấp ở Nhật Bản không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các nhà lãnh đạo chính trị quốc gia.
"Hệ thống của Nhật Bản có thành kiến với phụ nữ, nhưng cũng có những vấn đề trong xã hội chúng ta cần phải khắc phục", bà nói. "Ví dụ, tại nơi làm việc ở Nhật, nhiều phụ nữ không muốn được thăng chức vì điều đó đòi hỏi phải làm việc nhiều giờ hơn và chịu trách nhiệm lớn hơn".
Theo bà Kawakami, khi phải cân bằng giữa sự nghiệp và việc trở thành một người mẹ tốt, phụ nữ Nhật Bản thường nghiêng về phía làm một người mẹ. Điều này có thể do họ chịu tác động từ lời khuyên của người thân rằng nên dành nhiều thời gian nội trợ, hoặc ngán ngẩm việc hàng xóm bàn tán rằng họ ít khi ở nhà.
"Phụ nữ vẫn phải tuân theo các chuẩn mực của xã hội này, ngay cả khi điều đó đi ngược lại với những gì họ thực sự muốn", bà Kawakami kết luận.
Tuy nhiên, bà Kawakami có cái nhìn lạc quan rằng thế hệ thanh niên mới nhìn nhận mọi thứ hoàn toàn khác. "Tôi thực sự nghĩ rằng mọi thứ đang thay đổi. Tôi thấy những ông bố trẻ tham gia nhiều hơn vào cuộc sống gia đình và giúp đỡ nuôi dạy con cái nhiều hơn so với trước đây", bà cho biết.
Bà Kawakami đồng ý rằng có thể phải mất vài năm để thế hệ thanh niên mới đảm nhận các vị trí cấp cao tại các công ty và tổ chức. Điều này có nghĩa là thế hệ phụ nữ Nhật Bản trẻ hiện nay có thể chưa thực hiện được ước mơ về bình đẳng giới trong sự nghiệp, nhưng thế hệ con gái họ có thể sẽ ngang hàng với đàn ông Nhật Bản.
Hoài Phương (theo SCMP)