Bình đẳng giới phải thực chất, toàn diện
Đó là quan điểm của nhiều đại biểu tại Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức sáng 25/9.
Tham dự và chủ trì Hội nghị có Tiến sĩ Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng nhiều đại biểu, chuyên gia đến từ các Bộ, ngành.
Kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy: hơn 1/3 phụ nữ ở Việt Nam có thái độ ủng hộ nam giới là người đưa ra quyết định và là chủ hộ gia đình và có đến 51,8% phụ nữ được phỏng vấn tin rằng người đàn ông đánh vợ là có lý do.
Những con số này gợi ý rằng định kiến giới ở Việt Nam vẫn còn nặng nề, đặc biệt là về khuôn mẫu giới trong xã hội. Định kiến giới đã tạo ra một "tấm trần vô hình" ngăn cản phụ nữ có được những lựa chọn tốt hơn trong sự nghiệp và đời sống, song cũng đè nặng lên vai nam giới những "trách nhiệm nam tính", đôi khi là tiêu cực.
Thay đổi định kiến giới được xác định là một trong những vấn đề cần tập trung giải quyết tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 (Chiến lược) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang chủ trì soạn thảo.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Chiến lược nhằm cung cấp thêm bằng chứng về các vấn đề bình đẳng giới cần tập trung giai đoạn tới, từ đó, đề xuất thay đổi, bổ sung các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới phù hợp.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội nghị, bà Bùi Thị Hòa cho rằng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 được triển khai khá đồng bộ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về bình đẳng giới; Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách từng bước được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới; Kết quả thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới trong các lĩnh vực đã có những tiến bộ rõ nét.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ đánh giá sau 10 năm thực hiện, trong tổng số 22 chỉ tiêu đề ra, có 13 chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt (chiếm 59%), còn lại 9 chỉ tiêu chưa đạt hoặc không thống kê được (chiếm 41%), tập trung vào những chỉ tiêu về chính trị, kinh tế, công việc gia đình, đặc biệt là không đạt được chỉ tiêu nào về tỷ lệ phụ nữ tham chính.
Chính vì vậy, để đảm bảo các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới giai đoạn tới được thực chất, có tính khả thi và có thể đo lường được, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nêu ra 6 nhóm vấn đề cần tập trung thảo luận gồm: Cách tiếp cận và quan điểm xây dựng Chiến lược; Định kiến giới và nhận thức về bình đẳng giới; Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị; Bình đẳng giới trong lao động, việc làm và vấn đề về khoảng cách tiền lương bình quân; Bình đẳng giới trong đời sống gia đình và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; Tính khả thi và khả năng đo lường các mục tiêu, chỉ tiêu.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội), đại diện Ban soạn thảo, chia sẻ, trong 10 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới đã có 4 chỉ tiêu vượt (lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, y tế), 10 chỉ đạt (kinh tế, giới dục, quản lý nhà nước) và 7 chỉ tiêu chưa đạt. Trong số các chỉ tiêu chưa đạt đáng chú ý có việc thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động chính trị và tỉ lệ người bị bạo lực được hỗ trợ, người gây ra bạo lực.
Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, cần tập trung vào vấn đề bình đẳng giới trong vấn đề lao động, việc làm.
Ông Bùi Sĩ Lợi cũng cho rằng, nhiều chỉ tiêu về bình đẳng giới trong 10 năm qua chưa đạt, trong đó có những chỉ tiêu rất quan trọng. Ông Lợi nhận xét, vấn đề tồn lại là bình đẳng giới thiếu tính bền vững và có khoảng cách xa giữa vùng miền, dân tộc…
"10 năm tới chúng ta đứng trước nhiều thách thức, khó khăn vô cùng lớn. Hội nhập, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và các vấn đề xã hội đang rất phức tạp. Điều đó sẽ tác động đến bình đẳng giới", ông Bùi Sĩ Lợi nhấn mạnh.
Chuyên gia Đặng Thị Hoa cho rằng, bình đẳng giới phải thực chất, toàn diện và bền vững. Bà Hoa góp ý, mục tiêu tổng quát có đề cập đến định kiến giới các tầng lớp dân cư là chưa phù hợp. Bởi khái niệm tầng lớp dân cư rất hẹp. Trong hệ thống chính trị nhất là cấp cơ sở vẫn còn định kiến rất nhiều vì thế bà Hoa đề nghị thay cụm từ dân cư bằng cụm từ xã hội để bao trùm hơn.
Nhà báo Thu Hà, Phó trưởng Ban Thời sự - Đài truyền hình Việt Nam, cho rằng, chiến lược trong 10 năm tới nên có điểm nhấn và không nên dàn trải. Theo bà Thu Hà, điểm nhấn đó chính là tỉ lệ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị. "Những người ra quyết định là phụ nữ thì những vấn đề khác sẽ được giải quyết, còn nếu ở vai trò hưởng ứng thì sẽ khác", nhà báo Thu Hà nêu quan điểm.
Theo GS.TS Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, cần chú trọng vào đào tạo cho phụ nữ hơn nữa. Đặc biệt là tăng cường đào tạo trình độ cho nữ liên quan đến công nghệ số, khi đó vai trò của nữ mới tăng lên.
Đại diện TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đề cập đến vấn đề xâm hại tình dục đối với trẻ em, nhất là trẻ em gái. Vì thế, cần quan tâm, chú trọng hơn nữa trong việc giảm tỉ lệ trẻ em bị xâm hại, đưa điều này vào tiêu chí của chiến lược.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa cảm ơn ý kiến đóng góp quý báu, xác đáng của các đại biểu, chuyên gia. Qua đây, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp thu, tiếp nhận đầy đủ để có văn bản gửi tới Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì soạn thảo Chiến lược.
Hội LHPN Việt Nam mong muốn thúc đẩy tiến trình thực hiện bình đẳng giới một cách thực chất ở Việt Nam nói riêng và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nói chung mà Việt Nam đã cam kết.