Bình đẳng giới trở thành động lực phát triển ở Dân Tiến
Dù còn nhiều khó khăn, xã Dân Tiến (tỉnh Thái Nguyên) đang từng bước chuyển mình nhờ Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em'. Dự án không chỉ tạo cơ hội cải thiện kinh tế, mà còn nâng cao nhận thức, vị thế của phụ nữ trong gia đình và cộng đồng.

Phụ nữ dân tộc Mông ở xóm Tân Tiến (xã Dân Tiến, tỉnh Thái Nguyên) tự tin làm chủ cuộc sống, trở thành cầu nối lan tỏa thông điệp bình đẳng giới trong gia đình và cộng đồng.
Không khó để cảm nhận những chuyển biến tích cực ấy khi về với các xóm vùng cao như Lân Vai, Phương Bá hay Tân Tiến (xã Dân Tiến, tỉnh Thái Nguyên) - nơi từng được coi là "vùng trũng" về nhận thức giới và phát triển kinh tế. Những mái nhà ngói đơn sơ xen giữa ruộng đồng, nương rẫy giờ đây không chỉ là nơi ở mà còn là không gian của những buổi sinh hoạt Hội, tuyên truyền bình đẳng giới, mô hình sinh kế hay các hoạt động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch".
Những con đường nhỏ dẫn vào bản cũng rộn ràng hơn với sắc hoa và tiếng cười của những phụ nữ ngày càng tự tin bước ra khỏi ranh giới của mặc cảm, e dè để làm chủ cuộc sống.

Trung tâm xã Dân Tiến (Thái Nguyên) ngày càng khởi sắc, là điểm tựa lan tỏa các hoạt động bình đẳng giới tới vùng cao.
Phụ nữ Dân Tiến vươn lên mạnh mẽ
Với ánh mắt đầy tâm huyết, bà Phạm Thị Nhị, Chủ tịch Hội LHPN xã Dân Tiến chia sẻ về hành trình triển khai Dự án 8 tại địa phương: "Thời gian qua, Hội đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng hoạt động, đồng thời đẩy mạnh các phong trào thi đua, đáp ứng nguyện vọng và sự kỳ vọng của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ".
Theo bà Nhị, một trong những mục tiêu trọng tâm là "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch" gắn với việc thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Các hoạt động này bao gồm tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, đặc biệt tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng khó khăn như xóm Lân Vai. "Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền và các tổ chức cùng cấp để thực hiện tốt các nhiệm vụ", bà Nhị nhấn mạnh.

Bà Phạm Thị Nhị, Chủ tịch Hội LHPN xã Dân Tiến (giữa, áo xanh da trời), cùng đại diện chính quyền và hội viên phụ nữ tại buổi ra mắt Tổ truyền thông cộng đồng, truyền hình trực tiếp về bình đẳng giới và Luật Hôn nhân và Gia đình.
Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như vui xuân, giải bóng chuyền hơi, giao lưu văn hóa văn nghệ để tạo sân chơi lành mạnh, gắn kết hội viên. Đặc biệt, công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh luôn được đặt lên hàng đầu. Hội đã triển khai các mô hình ý nghĩa như "nhà sạch - vườn đẹp", "nhà sạch - ngõ đẹp" tại chi hội xóm Phương Bá.
Mô hình thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng tại xóm Đồng Vòi, và mô hình "đổi rác lấy quà" tại 20 chi hội, thu về hơn 3.000 vỏ lon, chai nhựa. Các tuyến đường hoa cũng được xây dựng tại xóm Phương Bá, Đồng Quán, Đồng Vòi, Thịnh Khánh, cùng với mô hình "Vườn rau sạch an toàn" tại xóm Phương Bá, Thịnh Khánh.
Không chỉ dừng lại ở đó, Hội LHPN xã Dân Tiến còn chú trọng hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực kinh tế. "Chúng tôi duy trì hiệu quả hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,… tạo điều kiện cho hội viên nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển kinh tế gia đình", bà Nhị tự hào nói.
Hiện tại, Hội đang quản lý 6 tổ, 4 xóm với tổng dư nợ 18 tỷ đồng và 271 hộ vay, tất cả đều sử dụng vốn đúng mục đích, không có nợ xấu. Bên cạnh đó, Hội còn xây dựng các mô hình sinh kế như tặng vịt, cám cho các hộ khó khăn, và tặng quà cho học sinh nghèo để tiếp sức đến trường.
Tiếng nói từ cộng đồng và hội viên
Để hiểu rõ hơn về tác động của Dự án 8, chúng tôi đã gặp gỡ ông Lầu Văn Bằng, người có uy tín trong cộng đồng tại xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến. Ông Bằng cho biết: "Trước đây, phụ nữ trong xóm tôi còn nhiều người tự ti, ít tham gia vào các hoạt động xã hội. Nhưng từ khi có Dự án 8 và các hoạt động của Hội Phụ nữ xã, họ đã tự tin hơn rất nhiều".

Ông Lầu Văn Bằng, một người có uy tín trong cộng đồng tại xóm Tân Tiến (xã Dân Tiến).
Ông Bằng đặc biệt ấn tượng với các buổi tuyên truyền về bình đẳng giới, giúp thay đổi nhận thức của cả nam giới và nữ giới về vai trò của phụ nữ trong gia đình.
"Nhiều gia đình đã có sự chia sẻ công việc nhà, vợ chồng cùng nhau bàn bạc các quyết định quan trọng", ông Bằng nói. Ông cũng khẳng định rằng các mô hình phát triển kinh tế do Hội triển khai đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, cải thiện đời sống rõ rệt.
Gặp chị Đào Thị Phin, một hội viên phụ nữ người Mông trú tại xóm Tân Tiến, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi tích cực từ chính bản thân chị. Với nụ cười rạng rỡ, chị Phin chia sẻ: "Tham gia các buổi sinh hoạt của Hội, tôi học được nhiều điều về cách chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, và cách phát triển kinh tế hộ gia đình".

Chị Đào Thị Phin, dân tộc Mông, trú xóm Tân Tiến.
Nhờ sự hỗ trợ của Hội, chị đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình. "Giờ đây, tôi không còn ngại ngùng khi phát biểu ý kiến trong các cuộc họp xóm hay tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. Tôi thấy tự tin và được mọi người tôn trọng hơn", chị Phin xúc động bày tỏ.
Với những nỗ lực không ngừng, Hội LHPN xã Dân Tiến đã gặt hái nhiều kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua. Bà Phạm Thị Nhị cho biết: "Các chỉ tiêu do Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp đề ra cơ bản đều đạt và vượt; trong đó có 6/9 chỉ tiêu vượt mức, 3/9 chỉ tiêu hoàn thành đúng kế hoạch".

Trẻ em dân tộc Mông ở xã Dân Tiến vui chơi dưới bóng cây đầu bản, hình ảnh bình dị phản ánh những đổi thay tích cực trong đời sống cộng đồng nhờ các chương trình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em.
Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia đã thực sự trở thành đòn bẩy quan trọng, góp phần nâng cao trình độ, nhận thức, và đời sống của phụ nữ Dân Tiến.
Từ những thay đổi nhỏ trong từng gia đình đến những chuyển biến lớn trong cộng đồng, Dự án đã khẳng định vai trò không thể thiếu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ vươn lên, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.