Mùa Hè rực rỡ của những 'thầy cô nhí'

Không chọn nghỉ ngơi hay ở lại thành phố ôn tập, 52 học sinh TPHCM đã tham gia dự án 'Nắng Cao nguyên'.

Niềm vui của các em nhỏ tại Tân An (Đắk Lắk) sau buổi học đầu tiên.

Niềm vui của các em nhỏ tại Tân An (Đắk Lắk) sau buổi học đầu tiên.

Họ dành trọn mùa Hè của mình tại Tân An (Đắk Lắk), để mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho gần 300 học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số. Không chỉ mang tri thức đến vùng cao, đây cũng là cơ hội để các bạn trẻ rèn luyện kỹ năng, học cách sẻ chia và trưởng thành.

Lớp học tiếng Anh giữa buôn làng

Từ giữa tháng 6/2025, không khí tại ba trường tiểu học: Lý Thường Kiệt, Mạc Thị Bưởi và Ngô Mây (trên địa bàn xã Ea Tu cũ, nay là phường Tân An) trở nên rộn ràng mỗi sáng. Tiếng cười xen lẫn những câu nói tiếng Anh tuy còn ngập ngừng nhưng vẫn vang lên khắp sân trường. Điều đặc biệt, người đứng lớp không phải giáo viên mà là các bạn học sinh THCS, THPT đến từ các trường chuyên ở TPHCM như Trường Phổ thông Năng khiếu, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT chuyên Lê Hồng Phong...

Dự án được khởi xướng bởi ba học sinh lớp 10 chuyên Anh: Phan Gia An, Võ Thị Châu Anh và Phạm Hoài Thu. Sau khi trình bày ý tưởng và được nhà trường ủng hộ, nhóm đã gửi thư đề xuất đến các trường tại phường Tân An và nhận được sự đồng thuận từ địa phương. 52 tình nguyện viên sau đó đã vượt hơn 500km để triển khai chương trình từ ngày 15/6 đến 15/7/2025, thu hút khoảng 300 học sinh tham gia.

Em Võ Thị Châu Anh chia sẻ: “Chúng em muốn tạo ra một mùa Hè thật sự ý nghĩa - vừa giúp các em nhỏ làm quen với tiếng Anh, vừa để các bạn tình nguyện viên học được cách sống tự lập, có trách nhiệm hơn”.

Lớp học đầu tiên diễn ra ngay sau lễ khai mạc sáng 16/6. Mỗi ngày, các tình nguyện viên chia theo khối lớp 3, 4 và 5, ôn luyện các kỹ năng tiếng Anh cơ bản như nghe, nói, phát âm cho “các học trò” của mình. Thay vì chỉ dạy lý thuyết, các bạn sử dụng hình ảnh, trò chơi, cử chỉ và âm nhạc để tạo sự hứng thú.

 Một buổi học của các em nhỏ tại lớp tiếng Anh miễn phí.

Một buổi học của các em nhỏ tại lớp tiếng Anh miễn phí.

Bà Lại Thị Tân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, cho biết: “Chương trình rất phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số nên chỉ sau gần hai tuần nhà trường phát động, đã có 55 học sinh đăng ký. Các em rất thích, sáng nào cũng nhắc cha mẹ đưa đi học”.

Dù còn nhiều rụt rè khi được tiếp xúc với môn học mới lạ, em H’Xô Phia Adrơng, học sinh lớp 5B, không giấu được sự hứng khởi: “Con thích học tiếng Anh vì được các anh chị hướng dẫn chơi trò chơi và hát bài Hello Song vui lắm!”

Tại Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi, Hiệu trưởng Vũ Thị Chanh vui mừng cho biết: “Hiện toàn trường đã có hơn 120 học sinh tham gia. Ngoài dạy học, các bạn tình nguyện viên còn tặng vở, bút, bánh kẹo và tổ chức nhiều hoạt động vui nên các em rất phấn khởi”.

Tại Trường Tiểu học Ngô Mây - nơi điều kiện còn nhiều khó khăn - nhưng dưới những lớp học lợp mái tôn đơn sơ mỗi sáng vẫn vang tiếng cười. Các em học sinh dần mạnh dạn hơn, biết chào hỏi và phản xạ đơn giản khi giao tiếp bằng tiếng Anh.

Những bài học không nằm im trong sách

Không chỉ là mùa Hè đặc biệt với học sinh vùng cao, dự án “Nắng Cao nguyên” còn là hành trình rèn luyện dành cho chính các tình nguyện viên.

Chia sẻ về công tác chuẩn bị “đứng lớp”, trưởng nhóm Phan Gia An, cho biết: “Chúng em đã chuẩn bị hơn hai tháng: Từ viết giáo án, gây quỹ, tuyển tình nguyện viên đến liên hệ địa phương. Nhờ vậy, mỗi thành viên tham gia dự án đều học được nhiều kỹ năng thực tế”.

Trong đội hình tình nguyện có cả học sinh lớp 7, lớp 8 từ Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa. Dù nhỏ tuổi, các em vẫn tham gia và làm việc nghiêm túc, phối hợp tốt trong giảng dạy. Các anh chị lớp 11, 12 giữ vai trò nhóm trưởng, hướng dẫn phương pháp đứng lớp và hỗ trợ những kỹ năng khác cho các thành viên trẻ.

Em Võ Thị Châu Anh cho biết thêm: “Ban đầu nhiều bạn còn bỡ ngỡ, nhưng sau vài buổi ai cũng tự tin hơn. Các em học sinh ở đây tuy nhút nhát nhưng rất dễ thương và chịu khó. Mỗi ngày trôi qua đều khiến tụi em có nhiều cảm xúc và thấy mình đã chọn đúng”.

Cô Phạm Thị Phong Lan, Tổ trưởng bộ môn Ngoại ngữ, Trường Phổ thông Năng khiếu TPHCM đánh giá: “Tôi ghi nhận tinh thần tổ chức, trách nhiệm và sự trưởng thành của các em. Đây không chỉ là dự án học tập, mà còn là hành trình rèn luyện nhân cách và biết sống tích cực”.

Ông Phạm Ngọc Duy - Ban Xây dựng Đảng, phường Tân An (nguyên Bí thư Đoàn xã Ea Tu cũ) chia sẻ: “Chính tinh thần trách nhiệm của các bạn trẻ đã góp phần thay đổi cách tổ chức hoạt động hè của Đoàn Thanh niên địa phương: “Muốn hoạt động hè hiệu quả, cần mỗi cán bộ, đoàn viên thực sự bước vào thực tế, biến ý tưởng thành hành động, tạo ra những sân chơi thiết thực, an toàn cho trẻ em”, ông Duy nói.

Dự án “Nắng Cao nguyên” đã mang đến cho các em nhỏ nơi buôn làng Tây Nguyên không chỉ tri thức, những người bạn mới, mà còn là một mùa Hè đầy ắp tiếng cười.

Còn với những “thầy cô nhí” đến từ TPHCM, đây cũng là một hành trình khó quên - nơi các em tự tay soạn giáo án, lau bảng, đứng lớp và tận mắt chứng kiến sự tiến bộ từng ngày của học trò. Có lẽ, bài học lớn nhất không nằm trong giáo án tiếng Anh, mà chính là bài học về sự sẻ chia, lối sống có trách nhiệm và được rèn luyện khả năng biết lắng nghe.

“Sự nhiệt huyết của các em khiến chúng tôi rất cảm động. Từng bài học, trò chơi hay món quà nhỏ mà các em chia sẻ đều góp phần mang đến niềm vui và gieo niềm tin, niềm hy vọng cho trẻ em nơi đây”. - Ông Phạm Ngọc Duy - Ban Xây dựng Đảng, phường Tân An

Thành Tâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mua-he-ruc-ro-cua-nhung-thay-co-nhi-post738216.html