Bình đẳng - Tinh thần cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang chứng kiến một giai đoạn phát triển vượt trội của kinh tế, khoa học và công nghệ, đồng thời đang bước vào cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư. Cùng với thành tựu, những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và các hiện tượng thiên nhiên cực đoan yêu cầu con người phải chung tay giải quyết triệt để những vấn đề toàn cầu sống còn.

Dù tất cả các quốc gia đã và đang có những hướng đi của riêng mình, tuy nhiên vấn đề đoàn kết và hàn gắn lại được đặt ra một cách mạnh mẽ và đồng loạt. Tại Việt Nam, tinh thần đại đoàn kết vốn là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được chủ tịch Hồ Chí Minh xác định và đề cập rất sớm từ năm 1945 và xuất hiện trong điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX. Nó chẳng những mang tính thời sự mà còn mang tính thời đại sâu sắc cho tới ngày nay. Càng tìm hiểu và gắn với bối cảnh của thế kỷ XXI, chúng ta sẽ càng nhận ra những giá trị về đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh tư liệu)

Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh tư liệu)

Đại đoàn kết toàn dân tộc hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là sự gắn kết giữa mọi thành phần của quần chúng nhân dân, từ giai cấp công nhân, nhân dân lao động tới tầng lớp trí thức, từ người già tới trẻ nhỏ, từ đàn ông tới đàn bà, từ người miền Bắc - miền Trung tới miền Nam, từ cá nhân tới tổ chức đoàn thể. Trong hơn 3.000 tài liệu của chủ tịch Hồ Chí Minh để lại đã được phát hành trong bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập, chúng ta có thể tìm thấy một số lượng khá lớn hơn 400 tài liệu là các bài thơ, bài báo, bài phát biểu, tác phẩm… trong đó chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến tầm vóc của vấn đề đoàn kết trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Người nhiều lần nhấn mạnh: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành thắng lợi”[[1]], “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”[[2]]. Do đó, phải luôn luôn giữ gìn khối đại đoàn kết – chiếc chìa khóa vạn năng đã giúp cho Đảng ta trong hơn 90 năm qua đưa đất nước vượt qua bao thác ghềnh hiểm trở đến bến bờ thắng lợi. Với lớp nghĩa này, đại đoàn kết toàn dân mới chỉ trên phương diện thể hiện bề mặt, là động lực của hành động, của sự phát triển.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo đã nhiều lần khẳng định rằng, Hồ Chủ tịch đã kín đáo gửi vào trong Di chúc một định nghĩa về Chủ nghĩa Xã hội, một định nghĩa về Đổi mới. Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Vậy trong đó, khái niệm “đoàn kết” mà Hồ Chủ tịch muốn nhắc tới ẩn ở lớp nghĩa sau là gì? Ở tầng nghĩa sâu hơn, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc chính là hệ thống quan điểm, nguyên tắc, phương pháp giáo dục, tổ chức, tập hợp lực lượng cách mạng để hiện thực hóa đại đoàn kết dân tộc. Mà phương pháp cụ thế giải quyết sự chia rẽ dân tộc trên toàn thế giới, bao gồm yếu tố chính đó là triết lý về sự “bình đẳng”.

Vấn đề bình đẳng – mấu chốt cốt lõi để tạo nên tinh thần đoàn kết. Tài liệu tổng kết một số vấn đề lý luận của Đảng ta tại Đại hội XII (do BCĐ Trung ương soạn thảo) cũng rút một quy luật thể hiện một mối quan hệ lớn của Hồ Chí Minh, đó là mối quan hệ giữa các chủ thể: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ [[3]; tr.117]. Chúng ta nhận thấy mọi chủ thể trong xã hội đều được Bác chỉ ra vai trò ngang nhau, không ai hơn ai. Nếu phải phân tách rõ, cũng không thể so bì công việc (vốn là các từ đồng nghĩa) nào quan trọng hơn giữa lãnh đạo – quản lý – làm chủ. Hay trong Lời nói đầu và Điều thứ nhất của Hiến pháp năm 1946 do Bác trực tiếp soạn thảo, quy định: "Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo" [[4]]. Tại Điều 3 Hiến pháp năm 1959 cũng do Người chắp bút, quy định: "Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Nhà nước có nhiệm vụ giữ gìn và phát triển sự đoàn kết giữa các dân tộc. Mọi hành vi khinh miệt, áp bức, chia rẽ dân tộc đều bị nghiêm cấm" [14[5]]. Các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam làm nên cộng đồng quốc gia chung, cùng chia sẻ một vận mạng lịch sử. Thực tế đó được chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong một câu nói nổi tiếng: "Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi" [[6]]. Nội dung này còn được diễn đạt đầy đủ thông qua chính những hành động cụ thể của Bác. Lối sống giản dị khiến ai gần Bác cũng không hề thấy rằng mình đang ở cạnh một nguyên thủ quốc gia, một vị lãnh tụ mà chỉ biết rằng đang được ở bên Người cha già dân tộc. Cả cuộc đời Bác sống trong cảnh không gia đình riêng, không của cải riêng, để khi bất cứ ai nhìn lại cũng chỉ thấy một sự hi sinh tới tận cùng. Thế nhưng, Bác vẫn cứ thương, vẫn cứ lo cho mọi đồng bào, từ Bắc – Trung – Nam và không bao giờ ngừng nhắc nhở: “Chúng ta đều chung một tổ tiên dòng họ, đều là ruột thịt anh em… Không ai có thể chia rẽ con một nhà… không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta” [[7]; tr.469,470].

Tinh thần đại đoàn kết dân tộc chưa bao giờ được Bác nhắc đến riêng lẻ mà luôn gắn chặt với tư tưởng về quyền làm chủ đất nước của mọi công dân. Câu hỏi làm sao để có được bình quyền (quyền bình đẳng) được Bác giải đáp với toàn thể quần chúng cùng với quan niệm về độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mảnh đất Việt Nam. Không hề ngẫu nhiên, trong Bài nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang (tháng 3/1961), chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói: "Chủ nghĩa xã hội nghĩa là tất cả mọi người các dân tộc ngày càng ấm no, con cháu chúng ta ngày càng sung sướng" [[8]; tr.137]. Người đã tiến hành thực hiện triệt để quyền bình đẳng về mọi mặt giữa các dân tộc, tạo những điều kiện cần thiết để xóa bỏ tận gốc những rào cản và khoảng cách không chỉ giữa các cộng đồng người dân tộc thiểu số với cộng đồng người Kinh, mà còn là sự chênh lệch về trình độ kinh tế, văn hóa giữa các cộng đồng người dân tộc ít người so với các cộng đồng người dân tộc đông người hơn [[9]; tr.46]. Cách mà Người đã làm chính là việc tạo những điều kiện cơ bản nhất để người dân tộc thiểu số được bảo đảm các quyền sống còn và phát triển. Do điều kiện kinh tế - tự nhiên, do lịch sử để lại, nên đồng bào các dân tộc sống ở miền núi còn gặp khó khăn, có mức sống kinh tế, văn hóa, xã hội còn thấp hơn so với đồng bào các dân tộc ở miền xuôi. Sự chênh lệch về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các cộng đồng dân tộc, giữa các vùng dân cư tạo ra bất lợi cho sự phát triển chung của cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm nhằm giúp các dân tộc phát huy tinh thần cách mạng và khả năng của mình, làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi; vùng cao tiến kịp vùng thấp; các dân tộc thiểu số tiến kịp dân tộc đa số... Người đã nhiều lần khẳng định rằng, để thực hiện bình đẳng dân tộc thì bản thân mỗi dân tộc phải tự phấn đấu, vươn lên, đồng thời cần có sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa miền xuôi và miền núi.

Trong bối cảnh hiện nay, khi các quốc gia trên thế giới đang gặp phải những vấn đề chia rẽ dân tộc, vấn đề đại đoàn kết toàn dân – bình đẳng với quyền làm chủ đất nước trở thành kim chỉ nam dẫn đường cho mỗi công dân, tổ chức, đoàn thể tại Việt Nam. Ngày nay, bình đẳng với quyền làm chủ đất nước của mọi công dân không chỉ hướng tới động viên đồng bào dân tộc thiểu số hay các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội mà còn biện pháp thúc đẩy sự phát triển ưu việt của mỗi cá nhân, công dân Việt Nam, con người trong xã hội./.

Đỗ Hồng Thanh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, t.9, tr.177
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, t.14, tr.186
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Nxb Sự thật, H.1991, tr.117.
[4] www.moj.gov.vn/vbpq
[5] www.moj.gov.vn/vbpq
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 11: 1963-1965, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2000
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011 tr.469, 470.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 10: 1960-1962, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2000
[9] Văn kiện của Đảng về chính sách dân tộc, NXB. Sự thật, Hà Nội, 1978.

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/dao-duc-ho-chi-minh/binh-dang-tinh-than-cot-loi-cua-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-dai-doan-ket-dan-toc-139049.html