Bình đẳng trong từng tổ ấm
Trong những năm qua, công tác bình đẳng giới luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Trẻ em gái, phụ nữ đã được thực hiện các quyền bình đẳng với trẻ em trai, người đàn ông, kể cả trong gia đình và ngoài xã hội. Đặc biệt, trong mỗi gia đình tư tưởng trọng nam khinh nữ, việc lựa chọn giới tính của đứa trẻ khi sinh ra giảm dần; người phụ nữ có một vị trí nhất định, được quyết định những việc lớn và là người chủ thực sự trong chính tổ ấm yêu thương của mình.
Trong Luật Bình đẳng giới đã quy định “Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển”. Vì vậy, việc phân biệt và lựa chọn giới tính khi sinh là trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do nhận thức, phong tục, tập quán, nhiều người có quan niệm “trọng nam khinh nữ”, nên đã chủ động chọn giới tính khi sinh hoặc cố gắng sinh cho được con trai để “nối dõi tông đường”. Hệ lụy xảy ra là nhiều gia đình sinh con thứ 3 trở lên, không có đủ khả năng để quan tâm, chăm sóc và nuôi dạy con cái. Vì vậy, kinh tế không phát triển được, cái đói, cái nghèo mãi đeo bám.
Để thay đổi nhận thức của mỗi người trong việc sinh con trai hay con gái, chỉ 2 là đủ, quan trọng là chăm sóc, nuôi dưỡng các con thật tốt để các con khôn lớn, trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đến người dân. Đồng thời, triển khai thực hiện nhiều đề án, giải pháp để giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em…
Vợ chồng chị Đặng Thị Sen và anh Triệu Quốc Kỳ, thôn Khe Mon, xã Thái Hòa (Hàm Yên) luôn chia sẻ, hỗ trợ nhau trong mọi công việc.
Ông Nguyễn Huy Phòng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết, Chi cục đã triển khai Đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” tại 7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhằm tuyên truyền, giáo dục, cung cấp thông tin về mất cân bằng giới tính đến người dân để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, chỉ dừng lại ở hai con dù trai hay gái. Đồng thời, phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội.
Chị Bùi Thanh Dung, tổ 12, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) chia sẻ, chị sinh được hai con gái. Cháu lớn đang học lớp 8, cháu bé học lớp 5. Anh chị luôn xác định, con trai hay con gái không quan trọng, mà quan trọng là phải nuôi dạy con cho tốt; tạo mọi điều kiện để các con được vui chơi, học tập và phát triển toàn diện. Các con được khỏe mạnh, trưởng thành chính là niềm vui lớn nhất của anh chị.
Bình đẳng trong mỗi gia đình chính là nền tảng để xây dựng gia đình hạnh phúc. Chính vì vậy, nhiều năm qua, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tăng cường tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình… đến hội viên và chị em phụ nữ. Đồng thời, thực hiện nhiều đề án, hoạt động hỗ trợ phụ nữ về phát triển kinh tế, nhận thức về giới để tự tin khẳng định vai trò của mình trong gia đình và xã hội.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết, trong 10 năm qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 16 hội nghị triển khai thực hiện các đề án. Trong đó, các cấp Hội đã triển khai Đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” cho trên 4.000 lượt ủy viên BCH Hội Phụ nữ cơ sở, chi hội trưởng phụ nữ thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; tổ chức 29 lớp tập huấn tìm hiểu ý tưởng kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp, kiến thức thành lập mới hợp tác xã và chế độ, chính sách cho các khu vực kinh tế tập thể cho trên 2 nghìn hội viên… Từ đó, cung cấp kiến thức, kỹ năng giúp chị em mạnh dạn phát triển kinh tế, tham gia các hoạt động xã hội; tự tin làm chủ cuộc sống gia đình.
Đặc biệt, việc thực hiện bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm thực hiện. Thôn Khe Mon, xã Thái Hòa (Hàm Yên) có 97 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao Quần trắng. Trước đây, người phụ nữ Dao chủ yếu phụ thuộc vào người đàn ông trong gia đình, không được quyền tự quyết, mọi công việc nội trợ, chăm sóc con cái đều phải gánh vác. Nhận thấy những bất bình đẳng đó, từ năm 2010, Hội LHPN huyện đã thành lập “Câu lạc bộ bình đẳng giới trong phụ nữ dân tộc thiểu số”. Câu lạc bộ đã thu hút 22 cặp vợ chồng tham gia, sinh hoạt theo quý 2 lần/năm, ngoài ra còn lồng ghép sinh hoạt trong các buổi sinh hoạt Chi hội Phụ nữ thôn. Các thành viên được tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình… Qua đó, giúp thay đổi nhận thức của mỗi thành viên trong việc vun đắp, xây dựng gia đình hạnh phúc không chỉ là trách nhiệm của người vợ, mà còn có vai trò rất quan trọng của người chồng, người cha trong gia đình.
Anh Triệu Quốc Kỳ, chồng của chị Đặng Thị Sen, thôn Khe Mon nói, tham gia “Câu lạc bộ bình đẳng giới
trong phụ nữ dân tộc thiểu số”, anh được tìm hiểu về Luật Bình đẳng giới, những quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình… Từ đó, anh hiểu rằng, cần phải có sự chia sẻ, giúp đỡ người vợ những công việc trong gia đình như: Nuôi dạy các con, công việc nhà… Đồng thời, tạo điều kiện cho vợ tham gia các công tác xã hội. Đó là những quyền bình đẳng trong cuộc sống. Có như vậy gia đình mới thực sự hạnh phúc và phát triển bền vững.
Mỗi gia đình bình đẳng sẽ tạo nên một xã hội bình đẳng. Bởi đó là cái nôi, là xuất phát điểm để mỗi đứa trẻ được lớn lên trong tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc của cả bố và mẹ. Và gia đình cũng chính là bến đỗ “Bình an- Hạnh phúc” để mỗi người ngày càng trưởng thành hơn.