Bình dị như lòng tốt

Một tuần trôi qua, có biết bao tin tức, sự kiện nhưng có lẽ đọng lại trong lòng tôi và không ít người là câu nói của anh lái xe ôm công nghệ tên Đồng Văn Tuấn sau vụ hỏa hoạn ở nhà cho thuê trọ số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43, phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Anh nói: 'Tôi không nhớ mình đã đập bao nhiêu nhát búa, tôi đập đến trật khớp tay thì có người lên giúp đỡ để phá tiếp'.

Hẳn sẽ không có một cách diễn đạt nào đơn giản và chân thật hơn lời của chàng trai 21 tuổi, chỉ vỏn vẹn 50 kg, mình trần vung búa tạ đập tường cứu người trong đêm ấy. Có thể trước đó, trên con đường mưu sinh, tôi và bạn từng chạm mặt Đồng Tuấn, Hoàng Tuấn hay anh Nguyễn Đăng Văn (nam shipper dũng cảm cứu 9 người trong vụ cháy ở ngõ 29 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân), Anh Nguyễn Ngọc Mạnh (người cứu bé 2 tuổi rơi từ tầng 12A chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội) và nhiều người dũng cảm nữa... Họ có gì đặc biệt? Trước đó vài phút họ cũng bình thường như bao người nhưng lòng dũng cảm, lòng nhân ái đã luôn tiềm ẩn. Và, trong thời khắc sinh tử, họ bộc lộ hết phẩm chất của mình.

Anh Đồng Văn Tuấn dũng cảm đập tường cứu người trong hỏa.

Anh Đồng Văn Tuấn dũng cảm đập tường cứu người trong hỏa.

Chúng ta sẽ phải kể những câu chuyện cổ tích bằng cách nào cho thế hệ Gen Z. Một thế hệ đã tiếp cận Reels, TikTok, YouTube... từ thuở lọt lòng? Câu trả lời chưa bao giờ là bài toán khó bởi trong hoàn cảnh nguy nan, cam go, phẩm chất của người Việt Nam luôn lóe sáng. Tựa như, từ đất được hun đúc thành gốm quý, sự dũng cảm, lòng nhân ái tiềm tàng, ấp ủ trong con người chứ không cao ngạo; sẵn sàng xả thân chứ không khoe mẽ.

Nhà soạn kịch vĩ đại William Shakespeare (1564-1616) từng nói: “Kẻ hèn nhát chết nhiều lần trước cái chết; Người gan dạ chỉ nếm trải cái chết một lần”. Sẽ không bao giờ những người dũng cảm lý giải được tại sao trong giờ phút sinh tử ấy họ có sức mạnh quật khởi để giành giật sự sống cho đồng loại. Họ lặng lẽ trở thành nhân vật trong những câu chuyện tốt đẹp mà chúng ta muốn kể cho con cái. Vẫn biết, trước hiểm nguy, sức người hữu hạn không thể chống lại được nhưng chừng đó đủ để đúc kết thành bài học: Lòng tốt thì luôn bình dị.

Gác lại câu chuyện đó, người viết thử tìm sự liên hệ ở hướng khác. Trong lúc trà dư tửu hậu, người ta lại bàn đến việc nên hay không nên mở chai rượu vang speyer cổ 1.650 năm được bịt kín bằng sáp và trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Palatinate (Pfalz) tại Đức. Liệu hương vị của nó sẽ như thế nào? Đó là hương vị của thời gian, của quá khứ và sức sống của một thứ men suốt chiều dài gần 17 thế kỷ...

Bất luận người ta đã và sẽ mở nó ra hay không, hương vị thế nào thì chai rượu đó cũng không thể so sánh với một thứ hương vị của cuộc sống này, đó là sự bình dị. Bởi, khi một người sống đơn giản, hài hòa, yêu thương người khác, anh ta sẽ biết trân trọng giá trị sống. Sự dũng cảm của những tấm gương cho thấy họ là những “chiến binh” bảo vệ giá trị sống tốt đẹp. Những bàn tay chới với, tiếng khóc của một em bé, ánh mắt của cụ già... là hiện thân của giá trị ấy. Hương vị của tình yêu thương là vô giá.

Sự bình dị cũng là bản năng rung động ẩn chứa trong lòng chúng ta. Khi đặt ra câu hỏi con người sẽ có vị thế như thế nào trong thời đại AI, có rất nhiều ý kiến bàn thảo. Nhưng, có lẽ, ý kiến của TS. Ngô Di Lân trên Báo Dân trí gợi mở nhiều suy cảm thú vị: “Có thể thấy rằng AI dù phát triển đến mấy cũng khó có thể khiến loài người sẽ trở nên "vô dụng". Sẽ luôn có những khía cạnh mà AI không thể vượt trội hơn con người và có những công việc nó không thể làm thay chúng ta mà vẫn giữ được trọn vẹn ý nghĩa. Con người sẽ phải chấp nhận chia sẻ thế giới này và chung sống hòa bình với một thứ máy móc ngày càng trở nên thông minh hơn. Nhưng chúng ta, những sinh vật có khả năng cảm nhận sâu sắc, sáng tạo, và yêu thương vô điều kiện sẽ luôn có chỗ đứng trong một thế giới ngập tràn AI” (Con người ở đâu trong thời đại trí tuệ nhân tạo).

Những ưu thế của con người mà tác giả phân tích biết đâu sẽ trở thành “bảo bối” để chúng ta vượt qua những thách thức của sự phát triển. Nếu như trong quá khứ, trước thiên tai, địch họa, con người quyết tâm, dũng cảm để khắc phục khó khăn thì giờ đây, thách thức của sự phát triển lại lớn hơn, phức tạp hơn. Sự rung cảm, sự gắn kết từng tạo ra cộng đồng xã hội nhưng đến một ngày chính con người lại đứng trước nguy cơ đánh mất nó.

Điều này có nét tương đồng với những gì mà nhà báo Hoàng Anh Tú đã phân tích: “Một xã hội đầy kết nối nhưng nhiều khi con người ngày càng cô đơn hơn. Kết nối wifi càng mạnh thì kết nối đời thực càng yếu. Kẻ có 5.000 người bạn trên mạng xã hội có khi còn cô đơn hơn một tài khoản Facebook trống rỗng, hoặc người còn chẳng có Facebook, chẳng dùng mạng xã hội” (theo: Báo Dân trí).

Anh Lê Huy Tích giới thiệu sản phẩm đầu kéo xe lăn cho khách hàng.

Anh Lê Huy Tích giới thiệu sản phẩm đầu kéo xe lăn cho khách hàng.

Trước những nghĩa cử đẹp, không ít người vẫn đặt ra câu hỏi ngắn gọn theo kiểu 50/50: Thật hay fake? Bạn thử ngẫm mà xem: Giới trẻ hôm nay sẵn sàng “say no” hàng fake! (nói không với hàng nhái, hàng giả) bằng sự nỗ lực kiếm tiền và tiết kiệm bởi khẳng định thật của vật chất. Đồng thời, họ cũng không ngại “bóc phốt” các fake news và khẳng định giá trị của sự chân thành. Có lẽ, ngoài những phẩm chất nói trên, những người trẻ dũng cảm còn có một thái độ, tinh thần mang giá trị văn hóa: sống phải đúng nghĩa. Ý nghĩa ở đây là tỏa sáng đúng lúc, đúng chỗ, vì những điều đáng phải bỏ sức lực, tâm trí và mạo hiểm tính mạng.

Không phải ai cũng gặp hoàn cảnh thử thách lòng dũng cảm nhưng không ít người vẫn dành tâm trí, thời gian, tiền bạc vào những sáng chế phục vụ con người. Cách đây chưa lâu, nhóm 5 thành viên đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội, là: Trần Văn Minh Hiếu, Trần Văn Cường, Phạm Xuân Việt, Lê Thị Thu Phương, Đàm Quốc Khánh đã sáng chế khung xương "Người Sắt" cho người khuyết tật. Sau vụ tai nạn kinh hoàng, anh Lê Huy Tích (phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) không may bị liệt, phải ngồi xe lăn. Không bỏ cuộc, anh tự tìm đọc sách về điện tử và tiếng Anh để sáng chế thành công chiếc xe lăn đầu kéo Etic Tribike. Chiếc xe này đã đoạt Giải Nhì tại Cuộc thi Sáng kiến vì cộng đồng lần thứ III tổ chức tại Hà Nội năm 2020.

Hay, mô hình "Câu chuyện vầng trăng khuyết" của Nguyễn Hoàng Đan Khanh (28 tuổi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phường 15, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đã giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng bằng cách: “Chia sẻ về cuộc sống của người khuyết tật bằng kịch nói và nghệ thuật" (theo: Thảo Phương, Báo Thanh niên)... Những sáng tạo đó tuy không đem lại được danh tiếng cho họ như các nghệ sĩ làng giải trí, không có thu nhập “khủng” như các TikToker nhưng bản thân họ luôn thấy hạnh phúc.

Bạn đã bao giờ đặt câu hỏi: Thu nhập và cuộc sống của các anh: Đồng Văn Tuấn, Hoàng Tuấn, Nguyễn Đăng Văn, Nguyễn Ngọc Mạnh... và nhiều tấm gương khác ở mức nào? Có thể họ chưa phải là những người giàu có nhưng ở phương diện văn hóa họ thật sự sung túc và đủ vốn liếng để tạo nên được một giá trị: Giá trị của lòng nhân ái, của sự thiện lương, luôn hướng người khác đến những điều tốt đẹp.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/binh-di-nhu-long-tot-i733563/