Bình Định: 6 tháng đầu năm công nghiệp thương mại đạt hơn 72 nghìn tỷ đồng
Sở Công Thương Bình Định cho biết trong 6 tháng đầu năm hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp thương mại có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo ông Võ Mai Hưng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định, hoạt động sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022 có sự tăng trưởng nhờ một số sản phẩm đang trong vụ sản xuất vẫn tiếp tục sản xuất ổn định do đã ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ngay từ đầu mùa vụ, một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ nhờ nhận được nhiều đơn đặt hàng.
"Tuy chỉ số sản xuất công nghiệp của toàn ngành trong 6 tháng đầu năm 2022 có mức tăng trưởng khá nhưng do chịu ảnh hưởng bởi sự bất ổn của nền kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực đến một số doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh"- ông Hưng cho hay.
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 7,17% so với cùng kỳ (KH năm tăng 6,5-7%). Trong đó: khai khoáng giảm 29,22%; chế biến, chế tạo tăng 7,26%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi tăng 16,01%...Giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện đạt 27.235,7 tỷ đồng, tăng 8,38% so với cùng kỳ, đạt 48,8% so với kế hoạch năm.
Trong đó, một số ngành khác giảm do tiêu thụ chậm như: sản lượng giày dép ước đạt 218 nghìn đôi, giảm 22,14% so với cùng kỳ năm trước, do hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn nên Công ty CP Giày Bình Định đã điều chỉnh các chỉ tiêu sản phẩm giảm sản lượng giày xuất khẩu và tăng sản lượng giày gia công; Sản phẩm gạch nung các loại giảm 24,98% so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do nguồn nguyên liệu sản xuất ngày càng khan hiếm, một số doanh nghiệp ngừng sản xuất. Mặt khác, khai thác Quặng inmenit & tinh quặng inmenit giảm 74,67% do các mỏ khai thác titan đang dần cạn kiệt, trong đó, một số doanh nghiệp đã dừng khai thác và chế biến titan, dự báo ngành này sẽ còn giảm sâu trong thời gian tới.
Ông Ngô Văn Tổng- Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho hay, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh, ngay từ đầu năm, Sở Công Thương đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển CN-TM năm 2022. Đồng thời, tiếp tục thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh hỗ trợ thị trường, Sở Công Thương tập trung công tác tham mưu UBND tỉnh các giải pháp để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, dự trữ hàng hóa, theo dõi diễn biến, bình ổn thị trường.
Trong khi đó đối với hoạt động thương mại, thị trường hàng hóa trong tỉnh khá sôi động, phong phú, sức mua tăng, trong các dịp Lễ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và khách du lịch trên địa bàn tỉnh thực sự sôi động đã góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động thương mại và dịch vụ đã khởi sắc trở lại, đặc biệt dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống và vui chơi giải trí diễn ra khá nhộn nhịp bắt đầu từ gần cuối tháng 3/2022.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội trong 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 45.092 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 51,4% so với kế hoạch năm. Trong đó, theo ngành kinh tế: Thương nghiệp ước đạt 37.040,9 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ và là ngành chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất, sau đó là khách sạn, nhà hàng ước đạt 5.745,5 tỷ đồng; Du lịch ước đạt 46,3 tỷ đồng; Dịch vụ ước đạt 2.259,3 tỷ đồng.
Theo Sở Công Thương Bình Định, việc tăng giá xăng dầu trong thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành của đại đa số các mặt hàng thiết yếu, nhất là hàng công nghệ phẩm. Mặc dù trong điều kiện kinh doanh khó khăn nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ tổ chức các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giá cả hợp lý với nhiều loại mặt hàng giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng. Nhìn chung, việc lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh thông suốt, không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh chuẩn bị tốt nguồn cung, đa dạng các loại hàng tiêu dùng đảm bảo đáp ứng phục vụ tiêu dùng cho nhân dân không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá gây bất ổn thị trường. Do vậy, doanh thu tổng mức bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 tăng so với cùng kỳ.
Đối với hoạt động ngoại thương mặc dù chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 trong thời gian qua và xung đột giữa các quốc gia trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng nhưng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 vẫn giữ được nhịp tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm ước thực hiện 839,9 triệu USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ. Thủy sản, sản phẩm từ sắn, sản phẩm gỗ là những mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm ước đạt 193 triệu USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ, đạt 42% kế hoạch năm 2022.
Thành Long