Bình Định 'căng quân' quản lý tàu cá (bài 2)

Trước thực trạng một số lượng lớn tàu cá của Bình Định hoạt động ngoài tỉnh trong thời gian dài, nhiều ngư dân còn đưa vợ, con đi theo trên tàu và định cư lâu dài ở các địa phương khác, UBND tỉnh Bình Định đã chủ động ký kết quy chế phối hợp với một số tỉnh để thực hiện công tác giám sát, quản lý tàu đánh cá chưa trở về địa phương. Phóng viên Báo Biên phòng đã phỏng vấn ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định xung quanh vấn đề này.

Bài 2: Quản lý tàu cá liên tỉnh

Xác định nhóm tàu cá có “nguy cơ cao”

Ông Trần Văn Phúc. Ảnh: Hải Luận

Ông Trần Văn Phúc. Ảnh: Hải Luận

- Bình Định có lượng tàu cá đánh bắt xa bờ lớn nhất miền Trung. Ông đánh giá thế nào về những thách thức trong công tác quản lý, giám sát tàu cá?

- Với kinh nghiệm và thế mạnh về khai thác hải sản xa bờ, toàn tỉnh Bình Định hiện có 5.711 tàu đánh cá, trong đó có 3.290 tàu có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động ở vùng khơi. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp để gỡ “thẻ vàng” trong khai thác thủy sản, do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra.

Thời gian qua, thực hiện Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023 và Công điện số 265/CĐ-TTg ngày 17/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, triển khai đợt cao điểm 180 ngày ra quân, giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đến tận tổ dân phố và người dân.

Theo đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo và ban hành kế hoạch triển khai đợt cao điểm 180 ngày ra quân, giải quyết dứt điểm nạn khai thác IUU trên địa bàn. Đưa nội dung “tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài” vào tiêu chí xét thi đua, khen thưởng hằng năm. Người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để tàu cá vi phạm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và các cơ quan chức năng đã chủ động tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế biển bền vững, phòng, chống khai thác IUU đến từng người dân một cách thường xuyên, liên tục; giúp đỡ UBND cấp xã tổ chức tuyên truyền trên đài truyền thanh với tần suất 2 lần/ngày; in ấn, phát hơn 2.000 tờ rơi, hướng dẫn về các quy định liên quan đến chống khai thác IUU cho chủ tàu cá, trọng tâm là các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và các quy định về chống khai thác IUU.

Qua kiểm tra, 100% tàu cá đánh bắt xa bờ đã thực hiện đầy đủ việc đánh dấu tàu cá theo đúng quy định. Các địa phương đã rà soát, xác định danh sách 375 tàu cá thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía Nam, hằng năm không về địa phương; 72 tàu cá bán ra ngoài tỉnh chưa làm thủ tục sang tên; 8 tàu cá có chủ tàu đã chuyển nơi cư trú ở ngoài tỉnh để có phương án phối hợp quản lý. Đây là nhóm tàu cá “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài và các quy định trong đánh bắt hải sản, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ.

Cử đoàn công tác ra ngoài tỉnh giám sát tàu cá

- UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản gửi đến UBND một số tỉnh đề nghị phối hợp quản lý tàu cá của địa phương. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Đến mùa khai thác hải sản, lượng lớn tàu đánh cá của tỉnh Bình Định đi hoạt động ở nhiều vùng biển trong cả nước. Chỗ nào thuận lợi trong khai thác, giá bán cá cao, thuyền trưởng sẽ đưa tàu vào tỉnh đó thực hiện các dịch vụ hậu cần. Qua thống kê cho thấy, tàu cá của ngư dân Bình Định thường hay ở lại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang...

Ngư dân tỉnh Bình Định hành nghề câu cá ngừ đại dương bán cá tại cảng. Ảnh: Hải Luận

Ngư dân tỉnh Bình Định hành nghề câu cá ngừ đại dương bán cá tại cảng. Ảnh: Hải Luận

UBND tỉnh Bình Định đã ban hành 11 văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp, chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan, như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, BĐBP, Công an, ban quản lý các cảng cá... tăng cường trao đổi thông tin với các cơ quan, lực lượng chức năng của tỉnh Bình Định để cùng phối hợp trong công tác quản lý, giám sát tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định có nguy cơ cao vi phạm về khai thác IUU. Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng 11 tỉnh, thành phố để tham mưu, sớm trình lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố ký quy chế phối hợp trong quản lý, giám sát tàu cá.

Thời gian cao điểm, tỉnh Bình Định đã tổ chức những đoàn công tác liên ngành vào làm việc trực tiếp với các tỉnh phía Nam, phối hợp tuyên truyền đến người dân có tàu cá thường xuyên di chuyển ở ngư trường xa, hằng năm không đưa tàu về địa phương. Các cơ quan chức năng sở tại đã phối hợp kiểm tra, quản lý tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định đã bán, chuyển nơi cư trú, thường xuyên hoạt động đánh bắt thủy sản, neo đậu, xuất và nhập bến ngoài tỉnh.

- Qua kiểm tra thực tế ở các tỉnh, đoàn công tác của tỉnh Bình Định thu được kết quả như thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi đã tổ chức kiểm tra bất thường về an toàn kỹ thuật và điều kiện tàu cá hoạt động đánh bắt hải sản của 177 tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định đang cư trú ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Toàn bộ số tàu này dưới 15m, đánh bắt vùng lộng, không thuộc diện bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình, trong đó có 18 tàu cá không đủ điều kiện an toàn xuất bến. Bình Định đã ban hành văn bản thông báo và đề nghị các đơn vị chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không cho số tàu cá không đủ điều kiện xuất bến đi đánh bắt hải sản.

Đoàn kiểm tra đã làm việc với các chủ tàu cá bán tàu ra ngoài tỉnh nhưng chưa sang tên, chủ tàu cá chuyển nơi thường trú ra ngoài tỉnh, qua đó, hướng dẫn người dân làm thủ tục xóa số đăng ký tàu cá theo quy định. Kết quả, đã thực hiện xóa đăng ký đối với 48 tàu cá và ban hành quyết định thu hồi giấy phép khai thác thủy sản đối với 38 trường hợp. Các trường hợp còn lại đang tiến hành xác minh, thực hiện các thủ tục theo quy định.

Đối với những tàu cá đánh bắt xa bờ của tỉnh Bình Định đã lắp thiết bị giám sát hành trình, cho dù tàu đang hoạt động ở tỉnh nào, đều được các cơ quan chức năng của tỉnh sở tại quản lý chặt chẽ.

Hải Luận (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/binh-dinh-cang-quan-quan-ly-tau-ca-bai-2-post462364.html