Bình Định: Chỉ số tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ

Thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Bình Định cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh trong tháng 7/2024 tăng 0,56% so với tháng trước và tăng 3,41% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, CPI tại tỉnh Bình Định tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ.

Điển hình nhất, trong tháng 7/2024, có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng so với tháng 6/2024, cụ thể: Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,54%; nhóm giao thông tăng 1,47%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (VLXD) tăng 0,71%; nhóm văn hóa, giải trí du lịch tăng 0,54%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,38%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,06% và nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%.

4 nhóm còn lại bao gồm: nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục vẫn giữ chỉ số ở mức ổn định.

Bên cạnh đó, một số nhóm hàng ghi nhận sự tăng nhẹ như chỉ số giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,38%, chỉ số nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,71%.

Đặc biệt, chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác cũng tăng 4,54%, do từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng đã làm tăng mức đóng bảo hiểm y tế tăng 30% so tháng trước tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.

Giá trứng các loại tăng 4,38%, do thời tiết nắng nóng, sản lượng trứng bị giảm nên giá tăng cao trong khi chỉ số nhóm thịt gia súc tươi sống trên địa bàn giảm 0,06% sau ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi trên cả nước khiến nguồn cung bị khan hiếm.

7 tháng đầu năm 2024, CPI tại tỉnh Bình Định tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ. (Ảnh minh họa: Lạc Nguyên)

7 tháng đầu năm 2024, CPI tại tỉnh Bình Định tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ. (Ảnh minh họa: Lạc Nguyên)

Trong 7 tháng đầu năm 2024, CPI 7 toàn tỉnh tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ. Để đạt kết quả này nhờ vào tỉnh Bình Định đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao; vui chơi giải trí suốt thời gian qua.

7 tháng đầu năm 2024, có 10 nhóm chỉ số tăng; tăng cao nhất là nhóm giáo dục tăng 10,98%; kế tiếp là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,79%; nhóm giao thông tăng 3,68%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,09%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 2,25%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,80%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 1,66%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,51%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,07%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,35%.

Lạc Nguyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/binh-dinh-chi-so-tieu-dung-tang-truong-manh-me-so-voi-cung-ky-155742.html