Bình Định còn 11 đơn vị chưa giải ngân đồng vốn đầu tư công nào
Đến đầu tháng 5/2023, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bình Định là 2.160.959 triệu đồng, đạt 22,67% kế hoạch được giao.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định vừa cho biết, đến ngày 4/5/2023, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh là 2.160.959 triệu đồng, đạt 22,67% (kế hoạch vốn được giao thực hiện năm 2023 là 9.521.527 triệu đồng). Trong đó, vốn ngân sách tỉnh có giá trị giải ngân là 1.178.519 triệu đồng (đạt 17,34%, kế hoạch là 6.796.548 triệu đồng); vốn ngân sách trung ương có giá trị giải ngân là 982.440 triệu đồng (đạt 35,92%, kế hoạch 2.734.979 triệu đồng).
Trong đó, một số dự án sử dụng vốn Trung ương (trong nước) có tỷ lệ giải ngân dưới 10% như Dự án Tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại (đạt 6,67%); Dự án Tuyến đường kết nối từ đường phía Tây tỉnh (ĐT.638) đến đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn huyện Phù Mỹ (đạt 0,6%); Dự án Xây dựng tuyến đường tránh phía nam thị trấn Phú Phong (7,03%).
Ngoài ra, một số dự án chưa giải ngân (tỷ lệ 0%) như Dự án Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn phần mở rộng (kế hoạch vốn 50 tỷ đồng); Dự án Đầu tư, xây dựng các Trường THPT được di chuyển, sắp xếp lại theo quy hoạch giai đoạn 2021-2025 (hạng mục Trường THPT Nguyễn Hữu Quang, Trường THPT Phan Bội Châu, kế hoạch vốn 35 tỷ đồng).
Về vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các dự án của ngành y tế (khởi công mới) có tỷ lệ giải ngân khá thấp 1,32%. Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp 5 Trung tâm y tế tuyến huyện, tỉnh Bình Định có kế hoạch vốn năm 2023 giao là 166 tỷ đồng nhưng mới giải ngân được 2,193 tỷ đồng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, vốn đầu tư công do tỉnh quản lý năm 2023 được phân bổ cho 44 đơn vị thực hiện (gồm 33 đơn vị thuộc tỉnh, 11 đơn vị là UBND huyện thị xã, thành phố). Trong đó, có 17 đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân 22,67%; 16 đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ bình quân và 11 đơn vị thuộc tỉnh (có 5 sở) chưa có giá trị giải ngân.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, nguyên nhân chủ yếu khiến việc giải ngân vốn đầu tư công của một số đơn vị còn thấp là do năng lực của các chủ đầu tư và đơn vị tư vấn, thiết kế còn hạn chế; công tác đấu thầu, thẩm định phòng cháy chữa cháy, bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài. Ngoài ra, có một số dự án liên quan đến các nhà tài trợ phải xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn.
Tại chỉ thị đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đặt mục tiêu giải ngân giải ngân vốn đầu tư công đến hết quý II/2023 đạt trên 40%, hết quý III/2023 đạt trên 60%; đến hết quý IV/2023 đạt trên 90%. Đến hết ngày 31/1/2024, tỉnh Bình Định phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch vốn năm 2023.