Bình Định còn 13 khu vực nguy cơ sạt lở cao, phải di dời dân
Toàn tỉnh Bình Định có 39 khu vực nguy cơ sạt lở, trong đó 13 khu vực nguy cơ cao, 19 khu vực nguy cơ thấp và 7 khu vực có khả năng bị chia cắt khi có sạt lở.
Qua thống kê có khoảng 500 hộ dân phải di dời trong tình huống khẩn cấp. Các điểm sạt lở khu vực nguy cơ cao tập trung chủ yếu ở các huyện An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Phù Cát, Tây Sơn và thành phố Quy Nhơn.
Ngoài những điểm sạt lở đã xác định, tình trạng sạt lở ở các khu vực khác vào mùa mưa ở tỉnh này cùng rất khó lường. Đặc biệt, tuyến đường xã An Hòa đi xã vùng cao An Toàn, huyện miền núi An Lão độ dốc cao, một số điểm từng sạt lở gây chia cắt vẫn còn nguy cơ gây sạt lở khi mưa lớn kéo dài.
Tại các điểm có nguy cơ sạt lở cao hiện có người dân sinh sống, các địa phương đã xây dựng phương án để di dời dân khi có tình huống khẩn cấp, tuy nhiên vẫn chưa cụ thể vị trí di dời - tập trung, tuyến đường di chuyển. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định đề nghị về lâu dài cần có giải pháp tái định cư cho các hộ dân; tổ chức hướng dẫn người dân cách nhận biết và ứng phó khi xảy ra sự cố về sạt lở đất.
Các địa phương phải lập phương án rất cụ thể từ chỉ huy, lực lượng, phương tiện, thuốc men, hậu cần để kịp thời hỗ trợ. Riêng đối với tình trạng sạt lở núi ở huyện An Lão, phải cấm đường với các tuyến đường nguy cơ cao khi mưa lớn vì rất dễ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét.
Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết: “Các vùng sạt lở và có nguy cơ sạt lở đã được lên danh sách. Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo cho các địa phương chủ động sơ tán dân vùng có nguy cơ sạt lở và đã sạt lở khi có mưa lớn. Việc mưa lớn gây sạt lở đối với mái đường giao thông, chúng tôi đề nghị ngành giao thông cảnh báo những vùng sạt lở khi để khi mưa lớn sẽ hạn chế, phân luồng giao thông".