Bình Định: Đề án khuyến công nhóm đưa sản phẩm Việt vươn xa
Đề án nhóm 'Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất bàn ghế wicker xuất khẩu' đi vào hoạt động đã giúp các các cơ sở CNNT tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, chủ động các đơn hàng lớn.
Tỉnh Bình Định được xem là thủ phủ sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nội, ngoại thất khu vực miền Trung và trong toàn quốc. Xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản chiếm khoảng 57% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Hiện nay phong trào tận dụng, tái chế các phế thải từ nhựa trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh.
Hiện nay, bàn ghế wicker (mây nhựa) xuất khẩu có rất nhiều ưu điểm vượt trội, vừa hợp thời trang vừa tiện dụng, và có thể làm hài lòng ngay cả những khách hàng khó tính nhất. Chính vì vậy, việc đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất mặt hàng này là yêu cầu cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, các cơ sở hiện còn gặp nhiều khó khăn, do đó rất cần được sự quan tâm giúp đỡ từ các cấp chính quyền hỗ trợ, đặc biệt là sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công.
Từ thực tế trên, nhằm hỗ trợ kịp thời các sơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) ứng dụng máy móc thiết bị tiến tiến trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm bàn ghế wicker trên thị trường xuất khẩu. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bình Định đã xây dựng đề án nhóm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất bàn ghế wicker xuất khẩu” (gọi tắt là Đề án nhóm) năm 2024 cho 4 Công ty thụ hưởng gồm: Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Tổng hợp Minh Anh; Công ty TNHH Sinh Thành VN; Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Gia Khang; Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Xuất nhập khẩu VIVA, địa điểm tại thị xã An Nhơn và huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Đề án nhóm được thực hiện với tổng kinh phí là 4,749 tỷ đồng. Trong đó, 4 Công ty đầu tư 3,949 tỷ đồng; kinh phí khuyến công tỉnh hỗ trợ 800 triệu đồng.
Đề án sau khi đi vào hoạt động đã giúp các cơ sở CNNT trong lĩnh vực sản xuất bàn ghế wicker xuất khẩu trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Là 1 trong 3 đơn vị được thụ hưởng tại Đề án nhóm, với tổng kinh phí thực hiện đề án là 702 triệu đồng. Ông Trần Quốc Duy, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại -Tổng hợp Minh Anh cho biết: Trước đây sản xuất bằng phương pháp cũ cho năng suất thấp 3-5m/phút, giá thành cao, chi phí nhân công cao, cùng với đó là tỷ lệ hao hụt cao, thao tác trong quá trình vận hành chậm;… Từ khi đầu tư Máy cắt ống laser cấp phôi tự động có công suất nguồn 2KW, chất lượng vết cắt tốt, khe cắt nhỏ, độ song song và vuông góc tốt, bề mặt cắt nhẵn, vùng ảnh hưởng nhiệt nhẹ, có thể dùng hàn trực tiếp mà không cần mài.
Ngoài ra, máy tự động cấp phôi hoàn toàn, tự động cấp & tự động cắt. Tốc độ cắt cao hơn so nhiều với phương pháp cắt thủ công truyền thống, có thể đạt tới 10m/phút đối với tấm mỏng, nhanh hơn nhiều so với cắt plasma. Khả năng thích ứng rộng rãi của vật liệu, độ chính xác cao; từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, vật liệu mang lại giá trị kinh tế cao. Hiệu quả kinh tế khi đầu máy móc thiết bị trong sản xuất bàn ghế wicker sẽ cho doanh thu hàng năm là 54,600 tỷ đồng/năm.
Với Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Xuất nhập khẩu VIVA, sau khi đầu tư hệ thống sơn tĩnh điện tự động (Lò sấy chín, công suất 35kg/h; Motor hút + đẩy nhiệt 20hp/380v/50 hz; Thiết bị phun sơn tĩnh điện, số lượng: 08 súng tự động + 2 súng phun tay) vào sản xuất với công suất 11.000 bộ sản phẩm/năm.
Ông Dương Quốc Huy, Giám đốc Công ty chia sẻ: Các vật dụng được sơn tĩnh điện sẽ ít bị han gỉ và hỏng hóc hơn, người dùng có thể sử dụng trong thời gian dài. Đồng thời, quá trình sơn tĩnh điện giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và nhân lực so với các loại sơn thông thường khác; công nghệ phun sơn được tự động hóa, các sản phẩm thành phẩm sẽ có chất lượng đồng đều, giúp tăng khả năng chịu lực, chống trầy xước hiệu quả. Hiệu quả doanh thu hàng năm sẽ đạt 56,650 tỷ đồng/năm.
Chia sẻ về hiệu quả của Đề án nhóm, ông Văn Thái Toàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bình Định cho biết: Đề án nhóm đi vào hoạt động đã giúp các các cơ sở CNNT tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, chủ động các đơn hàng lớn, giảm chi phí, tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đồng thời, góp phần khuyến khích, hỗ trợ sản xuất tại các cơ sở sản xuất cơ khí nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm.
Bên cạnh đó, đã giải quyết việc làm cho 600 lao động tại địa phương, từng bước ổn định đời sống cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế theo hướng tăng dần lao động công nghiệp và dịch vụ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Có thể thấy, Đề án nhóm đã góp phần hỗ trợ ngành sản xuất bàn ghế wicker xuất khẩu của tỉnh phát triển theo hướng bền vững. Đây cũng là các mô hình tiên tiến để các cơ sở khác học tập làm theo.