Bình Định - điểm sáng kinh tế trọng điểm miền Trung
Bình Định - một trong những địa phương top đầu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - có chỉ số tăng trưởng kinh tế cao sau hơn nửa năm 2024.
Cục thống kê tỉnh Bình Định vừa có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Giữ đà tăng trưởng ấn tượng
Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh tăng 9,8% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 7,74%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,55%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 16,09%; ngành chế biến thực phẩm tăng 9,35%, ngành sản xuất trang phục tăng 13,83% do xuất khẩu tăng mạnh.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 982,6 triệu USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ, đạt 59,6% kế hoạch năm 2024. Trong đó, các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu tăng cao so cùng kỳ như hạt điều xuất khẩu ước đạt 8,8 triệu USD, tăng 73,4%; hàng thủy sản ước đạt 71,1 triệu USD, tăng 6,2%; gỗ xuất khẩu ước đạt 223,4 triệu USD, tăng 33,2% so cùng kỳ, do nhu cầu nhập khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ của thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, tổng mức bán lẻ và doanh thu hàng hóa dịch vụ của Bình Định ước đạt 69.205,5 tỷ đồng, tăng 15,6%; trong đó, doanh thu thương nghiệp ước đạt 52.730,4 tỷ đồng, tăng 12%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 10.290,2 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa thông qua đường biển tại địa phương cũng tăng mạnh.
Bình Định cũng là một trong những lựa chọn ưu tiên của khách du lịch. 7 tháng đầu năm, ngành du lịch Bình Định ước đón được trên 6,6 triệu lượt khách, tăng 97,9% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 18.098 tỷ đồng, tăng 68,7% so với cùng kỳ.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, Bình Định đã thu hút 12 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đầu tư vào cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 50,9 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.553 tỷ đồng, suất đầu tư bình quân 129,4 tỷ đồng/dự án và 30,5 tỷ đồng/ha. Tính đến nay, các CCN đi vào hoạt động đã thu hút 380 dự án đăng ký đầu tư với diện tích 738,2ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 80%...
Trước đó, báo cáo của Tổng Cục thống kê cho thấy, GRDP 6 tháng đầu năm của tỉnh Bình Định tăng 7,6% so cùng kỳ, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, xếp thứ 4/14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, thứ 1/5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Phát triển khu công nghiệp, đưa kinh tế Bình Định “cất cánh”
Tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đưa công nghiệp tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo phía nam của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Để làm được việc này, Bình Định đang đẩy mạnh xúc tiến các tập đoàn kinh tế đầu tư các dự án lớn, trọng điểm, động lực.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng, trong 7 tháng đầu năm 2024, với việc triển khai các phương án, giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho các DN…hoạt động sản xuất kinh doanh của tỉnh từng bước phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng vượt kế hoạch.
Theo ông Hoàng, thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở Công thương thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất của các DN trên địa bàn tỉnh, tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực tạo ra giá trị cao trong sản xuất công nghiệp; chủ động làm việc với các DN sản xuất công nghiệp, kịp thời đề xuất các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN ổn định sản xuất kinh doanh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin, theo phương án phát triển các khu công nghiệp (KCN) tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, trên địa bàn tỉnh có 15 KCN với tổng diện tích 6.714,1ha. Trong đó, có 7 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 2.850ha, gồm: Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hòa, Hòa Hội, Becamex, KCN Nhơn Hội (khu A) và KCN Nhơn Hội (khu B).
Theo phương án phát triển CCN tỉnh Bình Định, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có 68 CCN với tổng diện tích 3.470ha, bình quân 51 ha/CCN. Trong 7 tháng năm 2024 UBND tỉnh đồng ý chủ trương thành lập 4 CCN, mở rộng 2 CCN. Đến nay, có 46/68 CCN với tổng diện tích 1.525ha được quyết định thành lập…
Tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Công thương mới đây, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, Bình Định là địa phương làm tốt công tác đầu tư hạ tầng giao thông, KCN, CCN và trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.
Ông Hồ Quốc Dũng mong muốn, Bộ Công thương hỗ trợ, tháo gỡ, rà soát cho tỉnh các quy hoạch để ngành công nghiệp Bình Định trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo phía nam của vùng, là trụ cột tăng trưởng kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh theo định hướng tại Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, Bình Định là 1 trong 5 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có vị trí chiến lược quan trọng ở trung tâm của trục Bắc - Nam, là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất của các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan. Đây cũng là vùng đất có lịch sử lâu đời. Với điều kiện thuận lợi, Bình Định có nhiều lợi thế phát triển về kinh tế biển, công nghiệp chế biến nông, thủy sản; phát triển năng lượng tái tạo và thương mại, dịch vụ logistic, du lịch biển...
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh Bình Định cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn, công nghiệp xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững nhằm xây dựng Bình Định trở thành một trong những trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, trung tâm khoa học, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển vùng.
“Bình Định đi sau, quy mô công nghiệp còn nhỏ thì hãy cố gắng phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn, công nghiệp bền vững để tạo sự khác biệt và đi lên”, Bộ trưởng gợi mở.