Bình Định: Doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư nhà máy điện sinh khối 2.400 tỷ đồng
Công ty CP Erex (Nhật Bản) muốn đầu tư dự án Nhà máy điện sinh khối Bình Định với tổng mức đầu tư dự kiến 2.400 tỷ đồng.
Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định xác nhận, Công ty CP Erex (trụ sở chính tại Nhật Bản) có kế hoạch nghiên cứu đầu tư dự án Nhà máy điện sinh khối trên địa bàn với tổng mức đầu tư dự kiến 2.400 tỷ đồng.
Theo đề xuất từ phía doanh nghiệp, công suất lắp đặt của dự án Nhà máy điện sinh khối Bình Định là 50MW; sản lượng điện sản xuất đạt 296,4 triệu kWh/năm; dự án sử dụng công nghệ lò hơi ghi xích (Stoker), turbine là dạng ngưng hơi thuần túy, không tái nhiệt…
Địa điểm thực hiện dự án được xác nhận sau khi khảo sát thực tế, nhưng ưu tiên khu vực có hạ tầng giao thông thuận lợi. Diện tích của nhà máy khoảng 15-20 ha, tuy nhiên không chồng lấn với rừng tự nhiên, đất lâm nghiệp. Dự kiến, dự án được khởi công, mua sắm thiết bị và hoàn thành lắp đặt máy, thiết bị vào năm 2027; vận hành thương mại vào năm 2030. Tổng mức đầu tư của dự án 2.400 tỷ đồng.
Theo Công ty cổ phần Erex, hiện công ty đang phối hợp cùng Viện Năng lượng - Bộ Công Thương (đơn vị tư vấn của dự án) trong việc xây dựng các tiêu chí cho việc xây dựng dự án, đồng thời xây dựng để cương nghiên cứu khảo sát lựa chọn địa điểm.
Hiện nay, Bộ Công thương đang phối hợp UBND các tỉnh tiến hành rà soát và trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII. Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII sau khi được phê duyệt sẽ là căn cứ, cơ sở pháp lý đầy đủ để Erex có thể chính thức tiến hành các thủ tục đầu tư dự án Nhà máy điện sinh khối tại tỉnh Bình Định.
Công ty CP Erex là nhà sản xuất, cung cấp điện đi đầu Nhật Bản với 30 năm hoạt động trong lĩnh vực điện sinh khối. Hiện, công ty đang sở hữu và kinh doanh 5 nhà máy điện sinh khối lớn với tổng công suất gần 300MW. Tại Việt Nam, công ty đã xây dựng và vận hành các nhà máy điện sinh khối để tiến hành nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau.
Theo quy hoạch thời kỳ mới, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.
Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đô thị hóa.