Bình Định đột phá hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư, trong đó đẩy mạnh xây dựng hệ thống giao thông và tổ chức kết nối các tuyến này thành mạng lưới liền mạch. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Bình Định đầu tư và hoàn thiện nhiều tuyến đường kết nối. Việc lựa chọn giao thông 'đi trước, mở đường'để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Đầu năm 2023, cầu vượt biển Đề Gi dài gần 400 m trên tuyến ven biển tỉnh Bình Định, được khánh thành đưa vào sử dụng. Cây cầu này đã rút ngắn hơn 40 phút để đi từ xã Cát Khánh, huyện Phù Cát đến xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
Ông Nguyễn Tấn Tùng (51 tuổi), trú thôn Chánh Lợi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát cho biết, cầu Đề Gi được đưa vào sử dụng đã hiện thực hóa mơ ước nối liền 2 xã Cát Khánh, huyện Phù Cát đến xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ từ bao đời nay.
“Nhờ chính quyền làm được cây cầu vượt biển này, giao thông bây giờ qua lại thuận tiện và không còn cảnh đò gian nữa. Khu vực gần cầu Đề Gi nhờ vậy buôn bán phát triển. Khi cầu Đề Gi đưa vào sử dụng, giao thông kết nối thuận tiên nên khi ghe thuyền vào cảng Đề Gi buôn bán hải sản thuận tiện, lợi nhuận thêm”. Ông Nguyễn Tấn Tùng nói.
Đường ven biển đi qua tỉnh Bình Định có điểm đầu nối với đường bộ ven biển tỉnh Quảng Ngãi, điểm cuối kết nối với đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên. Dự án đường ven biển đi qua tỉnh Bình Định dài hơn 115 km, tổng vốn đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng với 8 dự án thành phần dài 99 km, còn lại tận dụng Quốc lộ 1D khoảng 16 km. Hiện đã có 3 dự án thành phần đường ven biển Bình Định gồm: Cát Tiến - Đề Gi, Đề Gi - Mỹ Thành, cầu Lại Giang - cầu Thiện Chánh được đưa vào sử dụng. Về định hướng lâu dài, sau khi đường ven biển tỉnh Bình Định hoàn thành, tỉnh này sẽ quy hoạch phía đông con đường xây dựng các khu vui chơi, giải trí, du lịch; phía tây đường ven biển tỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cho biết, đường ven biển đi qua địa bàn đã tạo không gian phát triển quỹ đất mới, phát triển công nghiệp, dịch vụ: “Sau khi đường ven biển đưa vào sử dụng riêng huyện Phù cát không tạo ra được quỹ đất hơn 4.000 hecta dọc các xã thị trấn ven biển này, tính từ cầu Đề Gi trở vào. Quỹ đất đó đến nay đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển vùng Nam Đề Gi. Việc tuyến đường ven biển đi vào hoạt động sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ của huyện Phù Cát nói riêng và bao gồm huyện Phù Mỹ. Bà con ngư dân sẽ có điều kiện về giao thương.”
Ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh Bình Định cho biết, nhiệm kỳ 2020-2025 đơn vị phấn đấu hoàn thành các dự án đường ven biển và các tuyến kết nối đông-tây được tỉnh Bình Định phê duyệt. Cùng với đẩy nhanh việc triển khai các thủ tục, xây dựng các dự án dự án, tỉnh Bình Định đang kiến nghị Chính phủ cho phép đầu tư và hỗ trợ kinh phí như: Dự án nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát; xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn (Bình Định) - Pleiku (Gia Lai); hoàn thiện tuyến nối từ Quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định kết nối với cảng Quy Nhơn.
“Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh được giao làm chủ đầu tư một số dự án trọng điểm. Ngay từ đầu, Ban đã tích cực triển khai thủ tục pháp lý để mà đẩy nhanh tiến độ bàn giao đấu thầu thi công xây dựng. Chúng tôi phối hợp với các địa phương, tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng để có đủ điều kiện triển khai thi công. Qua đó góp phần đưa một số dự án đã hoàn thành đi vào khai thác, tạo được kết nối giao thương giữa các địa phương, các giao thông đối ngoại vùng miền cũng như mở rộng không gian phát triển”. Ông Lưu Nhất Phong cho biết thêm.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bình Định bố trí nguồn vốn đầu tư ngân sách dành cho lĩnh vực giao thông khá lớn (hơn 13.823 tỷ đồng, chiếm 32,6%) trong tổng vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 của tỉnh.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí Thư tỉnh ủy Bình Định cho biết, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Bình Định sẽ cơ bản hoàn thiện các tuyến giao thông huyết mạch. Việc hoàn chỉnh và đồng bộ kết cấu hạ tầng cho phép tỉnh quy hoạch không gian phát triển mới cho đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tạo hành lang vận tải quan trọng nối cảng biển Quy Nhơn, Cảng hàng không Phù Cát với các vùng, miền trong cả nước và quốc tế.
“Tỉnh Bình Định đã thực hiện tốt 3 khâu đột phá, ấn tượng nhất đột phá về hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Tỉnh đã đầu tư rất nhiều công trình giao thông kết nối như tuyến đường ven biển, đường từ sân bay đến Khu Kinh tế Nhơn Hội, đường vào Khu Kinh tế Becamex-Vsip, đường từ cảng Quy Nhơn lên Quốc lộ 1A. Hiện nay, tỉnh Bình Định đang hoàn thành các đường xương cá, kết nối Đông- Tây, cùng với Trung ương khẩn trương hoàn thành cao tốc Bắc- Nam. Đây là một đột phá rất lớn so với nhiệm kỳ trước. Tỉnh Bình Định đã thành công trong việc huy động nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng”. Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.