Bình Định: Dưa hấu vừa mất mùa vừa mất giá, nông dân 'khóc ròng'
Đang vào kỳ thu hoạch nhưng giá dưa hấu giảm mạnh khiến người trồng dưa ở Bình Định gặp khó.
Ghi nhận của VietNamNet, nếu thời điểm này những năm trước, giá dưa hấu tại tỉnh Bình Định dao động từ 7.000-10.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 2.000-4.000 đồng/kg khiến người trồng dưa lỗ nặng.
Vụ dưa hấu Hè Thu 2023, vùng chuyên canh dưa xã Mỹ Phong (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) có hơn 78ha, trồng tập trung nhiều nhất ở các thôn Văn Trường Đông và Văn Trường. Những ngày đầu tháng 8, đang vào kỳ thu hoạch nhưng giá dưa hấu giảm mạnh khiến người trồng dưa gặp khó.
Bà Nguyễn Thị Huệ (47 tuổi, trú thôn Văn Trường Đông) cho biết, vụ dưa này gia đình trồng hơn 5 sào dưa hấu tại cánh đồng Văn Trường Đông. Tuy nhiên, gặp thời tiết bất lợi nên dưa đạt năng suất thấp. Gia đình chỉ thu được chưa đến 1 tấn/sào, bằng một nửa sản lượng những vụ trước.
Dưa hấu năng suất thấp, không thể xuất khẩu, lại không đạt chất lượng để vào siêu thị trong nước nên giá dưa giảm sâu, người trồng dưa thua lỗ nặng.
“Thời điểm này năm ngoái giá dưa dao động từ 9.000-12.000 đồng/kg nhưng năm nay thương lái chỉ mua từ 3.500-4.000 đồng/kg. Dưa nhà nào đẹp thì thu được vốn, chứ năng suất thấp như thế này chỉ có lỗ”, bà Huệ buồn bã nói.
Vừa giao dịch xong với các thương lái tại ruộng dưa, ông Nguyễn Văn Đắng (thôn Văn Trường Đông), chia sẻ với báo Bình Định: Tình hình chung ở đây là năng suất dưa hấu không bằng mọi năm, phần đông chỉ đạt xấp xỉ 800 kg - 1 tấn/sào, giảm tới 30 - 40% so với năm ngoái.
Năm nay tôi trồng 4 sào, may mắn là dưa hấu đạt năng suất tốt, trái đều và đẹp với trọng lượng tầm 4 - 5 kg/trái, bình quân đạt 1,5 tấn/sào. May hơn nữa là giá dưa khá hơn chút - 4.200 đồng/kg, trước đó chỉ nằm ở mức 3.500 - 3.800 đồng/kg, nên cũng lãi chút đỉnh”.
Bà Nguyễn Thị Nga, thương lái chuyên thu mua dưa hấu ở xã Mỹ Phong (huyện Phù Mỹ) cũng cho hay: “Cùng thời điểm, năm ngoái tôi thu mua dưa với giá từ 9.000 - 13.000đ/kg, năm nay từ đầu vụ đến giờ tôi chỉ mua với giá từ 3.500 - 4.500đ/kg tùy chất lượng. Giá dưa thấp chủ yếu do việc xuất đi Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, còn thị trường trong nước thì dưa phải đẹp thì mới dễ bán”.
Không chỉ ở Phù Mỹ, nhiều hộ trồng dưa ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định còn rơi vào cảnh khó khăn hơn khi dưa bị bọ trĩ làm hư hại.
Anh Thái Thanh Bình (56 tuổi, trú xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) kể rằng, cách đây hơn 2 tháng, anh thuê 1ha đất ở xã Nhơn Hạnh, thị xã An Nhơn để trồng dưa.
Không ngờ đầu vụ trời ít mưa, nắng gắt kéo dài khiến bọ trĩ phát sinh gây hại nên cây dưa bị “rút” không phát triển nổi, thậm chí không cho quả, nếu nhánh nào cho quả thì quả cũng èo uột, nứt nẻ, “mụn cóc” đầy da…
“Giá thuê đất ở Nhơn Hạnh đắt hơn ở Tây Nguyên, đến 44 triệu đồng/ha/vụ (2 tháng rưỡi). Vụ này cây dưa mới ra 2 lá thì đã bị bọ trĩ phát sinh gây hại. Khi cây dưa lớn, bọ trĩ đã xâm nhập nặng, không còn cứu vãn được, mỗi ngày bơm thuốc tiền triệu mà không thể diệt được bọ trĩ.
Bọ trĩ ăn cây dưa đến khô lá, cháy dây, khi ấy cây dưa đã hết sức nên không còn hấp thụ được phân để sinh trưởng. Phân vãi vào luống để nuôi cây mà cây không “ăn” được nên phân xì lên trắng cả dây dưa. Khi cây dưa đã bị nhiễm bọ trĩ, nếu nhánh nào cho quả thì quả cũng nhỏ tí, èo uột, cóc ghẻ đầy da”, anh Thái Thanh Bình buồn bã nói với báo Nông nghiệp Việt Nam.
Theo tính toán của anh Bình, vụ dưa hè năm nay anh đầu tư tất tần tật từ công làm đất đến mua giống, chi phí phân bón, thuốc BVTV, thuê công chăm sóc cho cây dưa… hết 7 triệu đồng/sào (500m2/sào), vị chi là 140 triệu đồng/ha.
Đó là mức đầu tư khi cây dưa đã bị bệnh, không hấp thụ được phân nên lượng phân bón giảm xuống. Nếu cây dưa khỏe mạnh, hấp thụ phân tốt, mức đầu tư sẽ khoảng 8 - 9 triệu đồng/sào. Mức đầu tư cao nhưng nếu cây dưa cho năng suất cao, quả có trọng lượng lớn thì người trồng có lãi nhiều. Tuy nhiên vụ này thì ngược lại, dưa mất mùa nặng.
Theo anh Bình, 1ha dưa của anh trong vụ hè thu này năng suất đạt cao nhất cũng chỉ 12 tấn. Trong khi nếu cây dưa không bị bọ trĩ gây hại, 1ha dưa bình quân có thể cho năng suất 45 - 50 tấn. Vụ này dưa trên 2kg/quả được thương lái mua 2.200đ/kg, loại dưới 2kg/quả thương lái không mua, chủ ruộng bỏ đầy đồng.
Anh Bình than thở: Ruộng dưa của anh mới được thương lái ứng trước 5 triệu đồng, cắt được bao nhiêu tính bấy nhiêu. Nếu khi cắt mà quả dưới 2kg nhiều thì chắc chắn thương lái sẽ không mua, chỉ mua loại từ 2kg/quả trở lên, 1ha dưa thu vào chưa chắc đủ trả tiền cắt, vận chuyển dưa lên đổ đống trên đường và chất dưa lên xe.
“Thôi, bán được bao nhiêu mừng bấy nhiêu chứ để dưa trên ruộng thêm vài hôm nữa thương lái không mua có khi trắng tay. 1ha dưa hấu của tôi vụ này bị lỗ ít nhất cũng hơn 180 triệu đồng cả tiền thuê đất và chi phí đầu tư. Đó là chưa kể cả 2 vợ chồng và đứa con trai lớn của tôi hàng ngày phải đội nắng suốt 2 tháng rưỡi để chăm sóc dưa, đêm về sống dật dựa trong lán trại tạm bợ. Đóng cái giếng mất 1,2 triệu đồng mà mạch nước ngầm bị ô nhiễm, hôi thối quá, đến cả tắm cũng không được, gia đình tôi phải tắm nước mương bẩn ơi là bẩn mà cũng phải tắm”, anh Bình nói như khóc.
Trên địa bàn xã Nhơn Hạnh, thị xã An Nhơn hiện có khoảng 162,2ha đất trồng dưa, phần lớn đều là những người chuyên du canh trồng dưa hấu đến đây thuê đất trồng.
Ông Võ Xuân Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hạnh, thông tin, nghề trồng dưa có trên địa bàn từ 4 năm nay. Đây là vụ trồng dưa lớn nhất từ trước đến nay tại xã.
Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi mưa nên dưa úng nước. Hơn nữa, bệnh đầu lân phát sinh khiến dưa đạt năng suất thấp.
“Dưa không đạt chất lượng xuất khẩu nên giá thấp, chỉ từ 2.000-2.500 đồng/kg, người trồng dưa đa phần thua lỗ. Chúng tôi khuyến cáo người dân đây là vùng sâu trũng của An Nhơn, cần xem xét vụ mùa trồng để hạn chế tình trạng úng nước”, ông Sinh cho hay.
Minh Hoa (t/h)