Bình Định khắc phục hậu quả mưa lũ
Hoàn lưu bão số 10 gây mưa lớn khu vực các xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Phần lớn hệ thống giao thông trên địa bàn hai xã này bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông, hệ thống điện bị hư hỏng nặng từ giữa đêm 5/11.
Chị Nguyễn Thị Thúy, ở làng Đăk Tra (xã Vĩnh Kim) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cảnh nước lũ, chỉ trong tích tắc đã tràn vào từ phía sau nhà. Lần đầu tiên sau mấy mươi năm sinh sống ở đây, người dân Vĩnh Kim mới chứng kiến cảnh lũ ống quét qua.
“Mưa to từ 3 giờ sáng, mưa như trút, sấm sét liên tục. Nghe tiếng động mạnh sau nhà, tôi chạy ra xem thì thấy nước tuôn ào ào từ núi xuống. Tôi hô hoán, nhờ mọi người khiêng đồ kê lên cao nhưng không kịp” - chị Thúy nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim Đinh Khư, từ 3 giờ sáng 6/11, mưa lớn đã gây lũ ống quét qua các khu dân cư và gây sạt lở hệ thống giao thông tại các xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Trong buổi sáng 6/11, toàn bộ các khu dân cư trên địa bàn xã Vĩnh Kim đều bị cô lập do hệ thống giao thông bị sạt lở nhiều đoạn. Toàn tuyến có trên 40 điểm sạt lở nặng với hơn 12.000 m3 đất đá bồi lấp.
Ngay trong sáng 6/11, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã tổ chức các đoàn công tác đến các xã Vĩnh Sơn và Vĩnh Kim, kiểm tra tình hình mưa lũ và khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra. Trong đó tập trung khôi phục lại hệ thống giao thông để kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm cho các làng bị cô lập.
Đến ngày 7/11, tuyến đường ven hồ Định Bình đi Vĩnh Kim đã cơ bản được khai thông. Hiện vẫn còn 232 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu thuộc 4 làng: O2, O3, Đăk Tra, Kông Trú vẫn đang bị cô lập. Hiện nay, huyện Vĩnh Thạnh đang huy động các lực lượng tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, nhanh chóng ổn định đời sống người dân và sản xuất.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Thạnh Bùi Tấn Thành, cho biết: "Trước mắt, huyện huy động các lực lượng tập trung khôi phục lại hệ thống giao thông đến các làng để vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm cho bà con. Tuy nhiện, hệ thống giao thông sạt lở quá nặng, huyện chỉ có thể giải quyết trong khả năng có thể. Huyện đang đề nghị tỉnh hỗ trợ để khắc phục thiệt hại các công trình giao thông”.
Trong khi đó, thị xã Hoài Nhơn cùng các huyện vùng cao An Lão, Hoài Ân cũng đang tập trung khắc phục, xử lý một số điểm sạt lở gây ách tắc giao thông và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Mưa lớn khiến cho tuyến đường nối từ phường Tam Quan đến các xã Hoài Châu, Hoài Phú (thị xã Hoài Nhơn) bị nước lũ tràn qua, gây chia cắt giao thông. Đến sáng 7/11, sau khi nước lũ rút, chính quyền địa phương và nhân dân đã khẩn trương dọn dẹp cây cối và rác thải để đảm bảo giao thông được thông suốt.
Tại huyện An Lão, sáng 7/11, lực lượng chức năng đã đến hỗ trợ người dân có nhà bị ngập lụt dọn dẹp bùn đất. Nước lũ đã làm cho 42 ngôi nhà trên địa bàn, chủ yếu tại xã An Hòa, bị ngập sâu. Lớp bùn non tràn vào nhà khiến người dân gặp nhiều khó khăn.
Ông Đỗ Đình Biểu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Lão cho biết, các tuyến đường từ thị trấn An Lão lên các xã, tuyến đường liên xã, liên thôn bị sạt lở, gây chia cắt giao thông đang được các đơn vị thi công khẩn trương khắc phục.
Tại huyện Hoài Ân, địa phương đang tập trung xử lý 3 điểm sạt lở gây ách tắc giao thông là: Tuyến đường Bù Nú - T5, tuyến đường Xuân Sơn - Đăk Mang, cầu suối Tam - Bok Tới. Đến sáng 7/11, các đoạn đường sạt lở này đã được thông tuyến, đảm bảo giao thông cho người dân.
Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc thông tin, địa phương đã cử lực lượng hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa; đồng thời, tiếp tục thống kê thiệt hại để lập phương án hỗ trợ người dân ổn định đời sống.
Huyện Hoài Ân có số lượng nhà ở bị ngập lụt nhiều nhất trong tỉnh với 1.074 ngôi nhà. Nhiều hộ dân vừa khắc phục thiệt hại do bão số 9 xong thì tiếp tục chịu cảnh ngập lụt do áp thấp sau bão số 10.
Đến sáng 7/11, nhiều tổ chức, cá nhân đã có mặt tại các địa phương chịu thiệt hại để hỗ trợ các hộ gặp khó khăn, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Qua 2 cơn bão số 9 và 10, tình trạng mưa rất to trong một khoảng thời gian ngắn đã gây ngập và sạt lở tại các địa phương trên của tỉnh là hiếm thấy. Nhiều khu dân cư sống ven rừng, trong khu vực núi cao của tỉnh Bình Định đang trong tình trạng nguy cơ cao bị sạt lở.