Bình Định: Nông dân 4.0 điều khiển drone, dùng phần mềm để canh tác nông nghiệp
Nông dân Bình Định đã có nhiều thay đổi trong canh tác, từ truyền thống sang ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ như dùng máy bay không người lái để phun thuốc, điều chỉnh nhiệt độ, tưới nước…bằng điện thoại thông minh.
Sử dụng máy bay không người lái
Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, góp phần bảo vệ sức khỏe, thời gian qua, nông dân ở Bình Định đã ứng dụng thiết bị máy bay không người lái (drone).
Thiết bị drone có tính năng thiết lập đường bay tự động, điều chỉnh chế độ phun tự động cho nhiều loại cây trồng với cơ chế đầu phun liên tục xoáy tròn, hạt dung dịch thuốc khi ra khỏi đầu phun có kích cỡ rất nhỏ và mịn, lượng thuốc được phân bổ đều trên bề mặt ruộng lúa do đường bay không chồng lấn lên nhau.
Khi dùng drone sẽ giảm được lượng thuốc, thời gian phun thuốc, tránh giẫm đạp khi đi lại trong quá trình phun thuốc và đặc biệt là tránh sự tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) so với phun thuốc thủ công thông thường.
Tại huyện Tuy Phước (Bình Định), thời gian qua, các hợp tác xã nông nghiệp đã đưa công nghệ trên vào thực hiện phun thuốc cho diện tích lúa.
Ông Nguyễn Văn Ghe - Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Phước Quang cho biết, trong vụ Đông Xuân 2022 - 2023, đơn vị đã ký kết với Tập đoàn Lộc Trời dùng công nghệ drone thực hiện phun thuốc BVTV cho diện tích liên kết sản xuất lúa giống với quy mô gần 86,3 ha/391 nông hộ tại địa phương tham gia. Bình quân mỗi ngày bay sẽ thực hiện phun khoảng 20 ha diện tích. Nhận thấy hiệu quả, HTX nông nghiệp Phước Hưng cũng đã đưa công nghệ trên vào thực hiện phun thuốc cho 120 ha diện tích sản xuất lúa của 512 nông hộ.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Tuy Phước, việc sử dụng công nghệ drone giúp giảm thời gian lao động trên đồng, tiết kiệm chi phí, hạn chế con người tiếp xúc gần với thuốc BVTV, giữ gìn sức khỏe và tăng năng suất cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông hộ.
Điều khiển từ xa bằng điện thoại
Cũng tại huyện Tuy Phước, người nông dân đã áp dụng công nghệ trồng nấm 4.0, điều khiển tự động bằng điện thoại thông minh. Mô hình trồng nấm công nghệ cao do anh Lê Huỳnh Kha Luân (huyện Tuy Phước) cùng nhóm bạn có chung đam mê trồng nấm khởi xướng cách đây 5 năm với chi phí đầu tư ban đầu gần 500 triệu đồng.
“Mô hình trồng nấm áp dụng công nghệ tự động, tất cả quá trình từ kiểm soát, chăm sóc chỉ cần thao tác trên điện thoại thông minh. Nếu nhiệt độ trong nhà trồng tăng cao, giàn làm mát tự động bật lên để điều hòa nhiệt độ ổn định 25-26 độ C. Hoặc nếu độ ẩm trong nhà trồng không đủ để nấm mọc thì giàn phun sương tự động bật để bổ sung độ ẩm cho nhà nấm mà không cần tác động của con người”, anh Luân chia sẻ.
Nhờ ứng dụng công nghệ, số lượng bịch phôi sản xuất lớn, gấp chục lần so với cách làm thông thường. Nấm đảm bảo sinh trưởng, phát triển trong điều kiện tốt nhất, ít rủi ro do không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ thời tiết bên ngoài.
Còn tại huyện Hoài Ân-một trong những vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất Bình Định, đến nay, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã áp dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực trồng trọt.
Chỉ cần một thao tác nhanh trên điện thoại, vườn cây ăn quả hơn 2.000m2 trồng các loại dưa lưới, dưa leo và nhiều loại cây trồng khác của HTX nông nghiệp công nghệ cao La’sfarm Ân Phong (xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) đã được tưới, chăm sóc, bón phân mà không cần ra tận vườn.
Tại các diện tích trồng bưởi da xanh, người nông dân tại đây đã áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm.
Bên cạnh đó, nông dân còn ứng dụng mã QR cho quả bưởi Hoài Ân. Chỉ một thao tác nhỏ trên điện thoại- quét mã QR, người tiêu dùng sẽ được cung cấp thông tin về vườn bưởi, người trồng, quy trình chăm sóc từ khi ra hoa cho đến khi thu hoạch, tiêu thụ. Nhờ dán mã QR, bưởi da xanh Hoài Ân trên thị trường được bán giá cao hơn, dao động từ 40.000-50.000 đồng/quả.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Hoài Ân cho biết theo kế hoạch triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực huyện giai đoạn 2021 – 2025, đơn vị này sẽ hướng dẫn và cấp mã QR truy xuất nguồn gốc cho chè Gò Loi, dừa xiêm, quýt, mít Thái, tiêu hột... Mã QR là một trong các yếu tố để minh bạch nguồn gốc, xuất xứ, toàn bộ quá trình sản xuất nông sản của nông dân, tăng độ tín nhiệm tới người tiêu dùng.
Theo Hội Nông dân Bình Định, thời gian qua, các cấp hội nông dân tỉnh đã chú trọng tuyên truyền, giáo dục hội viên, nông dân học tập nâng cao kiến thức; đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, vận động, hướng dẫn nông dân tiếp cận với sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đồng thời, vận động nông dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi số trong sản xuất; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, liên kết trong sản xuất, chế biến; tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, từ năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Bình Định đã phối hợp triển khai giới thiệu và kết nối tiêu thụ nông sản hàng hóa an toàn, chất lượng của nông dân lên sàn thương mại điện tử. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 217 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó 6 sản phẩm 5 sao, 34 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 177 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Hiện đã có hơn 62.000 hộ sản xuất nông nghiệp cập nhật 217 sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại.