Bình Định quyết vào nhóm dẫn đầu miền Trung
Tại cuộc họp đầu năm Quý Mão 2023, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương rà soát lại tất cả công việc, kế hoạch, chương trình hành động để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, đưa tỉnh vào nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, vừa qua lãnh đạo tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp giao ban đầu năm để triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Ông Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định - chủ trì cuộc họp.
Đột phá tăng trưởng
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện UBND tỉnh Bình Định cho biết năm 2022, tỉnh đã có bước đột phá với mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay là 8,57%, vượt 2,07% so với kế hoạch đề ra; đứng thứ 6/14 tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung và đứng thứ 3/5 địa phương trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Đà Nẵng và Quảng Nam).
Trong 19 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), Bình Định đều đạt và vượt so với kế hoạch. Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước trong năm qua của Bình Định lập kỷ lục mới với 16.551 tỉ đồng, vượt 35,6% dự toán năm và tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hai nguồn thu chính là thu nội địa đạt 7.385,2 tỉ đồng và thu tiền sử dụng đất đạt 7.000 tỉ đồng.
Một dấu ấn khác của Bình Định trong năm 2022 là kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhất từ trước đến nay với 1,55 tỉ USD, vượt 14,8% kế hoạch và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, an sinh xã hội ở Bình Định tiếp tục được bảo đảm. Quốc phòng - an ninh được củng cố, đời sống nhân dân cơ bản ổn định, hiệu quả hoạt động của chính quyền được nâng lên.
Năm qua, Bình Định cũng đã khánh thành, đưa vào sử dụng hàng loạt công trình trọng điểm, như: đường vào sân bay Phù Cát, đường ven biển (đoạn Cát Tiến - Mỹ Thành), đền thờ Tây Sơn tam kiệt, đập dâng Đức Phổ (xã Cát Minh, huyện Phù Cát)… Qua đó phát huy hiệu quả phục vụ phát triển KT-XH, tạo được sức lan tỏa thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Hiện Bình Định đang tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa bàn tỉnh; đường ven biển các đoạn còn lại; đường Điện Biên Phủ nối dài đến Khu đô thị Diêm Vân; các tuyến kết nối đường ven biển; các dự án tại Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa; đập dâng Phú Phong và các công trình văn hóa, lịch sử...
Quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, cho biết để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách năm 2023, góp phần thực hiện hoàn thành đạt và vượt kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung đổi mới phong cách làm việc theo phương châm "Làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá"; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2023, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 7%-7,5%.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi đối với các thành phần kinh tế. Tiếp tục thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; tập trung đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…
Trong đó, Bình Định xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như là: duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp; kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp bảo đảm an toàn hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phát triển các hoạt động thương mại, phục hồi hoạt động du lịch và dịch vụ; tăng cường công tác quản lý thu, đôn đốc thu, chống tình trạng thất thu, lạm thu, giảm nợ đọng thuế; ưu tiên phát triển hạ tầng KT-XH, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, du lịch, các công trình thuộc ngành y tế, giáo dục, phúc lợi công cộng…
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, địa phương phấn đấu năm 2025 trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung và sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Để thực hiện mục tiêu này, năm 2023, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc, đại hội Đảng bộ tỉnh và đại hội Đảng các cấp ở địa phương. Trong đó, tập trung xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị vững mạnh; triển khai thực hiện hiệu quả 7 chương trình hành động của Tỉnh ủy; thúc đẩy 5 trụ cột tăng trưởng và 3 khâu đột phá.
Bên cạnh đó, năm 2023 có ý nghĩa quan trọng tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2020-2025. Dự báo có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng không ít khó khăn cả về khách quan và chủ quan sẽ tác động không nhỏ, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cần tập trung cao nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp phù hợp với tình hình mới.
Phát biểu tại cuộc họp giao ban đầu năm, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng nhận định trong năm 2023, bên cạnh những thuận lợi, tỉnh này sẽ gặp không ít khó khăn bởi tình trạng lạm phát; chính sách thắt chặt tiền tệ; tình hình lao động mất việc làm ngày càng nhiều... “Nêu ra những khó khăn, thách thức để chúng ta nhận diện và cùng nhau quyết tâm vượt qua. Năm 2023 rất quan trọng, là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Do vậy, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần phải tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ, rà soát lại tất cả công việc, kế hoạch, chương trình hành động để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, đưa Bình Định vào nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung” - ông Dũng nhấn mạnh.