Bình Định xây dựng chính sách đặc thù 'hút' doanh nghiệp số đến đầu tư
Tỉnh Bình Định cho biết sẽ xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả.
UBND tỉnh Bình Định vừa có báo cáo sơ kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định (Khóa XX) về Chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tiềm năng phát triển
Theo UBND tỉnh Bình Định, về phát triển hạ tầng số, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 7 doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, cơ bản đáp ứng đầy đủ các nhu cầu phát triển dịch vụ hiện tại, có khả năng nâng cấp để đáp ứng các dịch vụ mới.
Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh được đầu tư nâng cấp với 25 máy chủ vật lý để quản lý các hệ thống thông tin dùng chung, chuyên ngành, cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước; trang bị các hệ thống thiết bị bảo mật, an ninh thông tin.
Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện xây dựng, đưa vào sử dụng thử nghiệm Kho dữ liệu số dùng chung của tỉnh và các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành các hệ thống ưu tiên triển khai từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu vào Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh.
Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bình Định được xây dựng đáp ứng các yêu cầu mới của Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT về khai thác dữ liệu dân cư; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; bảo đảm hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh không bị gián đoạn trong phục vụ giải quyết thủ tục hành chính; được triển khai sử dụng ở 100% các cơ quan nhà nước tại 3 cấp tỉnh, huyện, xã để thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông…
Bên cạnh việc triển khai ứng dụng các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành góp phần hiện đại hóa nền hành chính và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành.
Tỉnh Bình Định cũng đã ứng dụng CNTT để công khai cung cấp thông tin cho người dân, tổ chức, DN, như cổng dịch vụ công tỉnh https://dichvucong.binhdinh.gov.vn hiện đang cung cấp 2.032 thủ tục hành chính (trong đó có 763 Dịch vụ công trực tuyến một phần, 1.059 Dịch vụ công trực tuyến toàn trình).
Cùng với đó, hệ thống Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Định (Trung tâm IOC - Intelligent Operation Center) đi vào hoạt động từ tháng 10/2021 luôn duy trì với 8 dịch vụ…
Tỉnh Bình Định đã thành lập Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định, hiện có các công ty công nghệ, với trên 1.300 nhân sự. Chính phủ đã kết nạp Trung tâm CNTT và Truyền thông (Sở TT&TT) tham gia vào chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung. Ngoài ra, có 2 dự án đang triển khai gồm: Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ Long Vân; Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT.
Bên cạnh đó, Bình Định cũng tổ chức các đoàn công tác xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước nhằm kêu gọi các nhà đầu tư, nhất là liên quan về lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo. Số lượng DN công nghệ số (DN cung cấp dịch vụ viễn thông - CNTT) trên địa bàn tỉnh hiện có 204 DN. Tỉnh cũng đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại 1.176 thôn/xóm với 4.353 người tham gia.
Tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh
Tỉnh Bình Định cho biết sẽ xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số… Rà soát, sửa đổi, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các DN chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tích cực thu hút các DN số đầu tư vào tỉnh.
Bình Định cũng sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp, bổ sung hoàn thiện Trung tâm dữ liệu của Tỉnh ủy, Trung tâm hạ tầng thông tin tỉnh bảo đảm là trung tâm kết nối các hệ thống hạ tầng thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cập nhật dữ liệu, số hóa các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, xây dựng các nền tảng số.
Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng cơ chế ưu tiên thu hút nhân lực CNTT có trình độ cao; nghiên cứu, xây dựng các khu thử nghiệm dành cho DN công nghệ theo mô hình tiên tiến của thế giới để tiên phong thử nghiệm công nghệ mới nhất, mô hình mới nhất trên thế giới…
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đánh giá Bình Định có điều kiện hạ tầng viễn thông và hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin khá tốt. Đồng thời, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong phát triển kinh tế xã hội đúng hướng.
Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh quan điểm Chuyển đổi số phải thiết thực, hiệu quả và gắn với chuyển đổi xanh; lấy người dân làm trung tâm; phải toàn diện, đồng bộ trên cả ba trụ cột, gồm Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; đề nghị tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý của chính quyền các cấp đối với công tác chuyển đổi số, người đứng đầu các cấp, các ngành phải tiên phong, đi đầu trong việc chuyển đổi số.