Binh đoàn 15: 40 năm chung sức vì biên giới giàu mạnh
Trải qua 40 năm xây dựng, trưởng thành, Binh đoàn 15 đã thực hiện xuất sắc 2 nhiệm vụ chiến lực là phát triển kinh tế-xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh.
Ngày 20-2-1985, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ban hành Quyết định số 68/QĐ-HĐBT về việc thành lập Binh đoàn 15 trực thuộc Bộ Quốc phòng với nhiệm vụ chủ yếu là: “Xây dựng khu kinh tế-quốc phòng, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội gắn với quốc phòng-an ninh trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên”.
Thực hiện chủ trương “Phát triển, mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó”, 40 năm qua, Binh đoàn 15 đã đưa gần 15.000 hộ gia đình với trên 50.000 khẩu đến xây dựng 266 cụm điểm dân cư dọc theo 251 km biên giới.
Binh đoàn cũng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương thành lập 13 xã với 24 thôn, làng, góp phần giải quyết tình trạng “trắng” dân cư trên tuyến biên giới.
Quán triệt mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thực hiện song song 2 nhiệm vụ phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng-an ninh, Binh đoàn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí các cụm, điểm dân cư xen kẽ với 271 thôn, làng, phù hợp với các khu sản xuất tập trung của các công ty, đơn vị, đội sản xuất cũng như các phương án chiến đấu, phòng thủ khi có tình huống xảy ra.
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp xây dựng tiềm lực quốc phòng-an ninh.
Trên tuyến biên giới Gia Lai các công ty như: 74, 72, 75, 715, Bình Dương và Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710… đã thực hiện tốt chủ trương nhất quán, xuyên suốt là “Phát triển, mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó”, cùng với địa phương tạo lập thế trận phòng thủ liên hoàn, vững chắc.
Bên cạnh 2 sản phẩm chủ lực là cao su, cà phê, Binh đoàn từng bước mở rộng các ngành nghề phục vụ sản xuất và đời sống, ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường; thường xuyên tạo việc làm ổn định cho hơn 15.000 lao động, trong đó trên 60% lao động là người dân tộc thiểu số; hàng chục ngàn người có việc làm phụ.
Từ năm 2020 đến nay, thu nhập bình quân của người lao động từ 7 đến 9 triệu đồng/tháng. Tiền lương, chế độ chính sách cho cán bộ, công nhân được bảo đảm kịp thời, đầy đủ, đời sống người lao động và người dân trên địa bàn từng bước được ổn định, không ngừng được nâng cao.
Năm 2006, từ 30 cặp hộ gắn kết, đến nay đã có 4.269 cặp hộ gắn kết. Hàng năm, các cặp hộ gắn kết giúp nhau hàng ngàn ngày công lao động, hỗ trợ nhau kỹ thuật, cây giống, con giống để phát triển kinh tế, động viên nhau xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.
Thực tiễn xây dựng và phát triển Binh đoàn trong 40 năm qua là minh chứng sống động khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, quốc phòng gắn với kinh tế.
Những người lính trên mặt trận kinh tế-quốc phòng đã hun đúc nên truyền thống: “Kiên định mục tiêu, vượt mọi gian khó, gắn bó với dân, sáng tạo chuyên cần, đoàn kết quyết thắng”, góp phần tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa chiến lược Tây Nguyên.