Binh đoàn 15: Giúp dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực
Những năm qua, Binh đoàn 15 đã triển khai nhiều phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng bằng nhiều hình thức, với nội dung phong phú, thiết thực.
Đại tá Hoàng Văn Sỹ-Tư lệnh Binh đoàn 15-cho biết: “Đơn vị luôn xác định, thi đua là động lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chính vì thế, thời gian qua, phong trào thi đua yêu nước được triển khai sâu rộng, mỗi cơ quan, đơn vị đều có một việc làm cụ thể, thiết thực phù hợp với tình hình thực tế. Các phong trào thi đua như: “Dân vận khéo”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Sạch vườn cây, sạch nhà, đẹp đơn vị”... đã góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ là phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới”.
Tại Công ty TNHH một thành viên 72, phong trào thi đua “Hũ gạo gắn kết” đã trở thành hoạt động thường xuyên, thiết thực, hiệu quả, được đồng bào các dân tộc vùng biên ghi nhận. Thượng tá Hà Trọng Bảo-Giám đốc Công ty-cho biết: “Phong trào này được phát động hơn 10 năm nay, bằng hình thức trước khi nấu cơm, mỗi cán bộ, công nhân bớt lại một ít gạo bỏ vào hũ để cuối tháng các đội sản xuất tổ chức cân và cấp phát cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn”.
Cũng theo Thượng tá Bảo, chỉ tính từ năm 2015 đến nay, “Hũ gạo gắn kết” của đơn vị đã thu được trên 13 tấn gạo để giúp đỡ hơn 1.600 hộ còn khó khăn trong cuộc sống.
Năm 2006, Công ty TNHH một thành viên 74 triển khai thực hiện mô hình “Gắn kết hộ”, qua đó gắn kết 30 hộ người Kinh với 30 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Mục đích của sự gắn kết này là các gia đình giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, cùng nhau chia sẻ khó khăn và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Ông Siu Tới (làng Biă, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Nhờ gắn kết hộ mà công nhân làng mình và các làng khác đã vươn lên thoát nghèo. Hộ người Kinh đã giúp đỡ hộ người dân tộc thiểu số cách cạo mủ, trồng lúa, cà phê, cao su để phát triển kinh tế. Nếu không có mô hình “Gắn kết hộ” có lẽ sẽ không có nhiều người địa phương vào làm công nhân cho các công ty cao su của Binh đoàn như hiện nay”.
Nhờ mô hình này mà Binh đoàn 15 đã triển khai sâu rộng đến các đơn vị trực thuộc với hơn 4.000 cặp hộ gắn kết đứng chân trên 9 cụm tại 225 thôn, làng trên địa bàn các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum và Quảng Bình.
Nói đến Binh đoàn 15 không thể không nhắc tới phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Với phương châm: “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ công nhân người Kinh gắn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số”, các công ty, đơn vị của Binh đoàn đã kết nghĩa với 37 xã; 174 đội sản xuất kết nghĩa với 271 thôn, làng.
Tính từ năm 2015 đến nay, Binh đoàn đã huy động hơn 50.000 ngày công giúp dân phát triển kinh tế; khai hoang, phục hóa, gieo sạ 182 ha lúa nước, hỗ trợ 1.740 ngày công để cày, làm đất. Đồng thời, trích kinh phí mua 12,5 tấn phân bón để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Cùng với đó, Binh đoàn còn xây dựng đường điện trung-hạ áp và trạm biến áp trị giá 11,1 tỷ đồng; sửa chữa, làm mới 93,6 km đường giao thông với kinh phí hơn 27,5 tỷ đồng; nạo vét 31,7 km kênh mương; xây dựng 1 trường THCS, 5 nhà trẻ, 1 trường mầm non với tổng kinh phí 12,9 tỷ đồng; xây mới và sửa chữa 188 căn nhà với kinh phí 12,1 tỷ đồng; tu sửa, xây mới 9 cầu dân sinh trị giá 618 triệu đồng; hỗ trợ 211 tấn gạo giúp đỡ nhân dân trong mùa giáp hạt...
Trao đổi với P.V, Đại tá Hoàng Văn Sỹ nhấn mạnh: Các phong trào thi đua của đơn vị luôn hướng về cơ sở, tập trung vào những lĩnh vực, phần việc cụ thể để làm tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và chăm lo đời sống người dân. Thời gian tới, Binh đoàn tiếp tục phát động và đổi mới các phong trào thi đua nhằm khích lệ các tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.