Bình Dương: 100 doanh nghiệp tham gia đối thoại về pháp luật hải quan
Ngày 27/3, Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Việt Hương (Cục Hải quan Bình Dương) đã tổ chức hội nghị đối thoại hải quan - doanh nghiệp quý I/2023 với sự tham gia của đại diện hơn 100 doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.
Tại hội nghị, cơ quan hải quan đã phổ biến đến cộng đồng doanh nghiệp các quy định mới về ghi nhãn, xuất xứ hàng hóa theo Nghị định số 111/2021/NĐ-CP. Theo đó, đối với hàng hóa nhập khẩu là linh kiện, không thể hiện được các nội dung bắt buộc trên hàng hóa, thì trên bao bì thương phẩm của hàng hóa nhập khẩu phải có nhãn và nhãn phải thể hiện các nội dung bắt buộc theo quy định tại mục 2 khoản 5 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 9/12/2021.
Đối với hàng hóa xuất khẩu, việc ghi nhãn trên hàng hóa, bao bì của hàng hóa xuất khẩu được thực hiện theo quy định khoản 3 Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP thì nhãn hàng hóa xuất khẩu thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu.
Trường hợp hàng hóa xuất khẩu được sản xuất từ nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau, không xác định được xuất xứ thì trên hàng hóa, bao bì của hàng hóa xuất khẩu ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa, thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa...
Tại buổi đối thoại, đại diện Hải quan Bình Dương đã giải đáp chi tiết những ý kiến, vướng mắc của các doanh nghiệp liên quan nhiều đến ghi nhãn, xuất xứ hàng hóa.
Hải quan Bình Dương cũng lưu ý, doanh nghiệp nên tuân thủ quy định về việc ghi nhãn, xuất xứ hàng hóa để tránh bị xử phạt. Theo Nghị định số 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, liên quan đến ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu (trừ trường hợp hàng giả, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam) sẽ có mức phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 30 triệu đồng, đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Lê Văn Danh, sau buổi đối thoại này, Cục Hải quan Bình Dương tiếp tục lắng nghe, chia sẻ, đồng hành, tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề ghi nhãn, xuất xứ hàng hóa; hàng hóa xuất nhập khẩu, chính sách thuế và thủ tục hải quan… nhằm giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.