Bình Dương: bất cập trong cấp phép bến thủy ở phường Tân An
Với 4 con sông lớn chảy qua là lợi thế lớn để Bình Dương phát triển vận tải đường thủy, giảm áp lực lên công trình giao thông đường bộ. Tuy nhiên, việc cấp phép, gia hạn hoạt động các bến thủy nội địa tỉnh cũng cần tránh yếu tố bất cập như ở phường Tân An...
Đường tải trọng chỉ 10 tấn vẫn cấp phép nhiều bến thủy hàng hóa
Mới đây, báo Kinh tế & Đô thị tiếp tục nhận phản ánh từ người dân tại phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) về việc:
Hoạt động vận tải đường bộ của một số bến thủy nội địa trên địa bàn phường trong nhiều năm qua làm đường đê bao cũng là đường dân sinh trở nên xuống cấp. Mùa nắng khói bụi, mùa mưa sình lầy khiến người dân gặp không ít khó khăn khi tham gia giao thông. Thế nhưng, suốt thời gian dài doanh nghiệp chủ các bến thủy cũng như cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa có giải pháp khắc phục triệt để.
Ghi nhận của phóng viên, hiện khu vực các bến thủy nội địa hoạt động khá tấp nập, lượng lớn xe ben, xe đầu kéo ngày đêm ra vào bốc dỡ hàng hóa, phục vụ sản xuất kinh doanh.
Con đường dân sinh, đồng thời cũng là đường đê bao sông đang sử dụng chuyên chở hàng hóa là lối đi duy nhất vào khu vực các bến. Đáng chú ý, vì có tính chất đê điều nên đường chỉ cho phép xe tham gia giao thông khi xe có tổng tải trọng từ 10 tấn trở xuống.
Mặt đường xuất hiện nhiều ổ voi, ổ trâu, lúc nắng khói bụi, lúc mưa sình lầy, đúng như người dân mô tả... tất cả đang làm xấu xí bộ mặt đô thị khu vực, ô nhiễm môi trường, gây khó khăn cho người tham gia giao thông, cũng như ít nhiều ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của các hộ dân gần đó.
Theo ghi nhận, cũng như theo bản danh sách bến thủy nội địa từ cơ quan chức năng cho thấy, đoạn sông Thị Tính cặp theo đường đê bao dài hơn 1 km nhưng có tới 5 bến hàng hóa, hoặc bến hàng hóa xếp dỡ vật liệu xây dựng với quy mô lớn được cấp phép từ nhiều năm qua gồm:
3 bến hàng hóa là Nguyên Ngọc, Trang An, Đặng Nguyên Hương và 2 bến hàng hóa xếp dỡ vật liệu xây dựng là Nguyễn Phong 2, Nguyễn Phong 3.
Đến khoảng giữa năm 2023 có 3 trong 5 bến nói trên hết hạn hoạt động là Nguyễn Phong 2, Đặng Nguyên Hương và Nguyễn Phong 3. Với những bến này cần đáp ứng yêu cầu để xin gia hạn trước lúc được cấp phép hoạt động trở lại.
Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, tại Nghị định 06/2024/NĐ-CP về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, kể từ ngày 10/3/2024, hoạt động bến thủy nội địa được Sở Giao thông vận tải giao về cho UBND cấp huyện, nơi có thẩm quyền cấp phép, công bố, gia hạn lại hoạt động bến thủy nội địa.
Để tìm hiểu thông tin về đáp ứng điều kiện gia hạn của doanh nghiệp, cũng như tiến độ công tác cấp phép gia hạn của cơ quan chức năng đối với những bến thủy nội địa hết hạn, phóng viên đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo UBND thành phố Thủ Dầu Một, nhưng chưa thể kết nối.
Việc cơ quan chức năng kịp thời tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, đóng góp ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người lao động là rất chính đáng.
Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp ngoài đảm bảo yếu tố an toàn cháy nổ, an toàn lao động, trật tự xây dựng, môi trường… phía trong khuôn viên công ty, thì danh nghiệp cũng cần có ý thức tránh làm ảnh hưởng công trình giao thông công cộng, môi trường bên ngoài.
Cần một con đường khang trang, xanh - sạch - đẹp hơn
Trao đổi với phóng viên, một người dân trong khu vực cho biết: “Danh nghiệp hoạt động làm ăn tuân thủ pháp luật là chính đáng, nhưng đường xuống cấp trầm trọng trong thời gian dài, không được duy tu sửa chữa. Chưa nói tới nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông chỉ riêng khói bụi, lầy lội đã gây không ít khó khăn cho mọi người khi tham gia giao thông”.
Còn đại diện một doanh nghiệp có hoạt động bến hàng hóa với quy mô lớn nơi đây chia sẻ: “Con đường giao thông là lối duy nhất để chúng tôi chuyên chở hàng hóa ra vào bến, không còn cách nào khác nếu doanh nghiệp còn hoạt động. Mặt đường nổi đất đá, chắp vá, chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị được đầu tư kiên cố hóa, bằng ngân sách hoặc bằng tiền doanh nghiệp tự bỏ. Thế nhưng vẫn đang chờ chính quyền địa phương xem xét chủ trương”.
Để tạo bộ mặt đô thị được xanh - sạch - đẹp, để mọi người tham gia giao thông an toàn, các hộ dân trong khu vực không bị ảnh hưởng, cũng như đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, chắc chắn không còn cách nào khác ngoài đầu tư xây dựng con đường mới kiên cố hơn. Bên cạnh đó, sau đầu tư doanh nghiệp, mọi người tham gia giao thông cần chấp hành quy định an toàn giao thông đường bộ, đảm bảo an toàn công trình đê điều.
Trước đó, năm 2023 bạn đọc ở Bình Dương đã có phản ánh đến báo Kinh tế & Đô thị về hoạt động giao thông tại khu vực đê bao Tân An. Việc chở quá tải trọng đường cho phép của xe ra vào các bến thủy nội địa nơi đây gây mất an toàn, khiến đường giao thông trở nên tan nát…
Sau khi ghi nhận, thời điểm đó chuyên trang phapluatxahoi của báo Kinh tế & Đô thị có đăng tải bài phản ánh về tình trạng trên. Theo bạn đọc, sau khi bài báo đăng tải trật tự giao thông tại đây được lập lại, nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn mọi việc lại “đâu vào đấy” khiến người dân tiếp tục lo lắng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/binh-duong-bat-cap-trong-cap-phep-ben-thuy-o-phuong-tan-an.html