Bình Dương, Bình Phước: Bác sĩ kê đơn, bệnh nhân mua bên ngoài bệnh viện
Nhiều cơ sở y tế công lập tại tỉnh Bình Dương và Bình Phước tiếp tục trong tình trạng thiếu thuốc điều trị, vật tư y tế, khiến nhiều bệnh nhân được bác sĩ kê đơn nhưng phải mua thuốc bên ngoài bệnh viện để điều trị.
Ông D.V.T (42 tuổi, ngụ Bình Dương) cho biết, ông có tham gia bảo hiểm y tế, tuy nhiên quá trình điều trị phải tự mua thuốc từ bên ngoài. “Do bệnh suy thận mãn tính, tôi thường xuyên phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Mặc dù có bảo hiểm y tế, nhưng bác sĩ lại kê đơn thuốc để tôi tự ra ngoài mua. Trong đơn bác sĩ kê cho, tôi tự mua cả găng tay, dây truyền dịch, kim luồn tĩnh mạch, bơm tiêm vô trùng”, ông T. cho biết.
Tương tự, ông T.T.H (51 tuổi, ngụ Bình Dương) hiện đang điều trị tại Trung tâm Y tế TP Thuận An (Bình Dương) cho hay, ông cũng phải ra ngoài mua một số loại thuốc theo đơn của bác sĩ với lý do bệnh viện không còn thuốc. “Không chỉ riêng tôi, các bệnh nhân đang điều trị ở đây dù có bảo hiểm y tế nhưng người nhà phải bỏ tiền đi ra bên ngoài mua thuốc và không được thanh toán lại”, ông H. nói.
Nằm điều trị thận suốt 7 năm nay tại Trung tâm Y tế thị xã Phước Long (Bình Phước), ông L.T.T chia sẻ, hơn 1 năm nay, vật tư y tế thiếu, bệnh nhân phải tự mua cả băng gạc y tế, đặc biệt một số loại thuốc đặc trị dù ra ngoài mua cũng khó tìm nếu không quen biết. “Trong thời gian này, ai không may mắc bệnh phải nằm viện thì rất khổ. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra khiến tâm lý bệnh nhân bất an”, ông T. thở dài.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tiền Phong, tại tỉnh Bình Dương việc bệnh nhân phải mua thuốc bên ngoài do bệnh viện yêu cầu đã kéo dài suốt nhiều năm qua. Người bệnh mua dụng cụ y tế trong thời gian nằm điều trị với hình thức ký văn bản tự nguyện, không ép buộc.
“Nằm điều trị trong bệnh viện nhưng phải cầm đơn thuốc ra ngoài mua, tôi rất buồn. Thế nhưng, tôi không dám than phiền, mọi việc đều nghe theo sự sắp xếp của bác sĩ vì sợ ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh”, bà N.T.M. (48 tuổi, ngụ Bình Dương) đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương nói.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Phước Long (Bình Phước) thừa nhận trong tình trạng khó khăn về đấu thầu thuốc và thiết bị y tế hiện nay, bệnh viện thiếu đủ thứ. “Trước khó khăn chung, cơ số thuốc phát cho bệnh nhân cũng phải dè dặt. Với những loại thuốc đặc trị, người nhà bệnh nhân phải cầm theo đơn và liên hệ mua bên ngoài. Trong hoàn cảnh này, bệnh viện đã liên kết với cơ sở y tế ngoài công lập, điều tiết ngân sách phù hợp để mua thuốc, vật tư cần thiết”, bác sĩ Phương cho biết.
Theo bác sĩ Quách Ái Đức- Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến nguồn nguyên liệu sản xuất khan hiếm, giá hàng hóa biến động. Tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc dẫn tới chậm đấu thầu so với dự kiến. Mặt khác do tâm lý sợ sai nên có nơi không dám đấu thầu, mua sắm. “Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, Sở Y tế đã phối hợp Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội hoàn tất các thủ tục trình UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu mua sắm tập trung cho các đơn vị y tế công lập trên địa bàn giai đoạn 2022-2024. Đồng thời, Sở Y tế cũng đã tham mưu UBND tỉnh, phân cấp việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, tính toán sao cho phù hợp từng cơ sở khám, chữa bệnh”, bác sĩ Quách Ái Đức - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước nói.
Trong khi đó, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cũng thừa nhận, tình trạng thiếu thuốc tại cơ sở y tế công lập đang xảy ra, ngành y tế Bình Dương đang tổ chức đấu thầu. “Sở sẽ đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ đấu thầu mua sắm để các cơ sở y tế sớm có đủ thuốc, vật tư phục vụ khám, chữa bệnh”, bác sĩ Chín nói.