Bình Dương: Nhiều người vi phạm giao thông 'bỏ quên' phương tiện

Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do mức phạt cao hơn giá trị xe nên nhiều chủ xe, người vi phạm ở Bình Dương đã bỏ xe, không đến làm thủ tục xử phạt nhận lại

Ngày 13-9, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bình Dương, cho biết tính đến hết tháng 8-2024, số phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ trong toàn tỉnh là 37.700 phương tiện, trong đó khoảng một nửa phương tiện hết thời hạn tạm giữ.

Từ cuối năm 2023 đến nay, lực lượng công an đã tịch thu bán đấu giá 8.640 phương tiện, góp phần giải phóng mặt bằng, diện tích kho bãi tạm giữ.

Một bãi giữ xe vi phạm giao thông tại Bình Dương

Một bãi giữ xe vi phạm giao thông tại Bình Dương

Hiện tại, lực lượng công an đã ban hành quyết định tịch thu đang tổ chức thực hiện các quyết định phê duyệt xử lý tài sản là phương tiện tịch thu, thực hiện các thủ tục bán đấu giá 6.040 phương tiện.

Cùng với đó, công an các đơn vị, địa phương đã tiến hành những thủ tục giám định, thông báo vi phạm cho người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp… để ban hành quyết định tịch thu trên 13.000 phương tiện hết thời hạn tạm giữ.

Đại tá Ngô Xuân Phú, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết thông thường mỗi năm công an các địa phương sẽ tổ chức đấu giá nhiều đợt đối với các phương tiện vi phạm giao thông, số tiền này sau đó nộp ngân sách nhà nước.

Ông Phú cho biết nguyên nhân chủ yếu là do mức phạt cao hơn giá trị xe mô tô, xe máy nên nhiều chủ xe, người vi phạm bỏ xe, không đến làm thủ tục xử phạt nhận lại. Trong khi quy trình thanh lý, bán phát mại xe vi phạm cần phải qua nhiều khâu theo quy định của pháp luật, cần tốn nhiều thời gian.

Ngoài việc phải xác minh, giám định phương tiện là vô chủ, không đủ điều kiện sử dụng, Cơ quan Công an còn phải xin ý kiến của nhiều đơn vị khác nhau như khâu giám sát, thẩm định hồ sơ của Cục Hậu cần Bộ Công an sau khi thực hiện khâu giám định, xác minh nguồn gốc, đăng tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sau đó là phải thuê đơn vị độc lập thẩm định giá, tổ chức đấu giá... Chính vì vậy, thời gian để hoàn tất thủ tục thanh lý những phương tiện này phải mất từ 1 năm trở lên.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bình Dương, trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, chủ động rà soát, phân loại các phương tiện trong thời hạn tạm giữ nhưng đánh giá có khả năng người vi phạm trốn tránh, không nộp tiền phạt để tiến hành giám định, xác định giá trị phương tiện, làm cơ sở cho việc tiến hành tịch thu phương tiện.

Đồng thời, sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xác minh, mời, thông báo đảm bảo cho việc thi hành quyết định xử phạt để hạn chế tình trạng người vi phạm trốn tránh, bỏ xe, không thi hành quyết định xử phạt và giảm bớt áp lực tại các kho bãi, tạm giữ.

Thanh Thảo

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/binh-duong-ca-chuc-ngan-xe-vi-pham-giao-thong-bi-bo-quen-196240912184901273.htm