Bình Dương chi gần 540 tỷ đồng để cấp phát lương thực cho người dân trong vùng 'khóa chặt'
UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch cung cấp lương thực, thực phẩm ứng phó khẩn cấp cho người dân trong thời gian thực hiện 'khóa chặt, đông cứng' (kể từ ngày 22/8 đến ngày 6/9), với tổng số tiền gần 540 tỷ đồng.
Hôm nay (22/8), 11 phường của TP Thuận An và TX Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) bắt đầu thực hiện theo nguyên tắc “khóa chặt 24/24 giờ”, tuyệt đối không cho người dân ra khỏi nhà.
Để bảo đảm cung ứng đầy đủ lương thực cho người dân, chiều 22/8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng đã ký công văn hỏa tốc chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan đến công tác cung cấp lương thực cho người dân TX Tân Uyên và TP Thuận An trong suốt 15 ngày bị “khóa chặt, đông cứng”.
Cụ thể, tỉnh Bình Dương sẽ cung cấp lương thực, thực phẩm cho 719.048 người dân tại 11 phường bị "khóa chặt" với mức chi mỗi người sẽ được nhận 8kg gạo cho 15 ngày và số thực phẩm trị giá 50.000 đồng/người/ngày. Tổng số tiền chi trong 15 ngày gần 540 tỷ đồng.
Về gạo, Bình Dương được Chính phủ cấp 11.325 tấn gạo, trong đó, 11 phường trên địa bàn TP.Thuận An và TX Tân Uyên được xuất cấp khoảng 5.753 tấn.
Về thực phẩm, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương sẽ chủ trì, phối hợp với UBND TP.Thuận An và thị xã Tân Uyên lựa chọn các đơn vị có năng lực để cung ứng, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, quy tắc 5K… theo hình thức gói thực phẩm thiết yếu, tiện lợi, nhanh chóng, hiệu quả.
Lực lượng quân sự địa phương sẽ phối hợp lực lượng đoàn thể do UBND các phường phân công, đảm nhận nhiệm vụ phân phát đến từng hộ dân theo kế hoạch. Tổng số là 719.048 phần/người cho 11 phường theo hình thức gói thực phẩm thiết yếu, hàng thiết yếu cơ bản (gạo, thực phẩm công nghệ, gia vị, thực phẩm tươi sống, nước uống...) do đơn vị cung cấp hàng hóa thiết yếu có năng lực chuẩn bị sẵn, địa phương bố trí lực lượng, phương tiện chuyển đến người dân.
Về nước uống, UBND tỉnh Bình Dương giao Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) phối hợp lực lượng do UBND TP.Thuận An và TX Tân Uyên cung cấp 1 lần đến tay người dân.
UBND tỉnh Bình Dương cũng giao cho UBND TP.Thuận An và TX Tân Uyên xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công các phòng, ban có liên quan và UBND 11 phường để triển khai kế hoạch của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh.
Bên cạnh đó, các địa phương phải tạo điều kiện cho đơn vị cung ứng, xe hàng hóa và nhân viên bao gói sản phẩm đến điểm tập kết, giao nhận trong suốt quá trình thực hiện "khóa chặt, đông cứng".
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tại các chốt chặn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất 3 tại chỗ, 2 điểm đến, 1 cung đường trong vùng "khóa chặt, đông cứng" được vận chuyển hàng hóa lưu thông phục vụ sản xuất, xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu để đảm bảo cuộc sống của công nhân tại doanh nghiệp.