Bình Dương chú trọng hoạt động công đoàn và phong trào công nhân lao động
Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, có hàng triệu công nhân lao động từ khắp mọi nơi đến đây lập nghiệp. Tỉnh có hoạt động công đoàn và phong trào công nhân lao động là điểm sáng của cả nước.
Nhiều hoạt động hướng về công nhân lao động
Với nhiều mô hình đổi mới sáng tạo, hoạt động công đoàn tại địa phương này đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ công nhân lao động, qua đó giúp họ yên tâm lao động sản xuất và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh Bình Dương đã phát triển mới gần 200.000 đoàn viên công đoàn, thành lập mới trên 1.100 CĐCS. Đến nay, Công đoàn tỉnh Bình Dương có 16 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, trong đó có 9 LĐLĐ các huyện – thị xã – thành phố và 7 công đoàn ngành, công đoàn các khu công nghiệp và 5 đơn vị sự nghiệp trực thuộc với 3.800 CĐCS, 765.000 ĐVCĐ. Tỷ lệ đoàn viên trong các đơn vị có tổ chức công đoàn đạt trên 90%.
Cùng với sự phát triển về số lượng, chất lượng hoạt động công đoàn từng bước được nâng lên. Nhiều mô hình, phong trào, hoạt động sáng tạo được triển khai như: Chương trình “Tết sum vầy”, Chương trình “Chuyến xe Xuân nghĩa tình” gắn với các hoạt động chăm lo cho người lao động khó khăn, xa quê nhân dịp Tết Nguyên đán hàng năm; Chương trình phúc lợi đoàn viên; mô hình Quỹ hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; các hoạt động “Tháng Công nhân”, kỷ niệm ngày thành lập Tổ chức Công đoàn Việt Nam…
Công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, người lao động không ngừng được đổi mới cả về nội dung và hình thức, phù hợp với đặc điểm tình hình đời sống, nhận thức của công nhân lao động. Những kết quả đó đã góp phần xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định trong các doanh nghiệp, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh Bình Dương.
Có thể kể đến những công trình phục vụ công nhân lao động, mang dấu ấn Bình Dương như Nhà ở xã hội, với khoảng 3,9 triệu m2 sàn xây dựng, đến nay, đã đưa vào sử dụng 1,3 triệu m2 sàn xây dựng tương đương hàng chục ngàn căn hộ cho công nhân tại một số địa bàn phát triển công nghiệp như: Thủ Dầu Một, Bàu Bàng, Bến Cát…
Trung tâm văn hóa lao động Bình Dương được xây dựng tại Khu dân cư Việt– Sing (TP Thuận An), nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, hoạt động thể thao cho người dân địa phương và công nhân lao động tại các. Trung tâm rộng khoảng 2,3 ha, có tổng vốn đầu tư ban đầu là 72,8 tỷ đồng, trong đó, vốn hỗ trợ từ Ngân sách của tỉnh là 42 tỷ đồng, vốn từ ngân sách tổ chức công đoàn là 30,8 tỷ đồng. Đây là một công trình lớn nhằm phục vụ đời sống văn hóa, thể dục thể thao trong công nhân lao động và nhân dân nói chung của tỉnh Bình Dương. Sắp tới, địa phương này tiếp tục triển khai xây dựng tiếp Trung tâm văn hóa tại TP Dĩ An và huyện Bàu Bàng.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương sâu sát với hoạt động công đoàn
Có được những kết quả nổi bật trên, ngoài trí tuệ, sự đồng lòng, tận tâm của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, thì sự chỉ đạo, ủng hộ, tạo điều kiện của Tỉnh ủy Bình Dương, đặc biệt là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam là yếu tố then chốt để hoạt động công đoàn tại tỉnh Bình Dương ngày càng lớn mạnh.
Quan tâm sâu sắc tới hoạt động công đoàn và công nhân lao động, ông Trần Văn Nam luôn trăn trở làm sao để công đoàn thực sự là tổ chức hợp pháp đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, đồng thời góp phần ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.
Ông Nam cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi tổ chức công đoàn và công đoàn viên phải đổi mới nhận thức và tư duy trong tình hình mới; phải phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động tìm tòi, xây dựng nhiều mô hình mới, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh và quy định của pháp luật để thu hút và tập hợp được đoàn viên, người lao động tham gia.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn. Hoạt động công đoàn trong thời gian tới phải giảm mạnh tính hành chính hóa, nâng cao hơn nữa tính dịch vụ- hỗ trợ, nhất là tổ chức các hoạt động dịch vụ để đoàn viên, người lao động được tiếp cận và thụ hưởng.
Tập trung thực hiện những nội dung về quan hệ lao động, các hoạt động thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đoàn viên công đoàn, đặc biệt Công đoàn cần thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn trong thương lượng tập thể, đối thoại xã hội và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bền vững; phải xây dựng sức mạnh công đoàn thông qua thương lượng tập thể thành công; đối thoại xã hội phải thực chất và thực sự tạo được sức mạnh chung của tập thể người lao động để tác động có hiệu quả đến giới chủ.
Tổ chức công đoàn phải cùng với chính quyền, doanh nghiệp chăm lo tốt hơn nhu cầu văn hóa, tinh thần của công nhân lao động, thông qua việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, kết hợp với đẩy mạnh xã hội hóa để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, sinh hoạt giải trí phù hợp với nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ của người lao động.
Phối hợp với chính quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn; kịp thời kiến nghị xử lý các hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Công đoàn phải thực sự là chỗ dựa vững chắc và là cầu nối giữa quần chúng công nhân, người lao động với Đảng, với chính quyền; đây là cơ sở để khẳng định vị trí, vai trò và sự cần thiết của tổ chức công đoàn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Có thể thấy, Công đoàn tỉnh Bình Dương đang có vị trí, vai trò quan trọng cùng với các cấp chính quyền, đoàn thể của tỉnh phát huy sức mạnh của khối đại đại đoàn kết toàn dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X.