Bình Dương còn nhiều khó khăn để kiểm soát dịch COVID-19
Bình Dương hạ quyết tâm kiểm soát dịch, trở lại trạng thái bình thường mới vào đầu tháng 9. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, địa phương này đang gặp rất nhiều khó khăn.
Tình hình dịch bệnh ở Bình Dương đang ở mức báo động khi số ca mắc liên tục tăng, tỷ lệ ca mắc trên quy mô dân số đã vượt TP.HCM.
Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến ngày 18/8, Bình Dương có gần 52.500 ca mắc COVID-19 ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố, hơn 420 người tử vong. Hiện, các cơ sở y tế đang điều trị cho hơn 11.000 bệnh nhân và hơn 16.000 bệnh nhân khác đang được cách ly, theo dõi tại các cơ sở thu dung tạm thời. Bên cạnh điều trị bệnh nhân COVID-19, số bệnh nhân bị bệnh theo mùa cũng tăng, gây áp lực không nhỏ cho ngành y tế khi lực lượng y, bác sĩ quá mỏng.
Trước thực tế đó, Bình Dương liên tục đề nghị Bộ Y tế chi viện. Đến nay, đã có gần 2.000 tình nguyện viên từ các tỉnh và sinh viên trường y hỗ trợ Bình Dương nhưng chỉ có khoảng 800 người là nhân viên y tế. Con số này quá ít so với nhu cầu thực tế tỉnh này đang cần là hơn 6.000 người, trong đó cần 2.000 bác sĩ. Gần đây, một số đoàn đã trở về tiếp tục học tập, công tác nên số lượng nhân viên y tế đã thiếu nay càng thiếu hơn.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Chương-Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, nhân lực y tế quá mỏng và dàn trải ở nhiều nơi nên sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Dù nguy hiểm, mệt mỏi nhưng chưa có y, bác sĩ nào xin nghỉ việc, tất cả đều đang cố gắng để chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hiện, Sở Y tế đã chỉ đạo tất cả cơ sở y tế tư nhân phải vào cuộc.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Chương cho biết: “Sở Y tế đã yêu cầu tất cả cơ sở y tế công lập, ngoài công lập phải làm 2 chức năng vừa điều trị COVID-19 vừa khám bệnh thông thường theo quy định Bộ Y tế và không để lây nhiễm chéo. Công khai tất cả danh sách cơ sở khám chữa bệnh bệnh trong tỉnh, giờ giấc, khả năng điều trị bệnh nhân cấp cứu. Một số cơ sở y tế tư nhân đóng cửa đã kiểm tra, nhắc nhở yêu cầu mở cửa khám chữa bệnh thông thường”.
Bình Dương đang có gần 750 bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng, đây là thách thức rất lớn cho ngành y tế trong thời điểm siêu quá tải như hiện nay. Bình Dương đưa ra chiến lược điều trị cho bệnh nhân COVID-19 theo mô hình tháp “3 tầng”, tức là bệnh nhân nhẹ, trung bình và nặng được phân ra để dễ dàng theo dõi. Trường hợp, bệnh nhân có triệu chứng sẽ được điều chuyển ngay lên tầng 2, tầng 3 để giảm tỷ lệ tử vong. Bình Dương cũng mua trang thiết bị hiện đại, vận động các bác sĩ nghỉ hưu quay trở lại bệnh viện.
Việc “bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng đang chậm do năng lực xét nghiệm khẳng định RT-PCR chưa đáp ứng được nhu cầu. Bình Dương đề nghị cơ quan chuyên môn thẩm định, cấp phép cho cơ sở y tế cấp huyện và các cơ sở y tế tư nhân có năng lực xét nghiệm được công bố kết quả xét nghiệm PCR, để cùng với hệ thống y tế công lập đẩy nhanh quy trình khẳng định kết quả xét nghiệm PCR.
Để giảm áp lực, Sở Y tế Bình Dương đã có văn bản hướng dẫn cách ly F1, điều trị F0 tại nhà. Tuy nhiên cái khó của tỉnh này là số ca mắc lại rơi vào những nơi dân cư đông, sống tập trung, điều kiện nơi ở không đáp ứng theo quy định cách ly, điều trị tại nhà.
Giữ chân người lao động ở lại
Sau 1 tháng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Bình Dương tiếp tục áp dụng cho đến hết tháng 8 để làm “bàn đạp” kiểm soát dịch. Trong suốt thời gian giãn cách, lao động tự do, công nhân mất việc làm, cuộc sống khó khăn nên không ít người đã tìm cách “tháo chạy” về quê. Thuyết phục người lao động “Ai ở đâu, ở đấy”, đòi hỏi Bình Dương phải chăm lo tốt đời sống để họ không cảm thấy bị bỏ rơi.
Thời gian qua, ngoài hỗ trợ hơn 194 tỷ đồng theo Nghị quyết 68, địa phương này còn chi hỗ trợ lao động tự do, người bán vé số dạo… mỗi người 1,5 triệu đồng theo Quyết định 09 của UBND tỉnh với số tiền hơn 123 tỷ đồng. Song song đó, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang ở trọ với mức 300.000 đồng/người; hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ theo với mức 500.000 đồng/người. Bình Dương cũng đang bổ sung thêm việc hỗ trợ những công nhân chưa có hợp đồng lao động.
Thực tế, chính sách có nhưng vẫn còn chậm đến tay người lao động nghèo. Ông Phạm Văn Tuyên- Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương giải thích, do đang giãn cách xã hội nên tiền đến với các trường hợp được hỗ trợ còn chậm. Sở đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ, nhanh chóng giúp gói hỗ trợ đến tay người lao động: “Chúng tôi hướng dẫn doanh nghiệp hồ sơ qua mạng không cần tiếp xúc trực tiếp. Đối với chính sách nhà trọ mới ban hành và đang triển khai được vài ngày, cố gắng trong tháng 8 sẽ hoàn thành gói hỗ trợ nhà trọ”.
Người lao động ở lại trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp rất mong chờ được tiếp cận vaccine để đảm bảo an toàn. “Khát” vaccine là vậy nhưng số vaccine được phân bổ về cho tỉnh Bình Dương khá ít chỉ có gần 570.000 liều, trong khi đó dân số của tỉnh hơn 2,6 triệu người. Hiện, số vaccine được phân bổ đã tiêm hết cho lực lượng tuyến đầu, người dân “vùng đỏ”, công nhân ở một số doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”.
Ông Nguyễn Hoàng Thao-Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh, khi có thêm vaccine sẽ ưu tiên tiêm cho người lao động ở các khu nhà trọ trong khu vực “vùng đỏ”, công nhân tại các nhà máy đang thực hiện “3 tại chỗ” để họ yên tâm gắn bó lâu dài với tỉnh và tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực: “Về mặt lãnh đạo, quản lý nhà nước thì chúng tôi đã có một bộ phận thanh tra y tế, thanh tra nhà nước của tỉnh Bình Dương và cơ quan điều tra đi nắm tình hình này để không xảy ra tiêu cực trong phân bổ, chích vaccine”.
Với những khó khăn trước mắt, mục tiêu kiểm soát dịch vào đầu tháng 9 của Bình Dương khó thực hiện nếu không có sự chi viện, hỗ trợ từ bên ngoài./.