Bình Dương: Đảm bảo điều kiện tốt để doanh nghiệp di dời vào khu công nghiệp

Bình Dương đang thực hiện đề án di dời doanh nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp để tránh ô nhiễm môi trường, nhường chỗ cho quy hoạch đô thị hiện đại. Đằng sau chủ trương này là nỗi lo lắng, trăn trở của hàng nghìn doanh nghiệp về bài toán chi phí, nhân công và tương lai của những mảnh đất 'vàng' sau di dời.

Doanh nghiệp mong muốn tỉnh đưa ra những giải pháp "vẹn cả đôi đường", giúp doanh nghiệp "an cư lạc nghiệp" và góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của Bình Dương.

Doanh nghiệp "đứng ngồi không yên"

Theo quy hoạch, Bình Dương hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, là trung tâm kinh tế năng động, hiện đại của khu vực Đông Nam Á. Để đạt mục tiêu này, từ năm 2019, tỉnh đã triển khai đề án di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp vào các khu công nghiệp tập trung, nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và dành quỹ đất cho thương mại, dịch vụ, đô thị.

Doanh nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư, tỉnh lo ngại ô nhiễm môi trường

Doanh nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư, tỉnh lo ngại ô nhiễm môi trường

Việc di dời này có tác động đến hàng nghìn doanh nghiệp đã đầu tư từ rất lâu ở ngoài khu, cụm công nghiệp, gây ra những lo ngại không nhỏ về chi phí, nhân công và hoạt động sản xuất.

Theo ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ tỉnh Bình Dương, hiện tại, các doanh nghiệp vừa trải qua khó khăn do đại dịch Covid-19, mới tạm thời ổn định sản xuất kinh doanh nên rất lo lắng khi phải di dời vì chi phí di dời rất tốn kém, ảnh hưởng đến đời sống của công nhân lao động. Doanh nghiệp kiến nghị tỉnh xem xét, có chính sách thỏa đáng để hỗ trợ và sớm thông tin về những doanh nghiệp phải di dời.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng quan tâm đến thời hạn di dời, chính sách sử dụng đất sau di dời để họ có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc bán đất, lấy tiền di dời. Hiện tại, các địa điểm di dời ngành gốm sứ được đề xuất là Bố Lá 3 và Bố Lá 4, thuộc huyện Bàu Bàng.

Ông Tín nói thêm: "Chúng tôi mong muốn được chọn địa điểm đấu nối giao thông, mặt bằng với chi phí đầu tư tốt nhất. Bởi đa số doanh nghiệp trong Hiệp hội gốm sứ đang gặp khó khăn. Họ quan tâm đến việc đất hiện tại của họ sẽ được sử dụng như thế nào, có chính sách gia hạn chuyển đổi thổ cư hoặc cho phép bán đất, làm việc khác để có tiền di dời hay không".

Doanh nghiệp kiến nghị có chính sách hỗ trợ để yên tâm di dời

Doanh nghiệp kiến nghị có chính sách hỗ trợ để yên tâm di dời

Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội may mặc Bình Dương, cũng bày tỏ sự lo lắng tương tự. Bà cho biết doanh nghiệp rất ủng hộ chủ trương của tỉnh về việc di dời, nhưng cần có chính sách hỗ trợ cụ thể và thỏa đáng. Bà đề xuất nên thực hiện thí điểm di dời một vài doanh nghiệp trước để rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng.

Theo bà Trang, vấn đề lao động là đáng lo ngại nhất khi di dời. Vì vậy, bà mong muốn tỉnh có những chính sách hỗ trợ, chăm lo tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội để người lao động tìm đến và ở lại Bình Dương.

"Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn có sự đầu tư lâu dài từ các sở, ban ngành để người lao động tiếp tục gắn bó với Bình Dương. Chúng tôi cho rằng cần có nhiều nhà đầu tư hơn trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, sinh hoạt, giải trí. Để thực hiện điều này, các cơ quan nhà nước tỉnh cần có chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi".

Lãnh đạo tỉnh thăm, khảo sát mong muốn của doanh nghiệp, người lao động khi di dời

Lãnh đạo tỉnh thăm, khảo sát mong muốn của doanh nghiệp, người lao động khi di dời

Nhiều doanh nghiệp cũng lo ngại rằng, sau khi di dời nhà máy theo khuyến khích của tỉnh, quỹ đất “vàng” của họ vẫn chưa thể triển khai các dự án khác do vướng mắc về quy hoạch sử dụng đất. Tình trạng này gây lãng phí tài nguyên đất đai và thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp. Do đó, họ mong muốn chính quyền tỉnh sớm có quy hoạch chi tiết và tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giúp họ tận dụng hiệu quả quỹ đất sau khi di dời nhà máy.

Khuyến khích doanh nghiệp di dời

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, việc di dời các doanh nghiệp vào khu, cụm công nghiệp không phải là bắt buộc mà là sự khuyến khích. Đây là cơ hội để doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất, ổn định lâu dài và bảo vệ môi trường.

Bình Dương đầu tư thêm nhiều KCN mới để đón các doanh nghiệp di dời nhà máy

Bình Dương đầu tư thêm nhiều KCN mới để đón các doanh nghiệp di dời nhà máy

Lãnh đạo tỉnh khẳng định, các doanh nghiệp được cấp phép, thuê đất còn thời hạn và hoạt động bình thường, tuân thủ quy định về môi trường, phòng cháy, quy hoạch sẽ tiếp tục hoạt động. Chỉ những doanh nghiệp vi phạm và không thể khắc phục mới phải di dời. Trường hợp Nhà nước thu hồi đất, doanh nghiệp sẽ được bồi thường thỏa đáng.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết đây là chủ trương lớn, do đó tỉnh sẽ tiếp thu những ý kiến của các doanh nghiệp để xem xét cụ thể và có giải pháp hỗ trợ. Dự kiến sẽ có 12 chính sách hỗ trợ di dời, trong đó có 10 chính sách dành cho doanh nghiệp và 2 chính sách cho người lao động.

“Tinh thần là chúng ta cần xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động một cách hiệu quả, đồng thời đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng, chính xác. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động lập kế hoạch cụ thể, từ đó tạo sự đồng thuận và ủng hộ từ phía họ", ông Toàn nói.

Bình Dương đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các KCN mới để thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa

Bình Dương đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các KCN mới để thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa

Trước nỗi lo của doanh nghiệp, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cam kết, việc di dời sẽ có lộ trình rõ ràng, chính sách hỗ trợ cụ thể, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước.

Hiện tại, Bình Dương đã quy hoạch 8 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 5.842ha; 25 cụm công nghiệp với diện hơn 1.743ha để phục vụ di dời. Các khu, cụm công nghiệp mới đều được đầu tư hạ tầng giao thông và xã hội đồng bộ, nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, người lao động di dời.

Ông Minh nói thêm: “Tỉnh xác định tạo quỹ đất, các khu, cụm công nghiệp, lên đây sẽ được tiếp cận giá rẻ hơn giá thị trường, theo hướng tỉnh buộc nhà cung cấp hạ tầng (chủ đầu tư KCN) phải ưu đãi 15-30%, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp di dời từ phía Nam lên. Mặt khác, tạo điều kiện cho nhà đầu dời đi thì đất của họ được kế thừa quyền sử dụng đất theo quy hoạch”.

KCN Bình Đường sẽ thí điểm di dời

KCN Bình Đường sẽ thí điểm di dời

Hiện toàn tỉnh Bình Dương có khoảng 3.000 doanh nghiệp hoạt động ngoài các khu, cụm công nghiệp. Để đảm bảo quá trình di dời diễn ra thuận lợi, tỉnh đã chọn Khu công nghiệp Bình Đường (TP. Dĩ An) làm nơi thí điểm. Khu công nghiệp này có diện tích 16,5ha, với 19 doanh nghiệp và 2.000 lao động trong các ngành may mặc, giày da, giấy, gia công cơ khí.

Sau khi thí điểm, tỉnh sẽ tổ chức họp và rút kinh nghiệm, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người lao động và mục tiêu phát triển chung. Điều này giúp doanh nghiệp an tâm vượt qua giai đoạn chuyển đổi, góp phần xây dựng Bình Dương phát triển bền vững.

Thiên Lý/VOV - TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/thuong-tru-nhap/binh-duong-dam-bao-dieu-kien-tot-de-doanh-nghiep-di-doi-vao-khu-cong-nghiep-post1157028.vov