Bình Dương: Doanh nghiệp loay hoay tuyển lao động
Bên cạnh việc tự tuyển dụng tại công ty, nhiều doanh nghiệp còn chủ động kết nối với các sàn giao dịch việc làm trong tỉnh song tình hình vẫn không khả quan
Thị trường lao động đầu năm bao giờ cũng nhộn nhịp bởi các doanh nghiệp (DN) khẩn trương ổn định lao động để tập trung sản xuất - kinh doanh nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đã đặt ra. Tuy nhiên, năm nay cũng giống như những năm trước, nhiều DN ở Bình Dương vẫn loay hoay với bài toán tuyển dụng.
Nhiều cơ hội cho người lao động
Bình Dương hiện có khoảng 1,3 triệu lao động, trong đó lao động nữ chiếm gần 56%. Đầu năm 2021, các DN trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng khoảng 95.000 lao động. Bên cạnh việc tự tuyển dụng tại công ty, nhiều DN còn chủ động kết nối với các sàn giao dịch việc làm trong tỉnh song tình hình vẫn không khả quan.
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Bình Dương, khoảng 370 DN có nhu cầu đăng ký tuyển dụng với gần 38.300 lao động. Trong đó, lao động phổ thông chiếm hơn 90%; các ngành nghề thâm dụng lao động như giày da, may mặc, gỗ… tuyển số lượng lớn lên đến 1.000 người.
Chị Trần Thị Như (quê Hà Tĩnh) sau khi tìm hiểu các DN tuyển dụng lao động tại sàn giao dịch việc làm của Trung tâm DVVL tỉnh Bình Dương đã quyết định nộp hồ sơ vào một công ty may mặc trong KCN VSIP I (TP Thuận An). Theo chị Như, chế độ lương, thưởng giữa các DN cơ bản giống nhau nhưng chị chọn công ty may mặc vì bản thân đã có tay nghề sẵn.
Không được như chị Như, anh Nguyễn Văn Hải (quê Quảng Bình) lại khá chật vật với việc nộp hồ sơ xin việc. Vì đi học ban đêm, Hải buộc phải chọn những công ty không tăng ca nên việc tìm kiếm một công việc phù hợp với anh khá mất thời gian.
Có thể thấy rằng thị trường lao động đầu năm sôi động là cơ hội để người lao động (NLĐ) lựa chọn ngành nghề phù hợp và mức lương cao. "Tôi sinh con xong, giờ con lớn nên muốn tìm việc làm. Cứ ngỡ đầu năm khó tìm được công việc phù hợp nhưng đi một vòng các KCN, tôi thấy nhiều DN đang tuyển lao động, mở ra cơ hội việc làm cho nhiều người, trong đó có tôi" - chị Nguyễn Thị Dung, một người tìm việc, cho biết.
Ưu tiên lao động có tay nghề
Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Bình Dương, cho biết sau Tết nguyên đán 2021, thị trường lao động trên địa bàn có xu hướng cầu lớn hơn cung. Đa số DN đang cần tuyển lao động phổ thông với số lượng nhiều và gấp (ít nhất 10 người, nhiều nhất là 1.000 người). Đối với lao động có trình độ thì ngành kế toán là vị trí được nhiều DN tuyển dụng nhất.
Để tuyển được lao động, người phụ trách nhân sự nhiều DN đã không ngại khó, ngại khổ, thậm chí dang nắng cả ngày ngoài trời mời chào NLĐ. Đơn cử, Công ty TNHH Apparel Far Eastern VN (KCN VSIP I, TP Thuận An) đã cử từng nhóm nhân viên đi đến các KCN và khu vực có đông công nhân (CN) sinh sống để tuyển dụng. Khi tuyển được CN, công ty sắp xếp chỗ ở xong rồi cho xe đến tận nhà để đón họ. DN này còn khuyến khích CN giới thiệu bạn bè, người thân vào làm bằng những phần thưởng hấp dẫn.
Bà Phạm Thị Duyên, chủ quản cao cấp Công ty TNHH Apparel Far Eastern VN, cho biết để đáp ứng nhu cầu sản xuất, hiện DN cần tuyển dụng 1.000 CN. Tuy nhiên, do nhiều DN cũng có nhu cầu nên rất khó để tuyển đủ số lượng CN mà công ty cần.
Tại Công ty TNHH May mặc Prominent (KCN Đồng An, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), dù chỉ cần tuyển khoảng 50 lao động để bù đắp số lượng CN nghỉ việc sau Tết nhưng đến nay, DN chỉ mới tuyển được khoảng 15 người. Bà Nguyễn Thị Thảo, phụ trách nhân sự Công ty TNHH May mặc Prominent, cho hay để tuyển được lao động, công ty đã làm rất nhiều cách như đăng tin tuyển dụng, dán băng rôn, đi phát tờ rơi sáng - chiều ở các khu vực đông CN, chợ, nhà trọ, kết nối với trung tâm DVVL… nhưng vẫn không hiệu quả
Theo ghi nhận, ở các khu, cụm công nghiệp, đa phần DN đều treo bảng tuyển dụng lao động. Thậm chí, nhân viên tuyển dụng còn mang cả bàn ghế ra ngoài lề đường để "săn" lao động. Tuy nhiên, số lượng tuyển dụng được lại không như mong muốn.
Ông Nguyễn Thanh Phương cho biết để hỗ trợ việc tuyển dụng, Trung tâm DVVL tỉnh Bình Dương đã và đang tăng cường kết nối cho cả DN và NLĐ tìm việc làm. Trong đó, chú trọng quảng bá thông tin tuyển dụng đến người tìm việc bằng nhiều kênh; tăng cường người làm công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ. "Để đáp ứng tiến độ sản xuất, các DN vẫn ưu tiên cho những lao động có tay nghề và kinh nghiệm, nhất là đối với những vị trí bảo trì điện, cơ khí, CN may" - ông cho hay.
Làm tốt công tác dự báo cung - cầu
Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, để giải quyết việc làm cho NLĐ, đáp ứng kịp thời nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trên địa bàn, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đặc biệt là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, triển khai đồng bộ các giải pháp. Theo đó, Trung tâm DVVL tỉnh thường xuyên nâng cao chất lượng công tác dự báo cung - cầu lao động; tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm; tiếp tục thực hiện việc dạy nghề cho lao động nông thôn; đẩy mạnh liên kết 3 nhà; thực hiện công tác tuyên truyền chính sách pháp luật lao động của DN, bảo đảm quyền lợi và các chế độ phúc lợi của NLĐ nhằm giữ chân, thu hút nguồn lao động, đáp nhu cầu của DN.