Bình Dương: Doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận vay vốn ngân hàng
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương khó tiếp cận vốn ngân hàng vì phải có tài sản thế chấp, trong khi đó doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động phải đi thuê nhà xưởng thì không thể có tài sản thế chấp.
Ngày 22/3, gần 100 doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và ngân hàng đã tham gia Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2023 do UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh tổ chức.
Theo thông tin từ Hội nghị đưa ra, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 79 tổ chức tín dụng (TCTD), ngân hàng. Năm 2022, tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 276.000 tỷ đồng, tăng 3,53% so với năm 2021. Tổng dư nợ đạt 286.000 tỷ đồng, tăng 12,38% so với năm 2021. Nợ xấu kiểm soát 0,73% trên tổng dư nợ.
Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, tổng nguồn vốn huy động của hệ thống TCTD đạt 270.000 tỷ đồng, giảm 2,2% so với đầu năm, tăng 0,37% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ đạt 288.000 tỷ đồng, tăng 1,05% so với đầu năm, tăng 10,34% so với năm trước.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn lại đang than khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Bà Trương Thị Thúy Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh Bình Dương cho biết, các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng vì phải có tài sản thế chấp, trong khi đó DN vừa và nhỏ hoạt động phải đi thuê nhà xưởng thì không thể có tài sản thế chấp, chỉ có hình thức tín chấp mới có thể giải quyết được nguồn vốn cho họ. Thế nhưng, để vay được tín chấp là một vấn đề nan giải. Bà Liên giải thích: "Giải quyết tín chấp phải có phương án kinh doanh tốt và hợp đồng kinh tế có hiệu quả cao thì ngân hàng mới có thể cho vay được. Hiện nay với tình hình kinh tế hiện tại những phương án kinh doanh tốt rất khó thực hiện để đưa DN đến gần với ngân hàng".
Ông Nguyễn Khánh Toàn - Giám đốc Công ty điện Hoàng Ngân Phát cho rằng, NHNN đã có những nỗ lực nhất định hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, các động thái kéo giảm lãi suất vẫn chưa mang lại tác động tích cực. "Mặt bằng lãi suất hiện nay quá cao khiến DN khó giảm giá thành sản xuất, khó nâng cao năng lực cạnh tranh và mất đi nhiều cơ hội đầu tư" - ông Toàn nói.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận khách hàng của ngân hàng vẫn còn đơn lẻ, chưa bám sát địa bàn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để tăng cường thông tin đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng nhằm chia sẻ những khó khăn vướng mắc, tiếp cận tín dụng và hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.
Ông Trần Văn Trọng - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Hương kiến nghị, ngân hàng cần tăng cường kết nối, chủ động làm việc với từng doanh nghiệp để chủ động dòng tiền và cơ cấu vốn kịp thời. Doanh nghiệp có nguồn vốn sẽ có sức cạnh tranh tốt, hoạt động hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho xã hội, tạo giá trị, tạo nhiều thu nhập, đóng thuế Nhà nước. Hệ thống ngân hàng cũng có lợi khi giảm nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng.
Trước chia sẻ của một số doanh nghiệp, ông Võ Đình Phong - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương cho biết, sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng về chương trình hỗ trợ lãi suất của Chính phủ; chủ động phối hợp tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - DN; đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ lãi suất.
Đặc biệt, tăng cường bám sát, tiếp cận sâu khách hàng; hướng dẫn cụ thể các chính sách tháo gỡ khó khăn, các quy định pháp luật, quy định nội bộ; giải quyết kịp thời các phản ánh, khó khăn, vướng mắc của khách hàng. Những quy định của pháp luật, quy định nội bộ ngân hàng không phù hợp sẽ đề xuất kiến nghị giải quyết kịp thời.
Các ngân hàng sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền tiếp thị, triển khai, đẩy mạnh các chính sách cho vay, gói sản phẩm cho vay, dịch vụ mới nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ. Đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng nhưng vẫn phải phù hợp quy định pháp luật và đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.
NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp các chi nhánh tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài tránh né, không thực hiện chính sách chung về tháo gỡ khó khăn. Mở đường dây nóng để lắng nghe, tổng hợp ý kiến chung của người dân, doanh nghiệp để xử lý kịp thời.