Bình Dương gắn phát triển công nghiệp với đô thị

Những năm gần đây, Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển khu công nghiệp (KCN) thế hệ mới, gắn với phát triển đô thị, nâng cao mức sống người dân và từng bước tạo dựng những đô thị xanh, hiện đại, thông minh.

Chuyển hướng phát triển KCN

Với số lượng KCN tập trung đông và có tới hơn nửa triệu người lao động từ nhiều tỉnh thành tới sinh sống, làm việc, tỉnh Bình Dương được ví như “thủ phủ công nghiệp” của cả nước, góp phần đổi thay các vùng đất phía Nam như TP Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một, tỷ lệ đô thị hóa cũng thuộc tốp dẫn đầu cả nước (theo quy hoạch, đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa của Bình Dương đạt 87%, đến năm 2030 là khoảng 90%…).

Trong thời gian gần đây, lãnh đạo tỉnh chủ trương chuyển đổi mô hình sang phát triển KCN thế hệ mới, cùng đó là dịch chuyển các KCN từ khu vực phía Nam lên phía Bắc tỉnh, cải tạo và nâng chất đô thị, hình thành không gian phát triển mới ở các huyện mới thành lập. Tiêu biểu cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng là việc hình thành dự án “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương” (Binh Duong Innovation Region), đang được xem là bước đi mang tính đột phá, tạo nền tảng để tỉnh chuyển dịch từ phát triển công nghiệp thâm dụng lao động sang mô hình kinh tế tri thức, công nghệ cao, thu hút các ngành công nghiệp 4.0 và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Từ đó, các doanh nghiệp “đại bàng xanh” đã rót vốn hàng trăm triệu đến hơn tỷ USD vào vùng đất này, như nhà máy của Tập đoàn Lego (Đan Mạch, đầu tư hơn 1,3 tỷ USD)…

Tạo các vùng không gian động lực

Có thể nói, với tầm nhìn “đầu tư hạ tầng đi trước một bước”, những năm qua tỉnh Bình Dương đã dành phần lớn nguồn lực để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường huyết mạch (như quốc lộ 13), xây dựng mới các tuyến tạo lực (như tuyến Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng), Mỹ Phước - Tân Vạn, cùng đó là các tuyến đường Vành đai 3, 4 TPHCM, đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa… Ngoài ra, các tuyến đường nội đô và liên vùng được đầu tư bài bản đã giúp Bình Dương hình thành các khu đô thị hiện đại như thành phố mới Bình Dương, Thuận An, Dĩ An, tạo tiền đề trở thành đô thị loại I vào năm 2030 trên cơ sở tổ chức khoa học và khai thác hiệu quả các vùng không gian phát triển.

Trong quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bình Dương hình thành 3 vùng không gian động lực: Vùng động lực 1 từ đường Vành đai 3 TPHCM xuống phía Nam; vùng động lực 2 từ đường Vành đai 3 TPHCM đến đường Vành đai 4 TPHCM; vùng động lực 3 từ đường Vành đai 4 TPHCM lên phía Bắc và 2 hành lang sinh thái phía Đông dọc sông Đồng Nai, hành lang sinh thái phía Tây dọc sông Sài Gòn để phát triển bứt phá; tích hợp đầy đủ các nguồn lực phát triển (vị trí địa kinh tế và vị thế, tính trội và duy nhất, hệ thống hạ tầng, năng lực cạnh tranh, tiềm năng liên kết, tạo lực hút và kết nối, huy động tối đa nguồn nội lực kết hợp hài hòa với chuyển hóa hiệu quả nguồn ngoại lực...). Phát triển các không gian động lực trọng điểm này theo các cụm ngành ưu tiên dựa trên cấu trúc: Không gian phát triển mở; không gian phát triển hạn chế; không gian bảo tồn; không gian phát triển hạ tầng kỹ thuật và logistics. Nhờ hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư đồng bộ đã giúp tỉnh thu hút được tập đoàn lớn như Tokyu (Nhật Bản), Aeon Mall, VSIP..., tạo cú hích cho phát triển kinh tế và nâng tầm diện mạo đô thị.

Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Bùi Minh Trí cho biết, về thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025, tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng với mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 10,5%, GRDP bình quân đầu người đạt trên 198 triệu đồng/người; tổng thu ngân sách đạt trên 13% so với cùng kỳ năm 2024, kim ngạch xuất - nhập khẩu phấn đấu tăng trên 10%/năm… UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ rà soát xem xét ban hành cơ chế đặc thù, tạo “luồng xanh” trong cơ chế để cho các địa phương tận dụng các cơ hội sẵn có sớm hướng đến những mục tiêu, định hướng rõ ràng đã được Bộ Chính trị đặt ra tại Kết luận số 123-KL/TW và Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.

XUÂN TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/binh-duong-gan-phat-trien-cong-nghiep-voi-do-thi-post793441.html