Bình Dương: Hướng đến trung tâm logistics hàng đầu vùng Đông Nam Bộ
Nhờ vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cùng với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông và logistics, Bình Dương đang từng bước trở thành trung tâm logistics quan trọng của khu vực. Với hệ thống cảng cạn, trung tâm logistics hiện đại và mạng lưới giao thông kết nối xuyên suốt, tỉnh không chỉ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong nước mà còn hướng tới thị trường quốc tế.

Bình Dương xác định đưa ngành Logistics phát triển mang tính kết nối Vùng. (Ảnh minh họa)
Hạ tầng đồng bộ – Động lực phát triển logistics
Là tỉnh có nền công nghiệp phát triển và là địa phương thuộc top đầu cả nước về thu vốn đầu tư trong và ngoài nước. Điều này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics của Bình Dương phát triển khá nhanh về cả số lượng lẫn chất lượng.
Trong những năm qua, hạ tầng logistics Bình Dương liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp. Các dịch vụ cung cấp khá đa dạng và hiện đại đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của doanh nghiệp trong tỉnh và khu vực.
Cụ thể, về mặt hạ tầng logistics, Bình Dương đã hình thành hệ thống các trung tâm dịch vụ logistics tương đối hoàn chỉnh, cung cấp dịch vụ đạt mức độ 3PL và 4PL. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 15 trung tâm logistics phục vụ cho hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp; và thực hiện chức năng phân phối hàng hóa đến các tỉnh/thành phố trong khu vực và xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.
Cùng với đó, Bình Dương có 5 cảng thủy nội địa đang khai thác hàng hóa và 9 cảng thủy được quy hoạch đang trong giai đoạn làm thủ tục đầu tư. Hệ thống cảng thủy đã và đang dần phát huy vai trò, lợi thế trong việc cắt giảm chi chí, thời gian vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Đặc biệt là góp phần giảm áp lực đối với hệ thống giao thông đường bộ, tăng tính kết nối vùng giữa Bình Dương và các tỉnh/thành phố trong khu vực.
Về hệ thống đường sắt, Bình Dương hiện có 1 tuyến đường sắt quốc gia Bắc-Nam vào đến ga Sài Gòn. Đoạn đi qua địa bàn tỉnh dài 8,6km với 2 nhà ga Sóng Thần và Dĩ An. Nhà máy toa xe lửa Dĩ An với diện tích khoảng 200.000m2 và hiện có 17 đường với sức chứa trên 350 toa xe, 5 kho chứa hàng, trong đó 1 kho hàng lẻ với tổng diện tích 2.500m, hàng năm vận chuyển và xếp dỡ trên 1 triệu tấn hàng hóa tuyến Bắc - Nam…

Với những lợi thế của mình, hệ thống hạ tầng logistic của Bình Dương được đầu tư khá đồng bộ, đáp ứng cơ bản cho phát triển. (Ảnh minh họa)
Về vận tải hàng hóa đường bộ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, chiếm trên 95% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa toàn tỉnh. Đến nay Bình Dương đã hình thành hệ thống giao thông đường bộ hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch bao gồm cả hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ cấp Quốc gia và hạ tầng giao thông đường bộ cấp tỉnh.
Ngoài ra, Bình Dương còn có các Cảng cạn, ICD như: Cảng cạn An Sơn, cảng cạn Bình Hòa, cảng cạn TBS Tân Vạn Dĩ An, cảng cạn Thạnh Phước, cảng cạn Tân Uyên, cụm cảng cạn Bến Cát… góp phần mạnh mẽ vào phát triển ngành dịch vụ logistic cho tỉnh.
Bà Đinh Huỳnh Thái Linh, Chủ tịch Hiệp hội Logistic tỉnh Bình Dương nhận định, Bình Dương có vị trí đặc biệt quan trọng trong chuỗi vận chuyển khi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hạ tầng được chú trọng phát triển khá đồng bộ và toàn diện. Trong đó, hệ thống các trung tâm logistics, cảng thủy nội địa, hệ thống kho - bãi... được quy hoạch xây dựng phát triển hợp lý, có khả năng kết nối với các cảng biển, cảng sông, nhà ga, sân bay quốc tế trong khu vực. Bên cạnh đó, chính quyền Bình Dương xem logistics là một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn trong chiến lược phát triển của tỉnh và tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp.
"Hiện nay Bình Dương có trên 5.800 doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics. Trong đó, có khoảng 62 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ logistics tại các khu, cụm công nghiệp. Chúng tôi đã làm việc với nhiều doanh nghiệp đặc biệt những thành viên trong Hiệp hội Logistic, lắng nghe những chia sẻ, vướng mắc để tham mưu cho tỉnh trong công tác lập chính sách. Một trong những điểm rất tốt mà Hiệp hội nhận thấy chính là công tác chuyển đổi số và chuyển đổi xanh của doanh nghiệp trong thời gian qua rất nhanh, đáp ứng nhu cầu của sự phát triển… Đây là bước đệm rất quan trọng để đón sóng đầu tư, thúc đẩy dịch vụ chuyên nghiệp chất lượng cao, đặc biệt là ngành logistics", bà Đinh Huỳnh Thái Linh cho biết.
Hướng tới phát triển ngành logistic mang tính kết nối Vùng
Trong Kế hoạch phát triển dịch vụ Logistics đến năm 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của mình, tỉnh Bình Dương đã đặt ra những mục tiêu để phát triển. Đồng thời, xác định phát triển ngành Logistic với các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn
Trong đó, giai đoạn đến năm 2025 – 2026, 100% trung tâm lớn sẽ đạt cấp độ trên mức 5PL. Hình thành hệ thống các cảng trên sông kết nối với tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cảng container cửa khẩu quốc tế. Mở rộng và phát triển hệ thống vận tải đường sắt thành một trong những ga liên vận hàng hóa quốc tế, đầu mối giao thông vận tải và xếp dỡ hàng hóa quy mô lớn ở khu vực phía Nam.

Đến 2050, dịch vụ logistics trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn, là yếu tố động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương. (Ảnh minh họa)
Giai đoạn 2027 – 2030, Bình Dương trở thành trung tâm vệ tinh của khu vực Đông Nam Bộ, là nơi tập kết hàng hóa, các dịch vụ logistics phục vụ cho hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp. Hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Phát triển mới các trung tâm logistics, cảng cạn hiện đại, chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong khu vực và xuất nhập khẩu.
Giai đoạn 2031 – 2040, các khu, cụm công nghiệp tại thành phố Thuận An, Dĩ An định hướng chuyển đổi mô hình sang khu vực kinh doanh dịch vụ logistics, dịch vụ đô thị, nhà ở xã hội và nhà ở thương mại. Trong đó, định hướng kêu gọi chủ đầu tư chuyển đổi công năng sang mô hình trung tâm kinh doanh dịch vụ kho vận chuyển logistics của tỉnh...
Giai đoạn 2041 – 2045, phát triển các khu đô thị, dịch vụ mới tại Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Dĩ An, Thuận An, tạo dư địa để từng bước tái phát triển khu vực đô thị hiện hữu, dịch chuyển các hoạt động logistics Vùng lên khu vực dọc Vành đai 3, Vành đai 4 - vùng Thành phố Hồ Chí Minh…
Giai đoạn 2046 – 2050, phối hợp với các chương trình phát triển của quốc gia, của Vùng Đông Nam Bộ và các địa phương lân cận, thực hiện mở rộng các kết nối về giao thông, đặc biệt là các kết nối tới cảng biển, cửa khẩu quốc tế, thành lập 02 Khu thương mại tự do (FTZ) cấp vùng tại thành phố Dĩ An và huyện Bàu Bàng. Đưa dịch vụ logistics trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn, là yếu tố động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Cũng theo bà Đinh Huỳnh Thái Linh, trong chiến lược phát triển ngành logistic của tỉnh giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2050. Ngành logistics Bình Dương hướng đến liên kết vùng, thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Định hướng tỉnh sẽ trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực; đưa dịch vụ logistics trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn, là yếu tố động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
“Bán sát quy hoạch phát triển logistic của tỉnh, Hiệp hội đã làm việc với các doanh nghiệp để tận dụng tối đa các lợi thế, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong logistic. Đồng thời, đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp logistics tham gia vào hệ sinh thái chuyển đổi số. Những vấn đề nổi bật về công nghệ như AI, thúc đẩy an ninh mạng, quản trị dữ liệu lớn sẽ gắn kết với chiến lược thúc đẩy nghiệp vụ logistics hiệu quả nhằm tăng hiệu quả sản xuất và giảm chi phí giá thành sản phẩm từ các khu công nghiệp tại Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung có là vấn đề quan trọng của chúng tôi”, bà Đinh Huỳnh Thái Linh chia sẻ.