Bình Dương: Ít việc, nhiều công nhân khăn gói về quê dù chưa đến Tết
Gần đây, một số doanh nghiệp ở Bình Dương thực hiện giảm lao động, giảm giờ làm, bố trí lao động nghỉ luân phiên hoặc thỏa thuận với người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, trên địa bàn tỉnh hiện có 240.000 lao động bị giảm giờ làm; trong đó có 28.000 lao động bị mất việc do bị “đứt gãy” chuỗi cung ứng.
Rất nhiều công nhân khăn gói về quê sớm trước Tết, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sản xuất cuối năm.
Trước tình hình trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã có văn bản chỉ đạo “nóng” yêu cầu các sở, ban, ngành, ban quản lý các khu công nghiệp khẩn trương tìm giải pháp để ổn định việc làm cho người lao động, duy trì đà sản xuất trong những tháng cuối năm tại "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương.
"Thủ phủ công nghiệp" vắng dần công nhân
Theo ghi nhận tại dãy phòng trọ của anh Nguyễn Văn Châu, phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, một nửa số phòng trọ đang trống phòng do công nhân nơi đây thất nghiệp về quê.
Tại nhiều khu nhà trọ khác trên địa bàn thị xã Tân Uyên cũng có tình trạng người lao động khăn gói, trả phòng về quê sớm dù còn 2 tháng nữa mới đến Tết.
Anh Nguyễn Ngọc Hải, quản lý khu nhà trọ phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, cho biết khu này có 30 căn phòng trọ, hiện chỉ còn cho thuê được 10 phòng, nhiều công nhân trả phòng về quê. Hồi đầu năm, cả khu trọ náo nhiệt nhưng nay thì buồn thiu.
Khu nhà trọ của bà Phan Anh Đào, ở phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An có 28 phòng cho thuê nhưng công nhân đã trả 11 phòng để về quê sớm.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, chị Đinh Thanh Tuyền (ở Bình Dương) than thở đã thất nghiệp 3 tháng nay. Sau khi công ty cắt giờ làm, yêu cầu nghỉ việc tạm thời không có lương, chị phải bươn chải kiếm sống bằng việc bán hàng rong trên phố.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết một số doanh nghiệp bị tác động xấu bởi tình hình thế giới đã phải áp dụng nhiều biện pháp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Có doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm, giảm lao động và quy mô sản xuất. Các doanh nghiệp gặp khó khăn nên chỉ hoạt động 30-50% công suất. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng chủ yếu là lĩnh vực dệt may, da giày, ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu.
Cụ thể, từ đầu năm đến cuối tháng 10, đã có khoảng 28.000 lao động phải tạm ngưng hợp đồng lao động, khoảng 240.000 người bị giảm giờ làm. Đặc biệt, tính đến hết tháng 10/2022, trên địa bàn tỉnh có khoảng 70.000 lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Ông Phạm Văn Tuyên cho biết: "Trước mắt, Sở đang chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức tiếp nhận và giải quyết tốt việc hỗ trợ thất nghiệp cho người lao động theo quy định pháp luật; đồng thời thông qua việc chi trả hỗ trợ bà con thất nghiệp, chúng tôi cũng tư vấn cho người lao động tìm việc làm mới, đảm bảo thực hiện tốt các vấn đề tiền lương và phúc lợi cho người lao động khi Tết sắp về."
Theo ghi nhận của phóng viên tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, có một doanh nghiệp đăng ký cần tuyển dụng về các lĩnh vực như cơ khí, gỗ, may quần áo, sản xuất tủ bảng điện ngay trong tháng 11 năm 2022. Tuy nhiên, số lượng vị trí việc làm mới cần tuyển giảm mạnh so với các dịp Tết vừa qua.
Theo ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, tính đến cuối tháng 11, các doanh nghiệp hoạt động tại nhiều khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn lai rai tuyển dụng lao động. So với mọi năm, thị trường giao dịch việc làm "ảm đạm" do sức hút từ các nhà máy sản xuất có phần giảm nhiệt.
Ông Phương cho biết hiện các doanh nghiệp vẫn đang duy trì ổn định sản xuất, tuy nhiên do đơn hàng không nhiều nên bắt buộc phải giảm giờ làm, giảm việc của công nhân. Nhìn chung, thị trường lao động đang gặp khó khăn, báo hiệu tình hình sản xuất cũng gặp không ít thách thức.
Giữ chân lao động, duy trì đà sản xuất
Việc thiếu đơn hàng, phải cắt giảm giờ làm đang xảy ra quanh các khu công nghiệp nhưng có những doanh nghiệp vẫn "tung" các gói chính sách sẵn sàng chia sẻ khó khăn với người lao động. Doanh nghiệp vẫn trả một phần lương cơ bản cho người lao động đủ sống trong những ngày giãn việc để giữ chân công nhân ở lại Bình Dương.
Cụ thể, Công ty trách nhiệm hữu hạn Chí Hùng (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) chuyên về sản xuất giày da đang sử dụng gần 8.000 lao động. Hiện nay, công ty đã thảo luận với người lao động ngừng việc 8 ngày/tháng kéo dài trong 3 tháng, gồm tháng 11 và 12/2022 và tháng 1/2023. Trong thời gian này, công nhân vẫn được trả lương trong những ngày ngừng việc là 180.000 đồng/ngày/người.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty giày da Chí Hùng cho biết do doanh nghiệp tuyên truyền đến từng tổ công đoàn và hầu hết công nhân nắm bắt thông tin nên mọi người đồng thuận, chia sẻ khó khăn bớt với doanh nghiệp.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Shyang Hung Cheng (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) - nơi đang có hơn 8.500 công nhân làm việc trong ngành giày da xuất khẩu cũng đang gặp cảnh tương tự do đứt gãy đơn hàng. Công ty đã giảm giờ làm bình quân 6 ngày/tháng; trong đó có một số bộ phận bị cắt giảm việc làm nhiều hơn, từ 10-20 ngày/tháng. Tuy nhiên, để duy trì chính sách giữ chân người lao động, công ty đã trả cho công nhân 196.000 đồng/ngày nghỉ cho người lao động.
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết trước việc công nhân mất việc làm do khó khăn của các nhà máy, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cũng đã gửi danh sách gần 30 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng gần 10 ngàn lao động để công nhân có nhu cầu xem xét, ứng tuyển vào đơn vị phù hợp, trong đó có những đơn vị tuyển dụng với số lượng lớn từ 500 đến hơn 2.000 công nhân lao động từ này đến Tết.
Tìm giải pháp ổn định việc làm
Trước tình trạng một số doanh nghiệp giảm giờ làm, cắt giảm lao động khiến công nhân khăn gói về quê khi Tết chưa đến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp thực hiện các biện pháp ổn định quan hệ lao động, tại việc làm, duy trì đà sản xuất trong những tháng cuối năm.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, gần đây xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp thực hiện giảm lao động, giảm giờ làm, bố trí lao động nghỉ luân phiên hoặc thỏa thuận với người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương. Thời gian tới, cần đảm bảo về việc làm, chính sách phúc lợi cho người lao động; hạn chế đến mức thấp nhất phát sinh các vụ ngừng việc, tranh chấp liên quan đến việc thực hiện pháp luật lao động.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương phối hợp với các ngành, địa phương và Liên đoàn Lao động tỉnh hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật lao động.
Đặc biệt, phải đảm bảo thực hiện các quy định về trả lương trong thời gian ngừng việc theo quy định tại Điều 99 Bộ Luật Lao động. Không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật dẫn đến người lao động bức xúc, xảy ra tranh chấp lao động tập thể không đúng quy định.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cũng chỉ đạo tăng cường kết nối cung cầu lao động, thông qua việc giải quyết chính sách trợ cấp thất nghiệp cho người lao động; tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm mới cho người lao động theo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn, hạn chế thấp nhất người lao động bị thất nghiệp.
Bên cạnh đó, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện đúng các chế độ liên quan đến chính sách lao động, bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương yêu cầu Ban quản lý Khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân các địa phương kịp thời báo cáo về Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để phối hợp giải quyết; phối hợp với Liên đoàn Lao động hướng dẫn doanh nghiệp duy trì các hình thức thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc.
Cùng với đó, ông Võ Văn Minh đề nghị các ngành thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động tốt nhất; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm đơn hàng sản xuất nhằm góp phần ổn định việc làm cho người lao động, duy trì năng lực sản xuất của các nhà máy.
Bình Dương hiện có 28 khu công nghiệp tập trung. Nguồn vốn FDI rót vào Bình Dương đạt gần 40 tỷ USD, tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, dệt may, giày da, đồ gỗ và điện, điện tử xuất khẩu, giải quyết hàng triệu việc làm cho người lao động.
Lũy kế đến ngày 31/10/2022, Bình Dương đứng thứ hai cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh) về thu hút FDI với 4.053 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, chiếm hơn 9,3% tổng vốn FDI cả nước.
Về kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương trong 10 tháng đạt gần 29 tỷ USD, tăng 9,5%, nhập khẩu đạt 21 tỷ USD; qua đó duy trì thặng dư thương mại 8 tỷ USD.
Hiện "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương đang thu hút gần gần 1,5 triệu người lao động./.