Bình Dương lên kế hoạch di dời các khu công nghiệp
Mới đây, Sở Công Thương Bình Dương đã có thông tin về kế hoạch, lộ trình di dời các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh
Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định về phê duyệt Đề án “Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương”. Trong đó, việc di dời sẽ thực hiện từ năm 2020 - 2030.
Về số lượng doanh nghiệp phải di dời, chuyển đổi công năng là 2.900 nhà máy theo đề án được phê duyệt tại Quyết định số 3210/QĐ-UBND ngày 31/10/2019 của UBND tỉnh đến nay không còn phù hợp với tình hình thực tế. Nguyên nhân là do quá trình phát triển, những năm qua đã có nhiều nhà máy xí nghiệp đã tự chuyển đổi công năng, di dời và đổi mới công nghệ. Chính vì vậy, cần xem xét, đánh giá lại một cách chi tiết, cụ thể phù hợp với tình hình hiện nay.
Đại diện Sở Công Thương cũng cho biết, tinh thần của Tỉnh Bình Dương đó là trong thành phố thì vẫn có doanh nghiệp được phép hoạt động sản xuất công nghiệp và việc hoạt động sản xuất đó phải đảm bảo yêu cầu về quy hoạch phát triển của tỉnh, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Do đó, việc xây dựng chính sách di dời và chuyển đổi công năng phải đảm bảo các yêu cầu như: Đảm bảo sự đồng thuận, phục vụ hài hòa lợi ích theo thứ tự ưu tiên: người lao động, doanh nghiệp, nhà nước và đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Trong giai đoạn này, các cơ quan tham mưu mới đang tiến hành dự thảo việc xây dựng Tiêu chí xác định các doanh nghiệp di dời, chuyển đổi công năng. Sau khi Tiêu chí xác định các doanh nghiệp di dời, chuyển đổi công năng được ban hành sẽ tổ chức rà soát, xem xét đánh giá để xác định đối tượng và danh sách các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải chuyển đổi công năng, di dời. Từ đó, mới xác định được số lượng cụ thể các doanh nghiệp phải chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn các thành phố phía Nam của tỉnh.
Để thực hiện được việc di dời, chuyển đổi công năng các cơ sở sản xuất công nghiệp trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ như: Xây dựng được tiêu chí xác định các doanh nghiệp di dời, chuyển đổi công năng; xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ di dời, chuyển đổi công năng đối với các doanh nghiệp, người lao động; định hướng các khu, cụm công nghiệp phục vụ di dời.
Cùng với đó, triển khai thí điểm thực hiện di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam vào các khu, cụm công nghiệp (thực hiện với các doanh nghiệp tự nguyện đăng ký); tổng kết đánh giá kết quả triển khai thí điểm, rút kinh nghiệm; sau đó triển khai thực hiện chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp theo lộ trình.
Về định hướng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phục vụ di dời, Sở Công thương cho biết tỉnh Bình Dương đã quy hoạch 8 khu công nghiệp diện tích khoảng 5.842 ha và 25 cụm công nghiệp diện tích khoảng 1.743ha.
Ngoài ra, trên địa bàn các huyện phía Bắc (Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo), ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì hạ tầng xã hội đi kèm như nhà ở cho công nhân, hạ tầng giao thông, dịch vụ y tế, trường học… sẽ được tỉnh quy hoạch và đầu tư.
Được biết, quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được trình và chờ Chính phủ phê duyệt. Sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt, tỉnh Bình Dương mới tiến hành các bước đi cụ thể để tổ chức thực hiện có kế hoạch và lộ trình phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động - doanh nghiệp và Nhà nước. Đồng thời, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương. Các bước đi và lộ trình thực hiện sẽ thông tin một cách đầy đủ để tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện.