Bình Dương: Ngôi chợ trăm tuổi trong lòng người dân 'đất Thủ'
Chợ Thủ Dầu Một (Bình Dương) - trung tâm kết nối giao thương được hình thành từ hàng trăm năm về trước trên vùng đất 'đắc địa' ven sông Sài Gòn.
“Ai về chợ Thủ bán hủ bán ve
Bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu…”
Chợ Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương là trung tâm kết nối giao thương sầm uất bậc nhất vùng đất Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Trải qua bao nốt thăng trầm của thời gian, ngôi chợ vẫn còn giữ nguyên vẹn hồn cốt giá trị văn hóa - kiến trúc cổ xưa. Nhìn xa xa, dáng hình chợ giống như một con tàu lớn đang mạnh mẽ vươn mình ra khơi, là biểu tượng của sự phát triển, là chứng tích lịch sử không thể phai mờ trong ký ức mỗi người dân "đất Thủ".
Chợ Thủ trong ký ức người dân
Nói về nguồn gốc của ngôi chợ trăm tuổi này, cụ bà Cao Lành (70 tuổi, trú tại phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), một tiểu thương bán hàng quần áo tâm tình: “Khi tôi còn bé thì đã có chợ này rồi. Tên gọi đầy đủ là chợ Thủ Dầu Một, người Bình Dương chúng tôi hay có thói quen gọi chợ với tên gọi rất mộc mạc là chợ “Thủ”, hay chợ “Đất Thủ” - cái tên thân mật, gần gũi và gắn liền với tên địa danh của thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương ngày nay”.
Theo lời kể của các bậc cao niên gốc bản địa cùng với sự ghi nhận của phóng viên, chợ Thủ Dầu Một được xây dựng từ năm 1828, với kiến trúc hình chữ nhật, mái vòm. Nhìn xa xa, dáng hình chợ giống như một con tàu lớn đang mạnh mẽ vươn mình ra khơi. Nét đặc biệt nhất, bên trong lòng không gian của khu chợ Đồng Hồ (thuộc khuôn viên chợ Thủ Dầu Một) không có bất cứ cây cột trụ nào như ở nhiều chợ truyền thống khác. Sử sách ghi lại rằng, lúc khởi nguồn chợ Thủ Dầu Một được gọi là chợ Phú Cường.
Năm 1889, huyện Bình An, tỉnh Thủ Dầu Một (ngày nay là thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) được thành lập, chợ Phú Cường trở thành chợ tỉnh Thủ Dầu Một. Từ đó, cái tên chợ “Thủ” hay chợ “Đất Thủ” đều được đi vào trong thơ ca, hò vè của người dân miền Đông Nam Bộ xưa.
Vào những năm người Pháp kéo đến xâm chiếm toàn bộ vùng đất “Nam kỳ lục tỉnh”, nhận thấy việc đầu tư vào chợ có lợi rất lớn nên thực dân Pháp đã cải tạo lại toàn bộ chợ này, kiến trúc chợ tuy được mô phỏng theo kiểu các ngôi chợ truyền thống cổ xưa ở đất nước Pháp nhưng vẫn còn giữ nguyên vị trí của chợ từ thuở sơ khai.
Chợ được xây dựng theo kiểu hình chữ nhật gồm ba căn nhà tách biệt nhau: Căn nhà đầu tiên được xây dựng một trệt một lầu, được gọi là khu Thương Xá, phân chia thành nhiều sạp bày bán các mặt hàng như: Vải sợi, quần áo, đồ trang sức…; căn nhà thứ hai được gọi là khu nhà ngang, nằm ở giữa khuôn viên chợ. Khu nhà này chuyên phục vụ các loại dịch vụ ăn uống; phía sau là căn nhà dài, có tháp đồng hồ cao sừng sững. Trên ngọn tháp được gắn đồng hồ tứ phía và một lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Khu này được gọi là khu chợ Đồng Hồ, chuyên buôn bán các mặt hàng đồ khô như: Cá khô, tôm khô, mực khô…
Với vị trí nằm trên vùng đất ven sông Sài Gòn, thuận lợi cho việc kết nối giao thương với người dân ở các vùng miền khác như TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ bằng đường bộ, đường thủy. Chợ Thủ Dầu Một xưa thường được bày bán các loại ghe, thuyền hay các sản phẩm thủ công truyền thống như: Hũ, nồi, bộ đồ chè, cối đâm tiêu… Bởi vậy, trong kho tàng văn hóa nghệ thuật của người dân đất Thủ xưa mới có câu vè được truyền miệng đến ngày nay:
“Ai về chợ Thủ bán hủ bán ve
Bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu…”
Cụ Nguyễn Thị Hòa (78 tuổi, trú tại phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), tiểu thương bán hàng vải chợ Thủ Dầu Một thuộc rất nhiều câu ca vè về chợ Thủ. Cụ kể: “Duyên nợ đã đưa tôi đến đây sinh sống từ khi bắt đầu dìa (về) làm dâu ở vùng đất này. Tôi gắn bó với chợ từ lúc thời trẻ tới giờ cũng đã ngót hơn nửa đời người rồi. Ngày xưa, chợ chỉ chuyên bán các loại đồ thủ công mỹ nghệ, ghe thuyền là bởi vì ở vùng đất nhỏ bé này có rất nhiều làng nghề, nhiều thợ mộc danh tiếng về ngành nghề chạm khắc, đục đẽo, đan lát… Các sản phẩm của họ làm ra chỉ đem ra chợ bán phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân nơi đây và các vùng lân cận”.
“Nhờ buôn bán nơi chợ Thủ nên cũng đủ trang trải cuộc sống sinh hoạt cho cả gia đình. Các con tôi đều được học hành đến nơi đến chốn. Bởi vậy, tình cảm và sự gắn bó gần gũi với ngôi chợ này đã ngấm sâu vào trong máu thịt, khó có thể phai mờ trong ký ức của tuổi trẻ”, cụ Nguyễn Thị Hòa chia sẻ.
Chợ Thủ Dầu Một ngày nay không chỉ là nơi trung tâm buôn bán sầm uất với nhiều loại mặt hàng “sản vật” từ các vùng miền quê trong và ngoài tỉnh Bình Dương như: Măng cụt Lái Thiêu; bưởi Bạch Đằng hay bánh tằm Củ Chi; bánh lọt, bánh bò vùng miền Tây sông nước… mà còn là địa chỉ thu hút nhiều bạn trẻ, nhiều nhiếp ảnh gia đổ về săn ảnh làm kỷ niệm.
Giữ gìn nét đẹp của ngôi chợ truyền thống
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chợ Thủ Dầu Một dường như sôi động, tấp nập hơn. Hai bên đường vào chợ được bày bán đèn lồng, tranh thần tài rực rỡ sắc đỏ, không khí Tết càng thêm đến gần.
Bà Nguyễn Kim Phụng, một người dân sinh sống gần chợ Thủ, chia sẻ: “Thời buổi công nghiệp hóa, cuộc sống văn minh hiện đại, siêu thị mọc lên như nấm, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn trong việc mua sắm. Với riêng tôi, tôi vẫn thích đi chợ truyền thống vì nó có chút gì đó rất gần gũi, gắn bó với cuộc sống hàng ngày của mình: Giản dị, chân chất, toát lên bản sắc văn hóa, phong tục của mỗi vùng miền, phản ánh cuộc sống của mỗi gia đình”.
Nắng chiều hoàng hôn lấp lánh nhuộm tím mặt nước, những luồng gió mát rượi từ sông Sài Gòn thổi lại đã xua tan cái nóng hầm hập của mùa khô ở miền đất phương Nam, những ánh đèn điện từ các gian hàng bán quần áo, giày dép… chiếu sáng khắp khu chợ Thủ Dầu Một khi về đêm đã thu hút nhiều gia đình công nhân lao động từ các khu công nghiệp, nhiều đôi trai gái cũng hò hẹn nhau về đây dạo chơi, mua sắm trong phiên chợ đêm.
Tại quán bún mắm miền Tây trong khuôn viên chợ, chị Nguyễn Thị Hường (phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) vừa cho con ăn bún vừa trò chuyện: “Cả ngày đi làm mệt mỏi, nhà tôi dù ở cách xa chợ Thủ chừng vài chục cây số nhưng thi thoảng tôi đưa con cái đến chợ đi dạo thư giãn tinh thần. Đến đây không chỉ được hưởng thụ không khí mát mẻ, được ngắm sông Sài Gòn về đêm lung linh sắc màu mà còn được thưởng thức các món ăn mới lạ ở các vùng miền quê khác, mình càng hiểu biết thêm văn hóa ẩm thực của mỗi vùng miền”.
Anh Kiều Tấn Tài (quê Cà Mau), chủ quán phở bò, chợ Thủ Dầu Một cười vui tâm sự: “Hàng ngày tôi bắt đầu mở quán phục vụ khách từ 4 rưỡi chiều đến 10 giờ đêm. Trừ những ngày trời mưa, bình quân mỗi ngày tôi bán được hơn 200 tô phở. Bình Dương trong tôi là nơi “đất lành chim đậu”. Nhờ bám trụ mưu sinh ở vùng đất này đã giúp tôi có nguồn thu nhập ổn định. Cuộc sống không còn khó khăn, chật vật như ở dưới quê nên tôi quyết định ở lại an cư lạc nghiệp nơi vùng đất này”.
Theo dòng chảy của thời gian, các chợ truyền thống chịu tác động mạnh mẽ từ yếu tố nhu cầu tiêu dùng, văn minh thương mại hiện đại. Dù vậy, chợ truyền thống vẫn là bộ phận không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân, mỗi gia đình trong toàn xã hội.