Bình Dương: Những ngả đường... kẹt cứng
Hàng loạt dự án nâng cấp, mở rộng đường ở Bình Dương giậm chân tại chỗ khiến nhiều tuyến đường quá tải trầm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến người dân, doanh nghiệp
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bình Dương, nếu như những năm về trước, câu chuyện kẹt xe, ùn ứ còn khá xa lạ với địa phương này, thì 2 năm trở lại đây, lại là chuyện thường ngày và dần trở thành nỗi ám ảnh. Trong các tuyến đường huyết mạch bị ùn tắc, thì đường ĐT 743, 747, 742; Mỹ Phước - Tân Vạn; Quốc lộ 13... là nghiêm trọng nhất.
Ùn tắc bất chấp giờ giấc
Trong suốt 2 ngày có mặt ở đường ĐT 743 (đoạn qua phường An Phú, TP Thuận An), chúng tôi ghi nhận ùn tắc xảy ra liên tục bất kể là giờ cao điểm hay thấp điểm. Anh Lê Anh Hựu, người dân kinh doanh trên tuyến đường này, nói hầu như ngày nào phương tiện giao thông cũng phải xếp hàng rồng rắn trên con đường này. "Có ngày kẹt xe hàng giờ, các phương tiện phải nhích từng chút một để di chuyển. Xe tải rồi container lấn hết làn đường của xe máy khiến người đi xe máy phải leo lên vỉa hè để chen ra khỏi điểm ùn tắc. Vì vậy, tuyến đường này được người dân hay gọi là cung đường "tử thần" hay con đường "đau khổ" vì thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng" - Anh Hựu ngao ngán và mong các cơ quan chức năng sớm cứu con đường. "Không riêng người tham gia giao thông mà người dân hai bên đường chúng tôi khổ lắm rồi. Ùn tắc kéo theo bao hệ lụy, nhất là kinh doanh buôn bán ế ẩm vì có ai dám vào cung đường ùn tắc ăn uống hay mua bán đâu" - Anh Hựu than vãn.
Một tuyến đường khác cũng trở thành nỗi ám ảnh của người dân là ĐT 742. Đây là tuyến đường huyết mạch nối từ TP Thủ Dầu Một đi qua KCN VSIP II-A mở rộng, hướng về huyện Phú Giáo đi lên Bình Phước và một số tỉnh Tây Nguyên. Con đường thường xuyên dày đặc xe tải, xe container, xe khách nhưng có đoạn lòng đường chỉ khoảng 7 m. Cũng chính vì đường quá nhỏ, xe lưu thông nhiều nên tình hình giao thông diễn ra hết sức phức tạp, khiến xảy ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc. "Đường hẹp, xe ùn tắc cứ thoáng chút là tài xế phi nên tai nạn diễn ra nhiều. Đi trên con đường này bằng xe máy cứ giống như đánh đu với số phận" - chị Hà (người dân ở thị xã Tân Uyên) cho biết. Chị nói ao ước lớn nhất của chị và nhiều người là con đường sớm được nâng cấp, mở rộng.
Tương tự, trên Quốc lộ 13 (đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương), suốt từ đầu năm đến cuối tháng 4-2022, Báo Người Lao Động liên tiếp nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ùn tắc giao thông. Những ngày này, cư dân sinh sống hai bên đường Mỹ Phước - Tân Vạn không ngớt lời than phiền về tình trạng con đường thường xuyên quá tải khiến mọi hoạt động bị ảnh hưởng.
Ùn tắc giao thông không chỉ là nỗi ám ảnh của người dân trong sinh hoạt, đi lại mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, cho biết ban đầu khi về đầu tư tại Bình Dương, đa phần doanh nghiệp rất hài lòng vì hạ tầng giao thông thông thoáng, di chuyển dễ dàng. Bà Liên dẫn chứng, trước đây đi từ TP Dĩ An theo đường Mỹ Phước - Tân Vạn lên TP Thủ Dầu Một chỉ mất 15-20 phút, còn bây giờ có khi mất đến 3 giờ. "Ùn tắc giao thông ở Bình Dương đang ngày càng trầm trọng, điều này đã làm ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp. Ngoài chi phí nhiên liệu tăng, có những lô hàng chậm thời gian đến cảng phải rớt tàu (hàng không lên được tàu) gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp" - bà Liên bức xúc nói và cho rằng việc mở rộng đường Mỹ Phước - Tân Vạn hay những tuyến đường huyết mạch khác ở Bình Dương là việc vô cùng cấp bách.
Đẩy nhanh hàng loạt dự án
Ông Nguyễn Tấn Thy, Bí thư - Chủ tịch UBND xã Phú Chánh, thị xã Tân Uyên, cho biết qua tiếp xúc với người dân, ai cũng mong dự án nâng cấp và mở rộng đường ĐT 742 đoạn qua địa bàn được thực hiện sớm.
Theo tìm hiểu, các tuyến đường trên đã có chủ trương đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn mãi ì ạch. Điển hình, dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT 742 (đoạn qua thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên) được triển khai từ năm 2019 đến nay vẫn chưa đâu vào đâu. Lý giải về nguyên nhân chậm trễ này, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương, cho biết công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đang là rào cản rất lớn đối với các dự án mở rộng đường, vì vậy tỉnh đang gấp rút gỡ khó để đẩy nhanh thực hiên các dự án. Bằng chứng là ngày 26-4 vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Tổng Công ty Becamex IDC tổ chức lễ động thổ dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 từ 6 làn xe lên 8 làn xe để kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương và khu vực trong giai đoạn mới.
Riêng đối với đường Mỹ Phước - Tân Vạn, tỉnh Bình Dương cũng đang đẩy nhanh dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường; sửa chữa tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đoạn từ Km0+0.00 - Km26+170; thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng sửa chữa hằng năm; trùng tu; đại tu cho hạng mục giao thông, cây xanh, chiếu sáng, vệ sinh. Đặc biệt, để giải tỏa áp lực giao thông cho các tuyến đường tỉnh Bình Dương đang gấp rút triển khai thực hiện đường Vành đai 4 TP HCM. Tuyến đường có tổng chiều dài 199 km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 48,3 km. "Với tuyến đường này, tỉnh Bình Dương đã chủ động đầu tư được khoảng 26,64 km. Hiện nay, Bình Dương đã chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư 22,1 km còn lại của đường Vành đai 4 bằng nguồn vốn hỗn hợp" - lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Dương thông tin.
Cần xử nghiêm xe chạy giờ cấm
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương, trước mắt để giảm thiểu ùn tắc, kẹt xe, địa phương đã chủ động phân luồng giao thông, cấm xe tải và xe container lưu thông vào các giờ cao điểm. "Tuy nhiên, phải thừa nhận việc tuân thủ các quy định về cấm lưu thông đối với xe tải và xe container hiện đang bị xem nhẹ, bởi gần đây, nhiều phương tiện đã bất chấp quy định. Vì vậy, tôi đề nghị CSGT tăng cường xử lý những phương tiện này. Nếu làm mạnh thì tôi tin tình trạng ùn tắc giao thông sẽ giảm" - ông Nguyễn Hữu Tuấn nói.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/binh-duong-nhung-nga-duong-ket-cung-20220509205800975.htm