Bình Dương nỗ lực kéo giảm số ca mắc, giảm tỷ lệ tử vong vì COVID-19
Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 phát hiện trong cộng đồng và số ca tử vong tại Bình Dương đang có chiều hướng giảm. Đây là một tín hiệu vui khi công tác dập dịch đang được thực hiện với rất nhiều giải pháp mạnh, nhằm đưa tỉnh trở lại trạng thái 'bình thường mới'.
Bóc tách F0 khỏi cộng đồng
Là một trong những địa phương có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất tỉnh Bình Dương, những ngày qua với quyết tâm bóc tách F0 khỏi cộng đồng, thành phố Dĩ An đã tăng cường lực lượng triển khai xét nghiệm sàng lọc diện rộng. Tại 4 phường đang “đông cứng, khóa chặt” là Dĩ An, An Bình, Tân Đông Hiệp và Đông Hòa, sau nhiều ngày xét nghiệm, số ca mắc đã giảm dần. Sau khi xét nghiệm, những “điểm xanh” được khoanh vùng, phong tỏa làm “bàn đạp” thu hẹp vùng đỏ. Song song với xét nghiệm, thành phố Dĩ An tiến hành tiêm vaccine để tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch cho người dân và kiểm soát chặt các cửa ngõ ra vào địa bàn.
Ông Phạm Văn Bảy- Phó Chủ tịch UBND thành phố Dĩ An cho biết, để người dân yên tâm “ai ở đâu ở yên đấy”, Dĩ An đã hỗ trợ nhu yếu phẩm và thành lập nhiều đội phản ứng nhanh chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Song song đó, Dĩ An quyết tâm không để xảy ra tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”.
Ngoài Dĩ An, thành phố Thuận An và thị xã Tân Uyên cũng đang “đông cứng, khóa chặt” 11 phường và quyết tâm thực hiện nhanh việc bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Sau khi phát hiện, lực lượng chức năng đã đưa các trường hợp nghi ngờ đi cách ly tập trung tại các khu cách ly, thu dung tạm thời để chờ xét nghiệm khẳng định PCR. Cũng nhờ đó, sau nhiều lần rà soát, số ca mắc COVID-19 qua xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng tại thành phố Thuận An và thị xã Tân Uyên những ngày gần đây giảm mạnh.
Ông Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhận định, đầu tháng 9, số F0 phát hiện quá nhiều nên sau khi test nhanh một số địa phương đã cho về nhà chờ xét nghiệm PCR. Hiện nay, tất cả trường hợp nghi ngờ đã được tách ra khỏi cộng đồng nếu không đảm bảo điều kiện được cách ly y tế tại nhà. Tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ các cơ sở thu dung F0, không để xảy ra tình trạng F0 ở nhà trọ, nơi không đảm bảo.
Ông Nguyễn Hoàng Thao cho biết: “Đối với F0, dứt khoát không để lại nhà trọ vì nơi đây không đảm bảo điều kiện, nếu để lại thì sẽ trở thành một nguồn lây mới. Các tuyến tỉnh, huyện đang tổ chức lại khu điều trị, gom lại để cho F0, mặc dù chật chội nhưng còn hơn để họ ở nhà trọ”.
Tỷ lệ tử vong thấp
Mặc dù, số ca mắc COVID-19 của tỉnh Bình Dương rất cao so với tỷ lệ dân số, nhưng số ca tử vong thấp và được Bộ Y tế đánh giá là thấp nhất trong cả nước. Cụ thể, tính đến ngày 8/9, Bình Dương có gần 141.800 ca mắc COVID-19 nhưng số ca tử vong chỉ chiếm 0,85 %, tức là 1.210 người.
Để kéo giảm tỷ lệ tử vong, Bình Dương áp dụng giải pháp chăm sóc kỹ các ca F0 tại nhà, đưa y tế xuống tận khu phố, ấp. Làm được điều này, các địa phương đã thành lập thêm trạm y tế lưu động tại các phường. Đây là lực lượng giúp xử lý kịp thời các tình huống bất ngờ ngay tại tuyến dưới, không để bệnh nhân trở nặng mà thầy thuốc không được biết.
Suốt 15 ngày hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người dân ở phường An Phú, thành phố Thuận An, Trung úy, bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) nhận định, đây là địa bàn “vùng đỏ đậm đặc” nên tình hình dịch bệnh rất phức tạp. Mỗi ngày, đội tiếp nhận 40-60 cuộc gọi cấp cứu của bệnh nhân. Cả đội xác định, dù khó khăn, nguy hiểm phải cố gắng chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân:
Bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng cho biết: “Với tinh thần trách nhiệm cao nhất có thể, chúng tôi sẵn sàng cấp cứu nhanh nhất, hỗ trợ kịp thời nhất để ngăn chặn bệnh nhân chuyển nặng và hạn chế tối đa tỷ lệ diễn biến nặng cho bệnh nhân”.
Về công tác điều trị, Bình Dương cũng đã sớm áp dụng mô hình “tháp 3 tầng” và có hệ thống điều phối, chuyển viện hợp lí. Đối với F0 nhẹ, không triệu chứng ở tầng 1, bệnh nhân trung bình và bệnh nền ở tầng 2, trở nặng được chuyển lên tầng 3. Hệ thống điều phối này đã góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, giúp lực lượng y, bác sĩ có điều kiện chăm sóc bệnh nhân nặng.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương- Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, để kéo giảm tỷ lệ số ca tử vong, với sự hướng dẫn của Bộ Y tế, Bình Dương đã sử dụng thuốc kháng đông, kháng viêm cho bệnh nhân từ rất sớm. Trong thời gian tới, để giảm mức độ lây lan dịch, cũng như không còn bệnh nhân COVID-19 tử vong, Bình Dương xác định việc tiêm vaccine là rất quan trọng.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương khẳng định: “Chỉ khi nào tất cả được tiêm vaccine, có độ bao phủ cao thì lúc đó mới cơ bản khống chế được dịch bệnh trong cộng đồng, giảm tỷ lệ tử vong, mau chấm dứt giãn cách xã hội trở lại cuộc sống bình thường mới. Thời gian tới, chúng tôi sẽ huy động mọi nguồn vaccine của Bộ y tế phân bổ về cho tỉnh”.
Hiện tại, Bình Dương có 4 địa phương “vùng xanh”, 1 “vùng vàng” và 4 “vùng đỏ”. Bình Dương đặt mục tiêu ngày 15/9 cơ bản kiểm soát dịch bệnh, trở về trạng thái “bình thường mới”. Để đạt mục tiêu này, Bình Dương đang đẩy mạnh mô hình “Mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sĩ” trên mặt trận chống dịch” để huy động mọi nguồn lực tham gia dập dịch./.