Bình Dương: Phối hợp chăm lo tốt hơn cho người lao động

Ngày 5-9, UBND tỉnh Bình Dương và LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị ký kết quy chế phối hợp công tác, giai đoạn 2024-2026.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương chủ trì hội nghị, cùng tham dự có lãnh đạo Sở Tư pháp; Ban Quản lý các KCN tỉnh; Sở LĐ- TB- XH tỉnh, Sở VH- TT- DL tỉnh; Sở Tài chính tỉnh và cán bộ Công đoàn các cấp ở Bình Dương.

Chủ động giải quyết tranh chấp lao động

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết với sự phối hợp, hỗ trợ của UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh thời gian qua, tổ chức Công đoàn Bình Dương đã làm tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động tại doanh nghiệp.

UBND tỉnh Bình Dương và LĐLĐ ký kết quy chế phối hợp giai đoạn 2024-2026

UBND tỉnh Bình Dương và LĐLĐ ký kết quy chế phối hợp giai đoạn 2024-2026

Ông Cao Văn Chóng, Phó Giám đốc Sở VH- TT- DL tỉnh Bình Dương cho biết các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao trên địa bàn cơ bản đáp ứng nhu cầu giải trí, hưởng thụ văn hóa cho người lao động, với các hoạt động đa dạng, phong phú, có thể kể đến như giải bóng đá công nhân; hội thi tiếng hát công nhân lao động, cùng với đó nhiều đơn vị trên địa bàn cũng tổ chức các hội thao, hội diễn văn nghệ..., thu hút đông đảo người lao động tham dự.

Ông Chóng cho rằng thời gian tới các hoạt động này cần phải được tổ chức quy mô, bài bản hơn nữa, nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho người lao động trong các doanh nghiệp.

Liên quan đến tình hình tranh chấp lao động, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ- TB- XH tỉnh Bình Dương nhìn nhận, thời gian qua các đơn vị trong tỉnh đã có sự phối hợp nhịp nhàng để bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động. Ông Tuyên dẫn chứng vụ việc công nhân Công ty Cổ phần Hoàng Sinh (phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một) đình công yêu cầu doanh nghiệp trả lương, nếu các cơ quan chức năng không có sự chủ động, khéo léo thì vụ việc có thể sẽ rất phức tạp.

Ông Phạm Văn Tuyên phát biểu tại hội nghị

Ông Phạm Văn Tuyên phát biểu tại hội nghị

"LĐLĐ tỉnh cùng với Sở LĐ- TB- XH; Ban Quản lý các KCN tỉnh và lực lượng công an thành lập Đoàn công tác, thường xuyên trao đổi thông tin, kể cả tục trực suốt đêm tại doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư của công nhân lao động, động viên, nhắc nhở người lao động tuân thủ pháp luật, nhờ đó tình hình sớm ổn định"- ông Tuyên cho hay.

Trong khi đó, ông Trương Văn Phong, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho rằng, Bình Dương là địa phương có rất đông doanh nghiệp, việc công nhân đình lãn công là điều không thể tránh khỏi, thời gian qua các cơ quan cấp tỉnh đã làm tốt công tác phối hợp, tuy nhiên để công tác này đạt hiểu quả tốt hơn, cần có sự phối hợp nhịp nhàng hơn nữa từ chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp trú đóng.

Ông Lê Nho Lượng, Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh cũng đặt ra 3 vấn đề liên quan đến công tác phối hợp giữa các đơn vị để chăm lo tốt hơn cho người lao động, đó là giám sát chặt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại các doanh nghiệp; Quan tâm đến thể lực của người lao động và giáo dục nghề nghiệp tại Trường Trung cấp nghề và nghiệp vụ Công đoàn Bình Dương.

Nỗ lực để kéo người lao động đến với Bình Dương

Ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết theo nội dung ký kết, trong thời gian tới, hai bên sẽ tăng cường phối hợp để đẩy mạnh tham gia góp ý xây dựng pháp luật, soạn thảo các văn bản địa phương và các chính sách xã hội có liên đến quyền, lợi ích của đoàn viên công đoàn, người lao động...

Phối hợp xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ lao động nữ di cư có thêm điều kiện để ổn định cuộc sống gia đình, đặc biệt chính sách thuê mua nhà giá rẻ, các thiết chế văn hóa, giáo dục, để có điều kiện chăm sóc con cái; phối hợp nắm bắt kịp thời và giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn trong công nhân lao động.

Ngoài ra, Công đoàn thực hiện quyền kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên Công đoàn, người lao động. Phối hợp tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đối thoại và giải quyết các kiến nghị, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động...

Ông Nguyễn Lộc Hà đề nghị các sở ngành phối hợp chặt chẽ với LĐLĐ tỉnh Bình Dương trong các lĩnh vực để giải quyết tốt các vụ việc liên quan

Ông Nguyễn Lộc Hà đề nghị các sở ngành phối hợp chặt chẽ với LĐLĐ tỉnh Bình Dương trong các lĩnh vực để giải quyết tốt các vụ việc liên quan

Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, là địa phương phát triển công nghiệp, nên kéo theo lực lượng lao động ngoài tỉnh đến tỉnh sinh sống và làm việc khá cao, "Hiện địa phương có khoảng 3 triệu người, chưa kể lực lượng lao động từ TP HCM đến Bình Dương làm việc và lực lượng lao động người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại tỉnh khoảng hơn 30.000 người"- ông Hà thông tin. Theo ông Hà, làm sao nâng cao chất lượng người lao động, tiếp tục thu hút lực lượng này ở lại Bình Dương thì tổ chức Công đoàn phải vững mạnh và được củng cố.

Về lĩnh vực thể dục - thể thao, ông Hà đề nghị Sở VH- TT- DL tỉnh nghiên cứu những môn thể thao phù hợp với điều kiện lao động, điều kiện kinh tế, gầy dựng thành phong trào trong các nhà máy, xí nghiệp, xây dựng được nền tảng thể thao cơ bản.

Liên quan đến tình hình tranh chấp lao động, ông Hà cho biết đây là điều không tránh khỏi, do vậy các đơn vị trong tỉnh một mặt tuyên truyền trong chủ doanh nghiệp, mặt khác phải vận động, nhắc nhở người lao động thực hiện quyền của mình nhưng không vi phạm pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu các sở ngành, địa phương xem lại quy chế phối hợp. "Khi xảy ra tranh chấp, trách nhiệm đầu tiên phải là Chủ tịch UBND tại địa phương đó, liệu thời gian qua đã thực hiện đúng chức năng của mình hay chưa?"- ông Hà nói.

Nắm bắt tâm tư, tình cảm công nhân

Đối với những vấn đề khác như công tác phát triển tổ chức ngoài Công đoàn có nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, ông Hà lưu ý các đơn vị cần nắm bắt tâm tư, tình cảm của anh chị em công nhân để có những giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra giám sát bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng cho người lao động. Đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam quan tâm, hoặc tính toán cơ chế giao về cho địa phương để Trường Trung cấp nghề và nghiệp vụ Công đoàn hoạt động hiệu quả, đảm bảo mục tiêu cuối cùng là đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh

Bài và ảnh: Thanh Thảo

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/binh-duong-phoi-hop-cham-lo-tot-hon-cho-nguoi-lao-dong-196240905110042652.htm