Bình Dương: Quy hoạch sẽ là 'kim chỉ nam' để phát triển toàn diện
Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu phát triển toàn diện, trở thành trung tâm phát triển năng động, công nghiệp dịch vụ hiện đại, đô thị xanh, là khu vực vững chắc về quốc phòng - an ninh và hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.
Quy hoạch để xây dựng và phát triển
Mục tiêu quy hoạch là xây dựng và phát triển tỉnh Bình Dương cùng các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam Bộ trở thành vùng động lực tăng trưởng quan trọng của quốc gia, đồng thời thúc đẩy và lan tỏa phát triển với các địa phương trong vùng. Theo đó, đến năm 2030 tỉnh Bình Dương sẽ trở thành trung tâm phát triển năng động, toàn diện, là trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; là khu vực vững chắc về quốc phòng - an ninh và hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế. Đồng thời, đưa Bình Dương vượt bẫy thu nhập trung bình, trở thành tỉnh có thu nhập cao vào năm 2030.
Tỉnh Bình Dương kỳ vọng đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm khoảng 10%; GRDP bình quân khoảng 15.800 USD/người. Bên cạnh đó, Bình Dương cũng định hướng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng sẽ chiếm 64%, ngành dịch vụ chiếm 28%, ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 1-2% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6% và tỷ lệ đô thị hóa đạt 88 - 90% trong cơ cấu kinh tế của toàn tỉnh.
Tiếp đến, năm 2050 tỉnh Bình Dương trở thành vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển cũng như có nền kinh tế phát triển bao trùm, hài hòa giữa các khu vực.
Chiến lược toàn diện
Để đạt được mục tiêu đề ra, trong giai đoạn 2021 – 2030, Quy hoạch tỉnh Bình Dương đề ra 6 đột phá nhằm duy trì tăng trưởng và thực hiện kịch bản phát triển, đó là: Hoàn thành hạ tầng giao thông kết nối vùng; triển khai đồng bộ đô thị thông minh; xây dựng vùng đổi mới sáng tạo; thiết lập chính sách và phương án tái định cư; xây dựng chiến lược thương mại điện tử xuyên biên giới; xây dựng tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp – đô thị - dịch vụ.
Cùng với đó là 5 chiến lược tích hợp gồm: Hợp tác phát triển vùng; đổi mới hệ sinh thái phát triển; phát triển xã hội, con người; phát triển xanh; tổ chức không gian phát triển. Trong đó, cấu trúc phát triển Bình Dương - vùng đổi mới sáng tạo gồm: trục phát triển; hành lang sinh thái; vành đai liên kết; trung tâm động lực; phân vùng phát triển.
Song song đó, Quy hoạch Bình Dương cũng đề ra 36 chương trình hành động. Trong đó Bình Dương xác định được 8 chương trình “đặc biệt ưu tiên” sẽ tập trung nguồn lực, triển khai sớm như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp; phát triển đô thị theo định hướng lấy giao thông công cộng làm trung tâm (TOD) và thúc đẩy chuyển đổi phương thức đi lại; phát triển mạng lưới không gian xanh; phát triển mạng lưới vận tải hàng hóa và logistics; phát triển khu phức hợp Bàu Bàng; phát triển Khu đô thị thông minh, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế; sắp xếp lại không gian đô thị phía Nam.
Phát triển đô thị cũng là mục tiêu quan trọng trong Quy hoạch, toàn tỉnh Bình Dương có khoảng 17 đô thị gồm: 5 thành phố (Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên), 01 thị xã Bàu Bàng, huyện Dầu Tiếng (thị trấn Dầu Tiếng, đô thị Long Hòa, đô thị Thanh Tuyền, đô thị Minh Hòa), huyện Bắc Tân Uyên (thị trấn Tân Bình, Tân Thành, đô thị Bình Mỹ, đô thị Tân Lập), huyện Phú Giáo (thị trấn Phước Vĩnh, đô thị An Bình, đô thị Tam Lập). Quy hoạch đề ra mục tiêu, đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 88%, dân số thành thị khoảng 3,58 triệu người (dân số toàn tỉnh khoảng 4,06 triệu người); phát triển các khu vực đô thị theo tiêu chí đô thị loại I, đáp ứng các điều kiện thành lập quận trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai.
Bên cạnh những mục tiêu kinh tế, đô thị thì các chuyên gia đề nghị Bình Dương cần chú trọng đến các công trình an sinh xã hội cho người dân, môi trường và không gian định cư cho người lao động, nhất là quy hoạch nhà ở xã hội. Các yếu tố tác động đến môi trường đầu tư, phát triển vật liệu xây dựng, nguồn lao động chất lượng cao, năng lượng sạch, cấu trúc không gian đô thị, quy hoạch trên cao, tăng cường phủ xanh cho các đô thị. Các giải pháp kinh tế tuần hoàn, zero carbon, hạ tầng xanh, năng lượng tái tạo, từ đó tạo nên đặc thù trong phát triển của Bình Dương.
Theo ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò rất quan trọng đến phát triển trong tương lai của Bình Dương. Các hành động chiến lược, tích hợp, đột phá với cách hành động riêng của Bình Dương, tiếp tục là động lực cơ bản để Bình Dương phát huy các lợi thế, vượt qua thách thức, kết hợp với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ trở thành hình mẫu phát triển về đô thị hóa và công nghiệp hóa của Quốc gia. Đồng thời là điểm đến hấp dẫn, uy tín của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia, người lao động trong nước và quốc tế.