Bình Dương sẽ có... 'Làng thông minh'

Đó là thông tin mà PV Báo CAND vừa được ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên (Bình Dương) cho biết.

“Kế hoạch thực hiện đề án xây dựng “Làng thông minh” đã được UBND tỉnh phê duyệt về mặt chủ trương. Sau khi đề án xây dựng “Làng thông minh” được thông qua, ngay trong quý 3 năm nay, chúng tôi sẽ dồn sức triển khai. Trong giai đoạn 2021 – 2023, chúng tôi sẽ đầu tư hạ tầng. Sang giai đoạn 2023 – 2025, địa phương sẽ gắn với phát triển chuyển đổi số. Hiện xã Bạch Đằng là xã Nông thôn mới (NTM) nâng cao. Theo kế hoạch phấn đấu, cuối 2025, Bạch Đằng sẽ đạt xã NTM trong đó có làng thông minh”, ông Đoàn Hồng Tươi thông tin thêm.

Người dân xã Bạch Đằng thu hoạch lúa.

Người dân xã Bạch Đằng thu hoạch lúa.

Chúng tôi tìm đến xã Bạch Đằng. Đây là xã cù lao được bao bọc bởi sông Đồng Nai, nơi này đất đai màu mỡ, cây cối xanh tươi quanh năm. Đây là địa phương còn giữ được không gian làng quê yên bình của Bình Dương do ít bị tác động bởi sự phát triển “nóng” của công nghiệp, không có nhà máy sản xuất và nước thải công nghiệp. Người dân địa phương chủ yếu sống thuần nông trồng lúa, trồng rau, cây ăn trái, đánh bắt cá tôm…

Theo kế hoạch thực hiện thí điểm xây dựng “Làng thông minh”, trên địa địa bàn xã Bạch Đằng sẽ là nơi tập trung nhiều sáng kiến liên quan đến công nghệ, nông nghiệp, việc làm, nâng cao năng suất lao động cho người dân nông thôn; sự gắn kết của cộng đồng, y tế, giáo dục, năng lượng, xử lý rác thải, khu vực đáng sống, bảo vệ môi trường, xanh, sạch...

Trong tương lai gần, đây sẽ là nơi đáng sống, thân thiện thiên nhiên môi trường, vừa là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, phát triển du lịch sinh thái, trở thành một biểu tượng xanh cho Bình Dương. Đây cũng là tiền đề hướng đến xây dựng xã NTM thông minh, nhằm đảm bảo xây dựng NTM gắn với quá trình phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, đảm bảo hài hòa các hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa (bản sắc riêng).

Theo ông Đoàn Hồng Tươi, năm 2021 bắt đầu triển khai xây dựng một số mô hình điểm trên địa bàn xã Bạch Đằng. Trong đó về hạ tầng tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn trên địa bàn xã, chú trọng phát triển hệ thống giao thông gắn với cải tạo cảnh quan môi trường, đảm bảo ANTT.

Tiếp tục rà soát, đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn xã, kết nối đồng bộ với các đô thị Tân Uyên, Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), đảm bảo sự gắn kết giữa xây dựng NTM với phát triển đô thị xanh. Trong đó, ưu tiên ứng dụng công nghệ mới phát triển hệ thống giao thông gắn với cải tạo cảnh quang, môi trường sống cho nhân dân. Ứng dụng hệ thống chiếu sáng hiện đại (đèn Led tiết kiệm năng lượng hoặc đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời).

Lắp đặt camera an ninh ở các nút giao thông quan trọng của địa bàn để tăng cường giám sát an ninh trên địa bàn xã; phát triển hệ thống cây xanh ở các tuyến đường giao thông. Đến năm 2025, có trên 80% đường giao thông do xã quản lý được lắp đặt hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, có hệ thống cây xanh hai bên đường, 100% nút giao thông quan trọng đều được lắp đặt camera an ninh.

Địa phương sẽ lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí tại các điểm dân cư tập trung, khu vực công cộng trên địa bàn toàn xã, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận thông tin. Thiết lập và hoàn thiện mô hình liên kết 3 nhà (nhà nước – doanh nghiệp - trường đại học, viện nghiên cứu) tăng cường sự tham gia hợp tác trong giải quyết các vấn đề bức xúc của cộng đồng; tích hợp các dự án có liên quan đến kế hoạch làng thông minh để tạo sự kết nối đồng bộ với kế hoạch xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương; phát huy vai trò trung tâm của người dân trong giải quyết các vấn đề bức xúc của cộng đồng tại địa phương.

Về môi trường, đến cuối năm 2025, trên 90% rác thải, nước thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp được phân loại tại nguồn và được thu gom xử lý theo đúng quy định. Về sản xuất, nắm bắt cơ hội mới của thời đại 4.0, phát huy ưu thế, vị thế của Bình Dương, thu hút nguồn lực, tiếp cận các cơ hội đầu tư mới phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động cho người dân và nâng cao thu nhập cho nhân dân xã Bạch Đằng.

Sẽ phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, gắn với xây dựng các chuỗi liên kết (tập trung các sản phẩm chủ lực của xã: bưởi, lúa, rau thủy canh và sinh vật cảnh). Ứng dụng quản lý trang trại nông nghiệp thông minh trong các khâu sản xuất (giống, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), kiểm soát dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và truy suất nguồn gốc sản phẩm, ứng dụng các quy trình công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Nơi đây cũng chia sẻ thông tin thị trường đầu vào và đầu ra sản phẩm cho các thành viên, gắn kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp; xây dựng và triển khai các ứng dụng giao dịch trực tuyến, kết nối kênh cung cấp thông tin các sự kiện liên quan đến xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước để người sản xuất tiếp cận. Việc xây dựng gắn sản xuất với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Theo kế hoạch của tỉnh Bình Dương, đến năm 2025, sẽ hoàn thành việc thực hiện thí điểm xây dựng “Làng thông minh”; xã Bạch Đằng được công nhận xã NTM kiểu mẫu, là mô hình mẫu để tổ chức nhân rộng tại các xã có điều kiện tương tự trên địa bàn tỉnh.

M.Hải – N.Cảnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/binh-duong-se-co-lang-thong-minh-638154/