Hà Nội kích hoạt 'vùng thử nghiệm' đổi mới sáng tạo
Luật Thủ đô 2024 lần đầu tiên trao cho Hà Nội quyền được thử nghiệm chính sách mới – sandbox trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cơ chế này được kỳ vọng sẽ mở ra 'vùng thử' linh hoạt, an toàn và dẫn dắt những mô hình công nghệ tiên phong cho Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới.

Hà Nội hướng tới trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với sự hỗ trợ từ Luật Thủ đô 2024. Ảnh: Khánh Huy
Pháp lý đã sẵn sàng cho thử nghiệm
Kể từ khi Quốc hội thông qua Luật Thủ đô 2024, một trong những điểm được giới chuyên gia và cộng đồng công nghệ đặc biệt chú ý chính là việc Hà Nội được phép triển khai cơ chế thử nghiệm chính sách có kiểm soát (sandbox) trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Điều 40 Luật Thủ đô 2024 quy định: “TP Hà Nội được thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển; miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm tại Hà Nội”.
Bên cạnh đó, khoản 2, Điều 41 của luật còn trao quyền cho Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội được ban hành tiêu chí, lựa chọn lĩnh vực và chính sách thử nghiệm, tạo hành lang pháp lý mềm cho sáng tạo công nghệ được phát triển có kiểm soát.
Trao đổi với PV, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) Hà Nội Nguyễn Quốc Hà cho biết, một số điểm nghẽn chính hiện nay khiến kết quả nghiên cứu khoa đi vào cuộc sống bao gồm:
- Rào cản pháp lý, hành chính: cơ chế chuyển giao tài sản, kết quả nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước theo Nghị định 70/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ gặp rất nhiều vướng mắc như việc định giá tài sản, việc chuyển giao có bồi hoàn chi phí.
- Thiếu liên kết nghiên cứu - thị trường: kết quả nghiên cứu chưa xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp và ngược lại, doanh nghiệp cũng thiếu thông tin, không tiếp cận được kết quả nghiên cứu khoa học của các tổ chức nghiên cứu.
- Các tổ chức trung gian KHCN còn thiếu và yếu đặc biệt trong lĩnh vực: định giá công nghệ, thẩm định công nghệ và chuyển giao công nghệ.
Hiện nay, theo phân công của UBND TP Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội quy định chi tiết một số chính sách đặc thù phát triển khoa học và công nghệ thành phố Hà Nội để thi hành Luật Thủ đô và dự thảo Quy chế quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp TP.
Định hướng sẽ có đổi mới mạnh mẽ về quy trình tổ chức và đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cấp Thành phố theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tuyển chọn để nhanh chóng đưa nhiệm vụ vào nghiên cứu; ưu tiên giao trực tiếp đối với các nhiệm vụ KH&CN trọng điểm, dự án sản xuất thử nghiệm do doanh nghiệp đề xuất; tăng cường phân cấp, ủy quyền các thẩm quyền của UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện để đáp ứng kịp thời các yêu cầu quản lý nhiệm vụ KH&CN.
Nhiệm vụ KH&CN cấp TP sẽ được đặt hàng thông qua các hội nghị đề xuất gắn chặt hơn với nhu cầu thực tiễn và doanh nghiệp, trên tinh thần viện trường là chủ thể doanh nghiệp là trung tâm.
Hà Nội đang chuẩn bị như thế nào
Theo Phó giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Quốc Hà, Khoản 1 Điều 23 Luật Thủ đô năm 2024 quy định “Lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô bao gồm công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo - tự động hóa, công nghệ môi trường, giảm phát thải các-bon, ứng phó với biến đổi khí hậu và các lĩnh vực khác do Hội đồng nhân dân TP quyết định.”
Trong thời gian tới, TP sẽ ưu tiên các hướng nghiên cứu trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ nêu trên. Bên cạnh đó, TP tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, giáo dục và đào tạo tạo, y tế, tạo cơ sở khoa học để đề xuất các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.
Hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tham mưu, trình UBND TP Hà Nội phê duyệt danh mục nhiệm vụ KH&CN trọng điểm, mời các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu tham gia nghiên cứu.
Dưới góc nhìn của cộng đồng đổi mới sáng tạo, sandbox chính là “vùng thử an toàn” – nơi startup, kỹ sư, doanh nghiệp công nghệ có thể triển khai giải pháp mới mà không sợ ràng buộc pháp lý cứng nhắc.
Anh Nguyễn Hoàng Việt (CEO Founder của Lectron – đơn vị cung ứng giải pháp thiết kế web và an ninh mạng) cho biết: “Chúng tôi từng chứng kiến nhiều sản phẩm rất tiềm năng ‘chết từ trong trứng nước’ vì vướng pháp luật. Sandbox sẽ giúp sáng tạo không còn sợ rủi ro pháp lý ngay từ bước đầu”.
“Chúng tôi kỳ vọng Hà Nội sẽ không chỉ sandbox công nghệ, mà còn thử nghiệm cả mô hình quản lý sáng tạo ví dụ như tổ dân phố số, lớp học công nghệ cộng đồng, hay bệnh viện kết nối AI đều hoàn toàn có thể thử nếu có hành lang pháp lý linh hoạt”, anh Việt cho biết thêm.
Không chỉ công nghệ mà là cách Hà Nội quản trị tương lai
Việc Hà Nội áp dụng cơ chế sandbox có thể tham khảo bài học từ Singapore – quốc gia được xem là hình mẫu toàn cầu trong thử nghiệm chính sách đổi mới sáng tạo. Cuối năm 2016, Chính phủ Singapore với tham vọng khuyến khích các doanh nghiệp phát triển công nghệ tài chính đã chính thức cho áp dụng Sandbox - cơ chế thử nghiệm áp dụng trong phạm vi hạn chế - cho phép các công ty công nghệ trong những lĩnh vực chưa có quy định rõ ràng được phép thử nghiệm các giải pháp của họ trên thị trường, dưới sự giám sát của cơ quan quản lý.
Theo đó, ngày 16/11/2016, cơ quan quản lý tiền tệ của Singapore (MAS) đã công bố Hướng dẫn về Khung pháp lý thử nghiệm cho ngành tài chính (FinTech Regulatory Sandbox Guidelines) để khuyến khích và cho phép thử nghiệm các giải pháp sử dụng công nghệ một cách sáng tạo để cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ tài chính.
MAS công bố Hướng dẫn về Khung pháp lý thử nghiệm cho ngành tài chính hướng tới mục tiêu cụ thể là khuyến khích những khởi nghiệp sáng tạo về công nghệ tài chính có thể được thử nghiệm ở thị trường sau đó được áp dụng tại Singapore và nhiều quốc gia khác. Những thử nghiệm này sẽ được tiến hành trong một không gian và thời gian được xác định rõ ràng và với các biện pháp bảo vệ thích hợp để bảo vệ cho “hệ thống tài chính” của Singapore. Tuy nhiên, MAS cũng có thể gia hạn về thời gian để tiến hành thử nghiệm trong khung pháp lý Sandbox - TS. Chu Thị Hoa (Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp) chia sẻ trên cổng thông tin Bộ Tư pháp.
Sandbox nếu được vận hành hiệu quả, sẽ không chỉ mang lại cơ hội cho các sản phẩm, mô hình đổi mới sáng tạo, mà còn thể hiện một cách tiếp cận quản trị đô thị mới: kiểm soát rủi ro bằng hiểu biết, thay vì cấm đoán bằng luật cứng.
Đây cũng là bước đi quan trọng giúp Hà Nội xây dựng năng lực “tự chủ chính sách” – một trong những mục tiêu được Luật Thủ đô 2024 trao quyền. Để làm được điều đó, Hà Nội cần khẩn trương ban hành các quy định hướng dẫn sandbox, thành lập tổ công tác điều phối, và đặc biệt là xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả mô hình thử nghiệm.
Phó giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Quốc Hà cho biết thêm, dự thảo các Nghị quyết triển khai Luật thủ đô sửa đổi sẽ hướng tới cơ chế tự động chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, kết quả nhiệm vụ KH&CN cho tổ chức chủ trì, không phải thực hiện thủ tục. Với hai vướng mắc tiếp theo, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ một số giải pháp như sau:
Xây dựng và vận hành Sàn Giao dịch công nghệ Hà Nội để kết nối viện, trường, doanh nghiệp, và startup, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, trở thành một tổ chức trung gian công nghệ mạnh không chỉ của Thành phố mà còn kết nối trong Vùng Thủ đô và cả nước.
Xây dựng Đề án Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Đề án Vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hà Nội để giúp tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, khu vực tập trung cho các startups, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp KHCN, các trường, viện kết nối và thực hiện các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp.
Triển khai quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó xây dựng Hòa Lạc trở thành Thành phố khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, tập trung các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ cao, để các kết quả nghiên cứu công nghệ có thể nhanh chóng được chuyển giao đưa vào sản xuất.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường KHCN, kết nối 3 nhà : Nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý trong đó lấy viện trường là chủ thể, doanh nghiệp là trung tâm.
Xây dựng các cơ sở dữ liệu về chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp KHCN, nhiệm vụ KH&CN.
Không gian thử nghiệm chính sách luôn mang trong nó rủi ro. Nhưng nếu Hà Nội bắt đầu bằng một số mô hình thử nghiệm cụ thể, sẽ có rất nhiều tiềm năng và cơ hội để tạo ra những bước đột phá về phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo.