Bình Dương: Sẽ có thêm 12 khu công nghiệp mới trong giai đoạn 2025 - 2030
Hiện nay, toàn tỉnh Bình Dương có 28 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích gần 12.046ha, tạo ra 551.380 việc làm cho người lao động. Theo Quy hoạch, giai đoạn 2025-2030, tỉnh Bình Dương sẽ triển khai thêm 12 khu công nghiệp mới theo quy hoạch được duyệt với diện tích sử dụng đất khoảng 18.600ha…
![Bình Dương sẽ có thêm 12 khu công nghiệp mới trong giai đoạn 2025 – 2030. (Ảnh minh họa)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_56_51449735/555c75fb40b5a9ebf0a4.jpg)
Bình Dương sẽ có thêm 12 khu công nghiệp mới trong giai đoạn 2025 – 2030. (Ảnh minh họa)
Là tỉnh thành có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, mang tính kết nối trong vùng, đồng thời sở hữu hạ tầng đồng bộ cùng chính sách cởi mở, thông thoáng… thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã và đang trở thành “điểm đến” hấp dẫn của nhiều “ông lớn” trên thế giới như Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc…
Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho thấy, đến cuối năm 2024, Bình Dương đã vượt mặt Thành phố Hà Nội để đứng thứ 2 trên cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trên toàn tỉnh hơn 1,9 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 24% so với cùng kỳ và vượt 6% kế hoạch. Trong đó có 206 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư là 906,4 triệu đô la Mỹ, bằng 147% so với cùng kỳ; 151 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 850,6 triệu đô la Mỹ…
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, hiện tổng số khu công nghiệp quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn tỉnh Bình Dương là 33 khu công nghiệp, chiếm 7,9% trên tổng số khu công nghiệp cả nước (416 khu công nghiệp) với tổng diện tích quy hoạch là 14.790ha. Trong đó, có 28 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 11.962ha, tạo ra 551.380 việc làm cho người lao động. Đây cũng là chìa khóa để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giúp Bình Dương vươn mình lên vị trí thứ 2 cả nước.
Về kết quả thu hút đầu tư, lũy kế năm 2024, các khu công nghiệp đã thu hút gần 1,4 tỷ đô la Mỹ, đạt 114% kế hoạch năm 2024. Trong đó, cấp mới 134 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 743 triệu đô la Mỹ; 103 lượt dự án điều chỉnh tăng thêm vốn đầu tư gần 633 triệu đô la Mỹ.
![Đến cuối năm 2024, Bình Dương đã vượt mặt Thành phố Hà Nội để đứng thứ 2 trên cả nước về thu hút FDI và là “điểm đến” hấp dẫn của nhiều “ông lớn” trên thế giới. (Ảnh minh họa)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_56_51449735/27ae0d093847d1198856.jpg)
Đến cuối năm 2024, Bình Dương đã vượt mặt Thành phố Hà Nội để đứng thứ 2 trên cả nước về thu hút FDI và là “điểm đến” hấp dẫn của nhiều “ông lớn” trên thế giới. (Ảnh minh họa)
Đến nay, các khu công nghiệp Bình Dương có 3.215 dự án còn hiệu lực, bao gồm 2.524 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 30,57 tỷ đô la Mỹ và 691 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 95.460 tỷ đồng.
Về hoạt động doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp, chỉ riêng năm 2024 có thêm 124 dự án/doanh nghiệp đi vào hoạt động, đạt 95,38% kế hoạch năm, nâng tổng số dự án/doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp Bình Dương là 2.700. Trong đó có 2.194 dự án đầu tư nước ngoài và 506 dự án doanh nghiệp trong nước.
Ước vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp đạt 2.265 triệu đô la Mỹ, tăng 19,75% so với cùng kỳ và đạt 132% kế hoạch năm 2024; trong đó dự án/doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.028 triệu đô la Mỹ (chiếm tỷ lệ 89,53%), tăng 21,05% so với cùng kỳ, khu vực trong nước đạt 236 triệu đô la Mỹ (chiếm tỷ lệ 10,47%), tăng 10,07% so với cùng kỳ.
Cũng trong năm 2024, doanh thu từ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt 38.028 triệu đô la Mỹ, tăng 5,15% so với cùng kỳ và đạt 108,65% kế hoạch năm. Trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 32.217 triệu đô la Mỹ (chiếm tỷ lệ 84,71%), tăng 5,15% so với cùng kỳ, khu vực trong nước đạt 5.811 triệu đô la Mỹ (chiếm tỷ lệ 15,29%), tăng 6,55% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu đạt 27.361 triệu đô la Mỹ, tăng 8,91% so với cùng kỳ và đạt 119,09% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu đạt 20.104 triệu đô la Mỹ, giảm 3,11% so với cùng kỳ và đạt 100,52% kế hoạch năm.
Thuế và các khoản nộp ngân sách từ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp năm 2024 đạt 607 triệu đô la Mỹ, tăng 16,5% so với cùng kỳ và đạt 101% kế hoạch năm. Trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 546 triệu đô la Mỹ, chiếm tỷ lệ gần 90%.
Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, toàn tỉnh sẽ có khoảng 42 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 25.000ha, trong đó diện tích sử dụng đất khu công nghiệp đến năm 2030 khoảng 18.600ha.
![Bình Dương hiện có 28 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 11.962ha, tạo ra 551.380 việc làm cho người lao động. (Ảnh minh họa)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_56_51449735/1b6729c01c8ef5d0ac9f.jpg)
Bình Dương hiện có 28 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 11.962ha, tạo ra 551.380 việc làm cho người lao động. (Ảnh minh họa)
Đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, giai đoạn 2025-2030, tỉnh Bình Dương sẽ triển khai thêm 12 khu công nghiệp mới theo quy hoạch được duyệt. Trong năm 2025 này sẽ triển khai một số khu công nghiệp gồm: Bắc Tân Uyên 1 (Cơ khí); Vĩnh Lập (Vsip 4); Tân Lập 1.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, hoạt động tại các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương vẫn đối mặt với nhiều khó khăn như sự chồng chéo về thể chế, công tác quản lý chưa đạt hiệu quả cao, tác động từ kinh tế vĩ mô và tình hình thế giới…
Vì vậy, Ban Quản lý các khu công nghiệp cũng đưa ra một số kiến nghị và giải pháp nhằm nâng cao hoạt động thu hút FDI thời gian tới, như: Về thể chế, cần rà soát lại thể chế các nội dung không đồng bộ để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi trên quan điểm thống nhất với tinh thần cải cách của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; tạo điều kiện tối đa và khuyến khích các doanh nghiệp triển khai hoạt động R&D hoặc hợp tác chuyển giao công nghệ, đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư, duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh.
Về xúc tiến đầu tư, tập trung vào 04 nhóm giải pháp trọng tâm: Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tổng hợp, phân tích và dự báo tình hình; Xây dựng Kế hoạch xúc tiến đầu tư theo hướng chọn lọc, khả thi, hiệu quả và có tầm nhìn; Nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư; đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư, trong đó áp dụng các hình thức hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin; kết nối chặt chẽ với các tổ chức tài chính, công ty tư vấn quốc tế lớn. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ đồng thời gắn trách nhiệm người đứng đầu đối với hiệu quả thực hiện xúc tiến đầu tư tại chỗ của mình.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp; rà soát, bổ sung quỹ đất sạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, logistic; rà soát về năng lượng để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho các dự án đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giao đất và xây dựng các khu công nghiệp đã được quy hoạch nhằm chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút những dự án đầu tư lớn, chất lượng cao trong làn sóng đầu tư vào Việt Nam hiện nay.
Phát triển khoa học và công nghệ gắn liền với đổi mới sáng tạo; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ hiệu quả nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước. Ngoài ra, cần tạo kết nối 03 nhà, gồm: Nhà trường - Doanh nghiệp - Nhà nước để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo có tính định hướng. Tạo môi trường đầu tư từ ngoại lực vào hoạt động nghiên cứu khoa học và R&D…