Bình Dương: Thanh tra vào cuộc vụ 'lùm xùm' đấu giá 'đất vàng'
Thương vụ đấu giá ngàn tỉ nhưng gần 2 năm vẫn chưa thanh toán xong. Việc này bị cho là 'bất thường', có khả năng dẫn đến thiệt hại nặng nề cho 'bên phải thi hành án' cũng như ngân sách nhà nước.
Tài sản giảm giá vì đấu giá kéo dài?
Trước rất nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo về việc đấu giá một dự án hơn 1.000 tỉ đồng tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương để thu hồi vốn mà Agribank chi nhánh Chợ Lớn từng cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú vay, Thanh tra Bộ Tư pháp đã vào cuộc, có kết luận chính thức.
Theo kết luận thanh tra thể hiện, Dự án khu dân cư (KDC) Hòa Lân (nằm ở thị xã Thuận An) có diện tích gần 500.000m2 là tài sản thế chấp để Công ty Thiên Phú vay Ngân hàng Agribank Chợ Lớn 305 tỉ đồng và gần 19.000 lượng vàng (qui đổi tổng cộng hơn 1.100 tỉ đồng).
Do việc làm ăn không thuận lợi như dự tính ban đầu khiến Công ty Thiên Phú không có khả năng thanh toán. Ngày 17/4/2015, Thiên Phú phải ký biên bản thỏa thuận giao tài sản để Agribank Chợ Lớn xử lý thu hồi nợ.
Hai tháng sau, Agribank Chợ Lớn ký hợp đồng với Công ty CP Dịch vụ Đấu giá Nam Sài Gòn (quận 7, TP HCM) để bán đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc Dự án KDC Hòa Lân với giá khởi điểm gần 1.470 tỉ đồng. Qua 12 phiên đấu giá kéo dài gần 2 năm (từ ngày 9/7/2015 đến 25/5/2017), việc đấu giá mới thực hiện xong. Thế nhưng, kết quả của vụ đấu giá này đã khiến những người quan tâm cho là thiếu minh bạch, còn nhiều “khuất tất”.
Trước hết ở chỗ thời gian kéo dài càng lâu thì phía người phải “thi hành án” càng điêu đứng. Bởi lẽ, cứ mỗi lần đấu giá không thành thì tài sản sẽ được định giá lại và giảm nhiều %. Cụ thể, qua 10 phiên thông báo bán đấu giá, giá trị tài sản của Dự án KDC Hòa Lân lần lượt được điều chỉnh giảm xuống từ 1.467 tỉ đồng chỉ còn 1.070 tỉ đồng và tới phiên thông báo lần thứ 11 chỉ còn có 963 tỉ đồng. Như vậy, giá trị tài sản của chủ dự án đã bị giảm hơn 1/3 giá trị, trong khi đó giá bất động sản trong 2 năm (từ 2015 đến 2017) lại tăng theo cấp số nhân.
Sau gần 2 năm trầy trật với việc bán đấu giá vì nhiều lý do, ngày 25/5/2017, tại phiên đấu giá thứ 12 có 3 đơn vị tham gia là Công ty CP Đầu tư Thái Bình, Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức và Công ty A Đông Hải (nay đổi tên thành Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP HCM). Tại lần đấu giá lần này, Công ty A Đông Hải đã trúng đấu giá 1.353 tỉ đồng.
Từ trả tiền ngay thành trả dần
Chiếu theo thông báo vào ngày 28/4/2017 của Agribank Chợ Lớn, chậm nhất ngày 5/5/2017, các khách hàng tham gia đấu giá gửi văn bản thông báo bằng văn bản cho Agribank Chợ Lớn phương thức thanh toán (trả ngay hay trả dần). Nếu khách hàng không gửi thông báo hoặc gửi sau ngày 5/5/2017 thì xem như khách hàng tham gia đấu giá sẽ thanh toán theo phương thức trả ngay 1 lần (trong vòng 45 ngày kể từ ngày trúng đấu giá). Việc này cũng được Công ty Đấu giá gửi cho các khách hàng ngay trong ngày 28/4/2017.
Điều đáng nói là trong 3 đơn vị tham gia này chỉ có duy nhất Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức có văn bản gửi Agribank Chợ Lớn cam kết sẽ thanh toán một lần trong vòng 45 ngày nếu trúng đấu giá. Riêng với hai công ty còn lại là Công ty Thái Bình và Công ty A Đông Hải không có phương án thanh toán gửi cho Agribank Chợ Lớn, dù được phía Agribank Chợ Lớn và Công ty Đấu giá Nam Sai Gòn có thông báo. Bởi vậy phía công ty trúng đấu giá là A Đông Hải bị hiểu phải thanh toán 1 lần trong vòng 45 ngày cho Agribank Chợ Lớn.
Thế nhưng, sau khi trúng đấu giá thành công dự án được xem là vị trí “vàng” còn sót lại tại khu vực này, phía Công ty Kim Oanh lại chỉ thanh toán nhỏ giọt. Cụ thể sau hơn 3 tháng, Công ty Kim Oanh cũng mới chỉ thanh toán được hơn 340 tỉ đồng (chỉ bằng 1/4) so với tổng số tiền trúng đấu giá.
Trước tình thế này của Kim Oanh, ngày 8/9/2017, phía Agribank Chợ Lớn đã ký phụ lục hợp đồng, buộc phía Kim Oanh phải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ số tiền còn lại cùng với lãi suất chậm trả muộn nhất vào ngày 30/6/2018. Đến hẹn, phía Kim Oanh chỉ thanh toán thêm cho phía Agribank Chợ Lớn chưa đầy 400 tỉ đồng. Tính đến cuối năm 2018, công ty này cũng chỉ mới thanh toán được gần 950 tỉ đồng, còn lại gần 400 tỉ. Kết luận thanh tra chỉ ra như vậy, rõ ràng Công ty Kim Oanh đã vi phạm nghiêm trọng phương thức thanh toán của một vụ đấu giá tài sản rất lớn để thu hồi tiền về cho ngân sách nhà nước.
Vậy vấn đề dư luận đặt ra ở đây là tại sao lại có tình trạng Kim Oanh được trả dần, trong khi lẽ ra phải thanh toán ngay? Trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan trong vụ việc này như thế nào?
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.