Bình Dương: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất
Trước những vấn đề khó khăn, vướng mắc khi doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Bình Dương đã hoàn thiện hồ sơ xây dựng phương án tái khởi động sản xuất nhưng phải chờ thẩm định, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND Bình Dương vừa quyết định cho phép DN được khôi phục hoạt động sản xuất ngay, ngành chức năng sẽ tiến hành kiểm tra sau.
Phục hồi sản xuất gặp khó khăn... do chờ thẩm định hồ sơ
Bình Dương đã ban hành Kế hoạch về việc khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới từ ngày 16/9. Ngay sau khi Bình Dương trở về trạng thái bình thường mới, đã có hàng trăm doanh nghiệp (DN) chuẩn bị tái khởi động sản xuất. Tuy nhiên, các DN đều gặp khó khăn, vướng mắc trong việc khôi phục sản xuất khi phải chơ cơ quan chức năng thẩm định hồ sơ, khiến cho việc tái khởi động lại sản xuất của DN không thể thực hiện.
Ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết, nhiều DN sản xuất chế biến gỗ không thể tái khởi động sản xuất do phải chờ các cơ quan chức năng thẩm định hồ sơ, mặc dù DN đã xây dựng phương án và đăng ký tổ chức sản xuất theo quy định. Do đó, các DN của BIFA gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở cửa lại sản xuất, tái lập chuỗi cung ứng, hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu sau một thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội.
Để tháo gỡ khó khăn, vương mắc và phục hồi sản xuất nhanh chóng của DN, Chủ tịch BIFA cho hay, đã gửi công văn kiến nghị chính quyền Bình Dương không áp dụng cơ chế “xin - cho” mà giao quyền cho DN chủ động phòng, chống dịch tái sản xuất bên trong hành lang pháp lý phòng chống dịch. Đồng thời, khẩn cấp tháo điểm thắt thẩm duyệt hồ sơ các mô hình “3 xanh”, “3 tại chỗ” cho hàng loạt nhà máy và chuẩn hóa biểu mẫu phương án tái khởi động sản xuất, cho phép các DN được phép hoạt động sau 3 ngày đã nộp hồ sơ cùng các cam kết đến với chính quyền địa phương.
Về những khó khăn, vương mắc của DN trong thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương thừa nhận, đa số DN gặp khó khăn về thủ tục xin phép tái hoạt động sản xuất, do thời gian thẩm định mất nhiều thời gian, làm ảnh hướng tiến độ khôi phục lại sản xuất. Trên cơ sở các kiến nghị của các hiệp hội ngành hàng, Sở đã báo cáo và kiến nghị với UBND tỉnh để nhanh chóng tạo điều kiện cho DN khôi phục sản xuất.
Cho phép doanh nghiệp sản xuất trước, hậu kiểm sau
Qua nắm bắt những ý kiến, kiến nghị của các DN và các sở ngành, ông Nguyễn Tầm Dương - Chánh văn phòng UBND Bình Dương - cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành Thông báo hỏa tốc 268 về ý kiến chỉ đạo và kết luận của Chủ tịch UBND Bình Dương Võ Văn Minh, về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN khi khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo đó, Chủ tịch UBND Bình Dương quyết định cho phép DN hoạt động theo mô hình “3 xanh”, “3 tại chỗ” chuyển sang “3 xanh” và DN đã đăng ký hoạt động theo mô hình “3 xanh” phải xây dựng phương án hoạt động kèm phương án phòng chống dịch gửi cho cơ quan chức năng rồi DN triển khai hoạt động, cơ quan chức năng sẽ thực hiện hậu kiểm sau. Đối với những tổ chức DN có quy mô lớn, số lượng lao động nhiều, DN hoạt động trong môi trường máy lạnh, nguy cơ lây nhiễm cao nên quan tâm hậu kiểm sớm nhất có thể.
Người đứng đầu chính quyền Bình Dương yêu cầu, DN hoạt động theo mô hình “3 xanh”, mô hình “3 tại chỗ” khi cho công nhân về lại nơi cư trú phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính, giấy đi đường và xác định cung đường người lao động đi là từ nơi ở đến nhà máy cho người lao động (các loại giấy tờ này do DN cấp và tự chịu trách nhiệm). Khi người công nhân đi về có đủ các loại giấy tờ nêu trên cấp huyện xem xét cho người lao động về nơi cư trú và đi làm trở lại tại nhà máy vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, trước khi DN cho công nhân, người lao động về lại nơi cư trú phải thông báo trước cho cơ quan quản lý.
Trong thời hian tới, cả DN, chính quyền sẽ phải chấp nhận nguy cơ F0 có thế bùng phát trở lại, để có phương án xử lý kịp thời F0 trong DN, chính quyền Bình Dương đề nghị DN phải có phương án xử lý F0 trong DN đúng theo nội dung hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời giao Sở Y tế có hướng dẫn thêm vấn đề xử lý F0 trong DN trong tình hình mới để áp dụng đồng bộ, thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND Bình Dương giao Ban quản lý các KCN, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan ưu tiên bố trí tiêm bảo bao phủ mũi 2 cho toàn bộ lực lượng công nhân, người lao động, cơ sở kinh doanh đăng ký khôi phục hoạt động, kể cả nhà thầu đang thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh…
Trên cơ sở quán triệt phương châm “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, các DN đều cho biết đang dần chuyển qua phương án "3 xanh". Để khắc phục khó khăn, thời gian tới các DN sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của UBND Bình Dương nỗ lực để từng bước phục hồi sản xuất, phấn đấu đạt giá trị sản xuất cao nhất có thể trong năm 2021.